Cần đổi thay từ suy nghĩ đến cách làm hoạt động NCKH trong học sinh

GD&TĐ - Tập làm nghiên cứu khoa học (NCKH) giúp học sinh các trường phổ thông quen và dần yêu thích khoa học. 

Học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học Huế sáng tạo khoa học kỹ thuật.
Học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học Huế sáng tạo khoa học kỹ thuật.

Để đạt mục tiêu trên, cần thay đổi từ quan điểm đến cách làm của từng cá nhân tham gia.

Thực tế sinh động

Tại Trường THPT chuyên Quốc Học Huế, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Phú Thọ cho biết: Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) là nội dung không thể thiếu trong trường nhằm giúp các em áp dụng kiến thức đã học vào cuộc sống, học đi đôi với hành.

Đây cũng là cách tiếp cận, làm quen với phương pháp, kỹ năng NCKH, rèn luyện cách làm việc tự lực, làm việc nhóm và phát huy tính tích cực, chủ động trong học tập và sinh hoạt. Từ đó, phát hiện các tài năng, là cơ sở xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Vì vậy, nhà trường luôn đầu tư các đề tài về mặt chất lượng. Kết quả, năm học 2022 - 2023, nhà trường giành 3 giải cấp tỉnh (gồm 2 giải Nhất, 1 giải Nhì).

Là học sinh lớp 10 Toán 1, Trường chuyên THPT Quốc Học Huế, em Đậu Nguyễn Thái Bình, giải Nhì cuộc thi KHKT cấp quốc gia, chia sẻ: “Tham gia NCKH, chúng em được tiếp cận với vấn đề cụ thể, có ý thức đào sâu suy nghĩ để tự nghiên cứu giải quyết đề yêu cầu đặt ra. Trong quá trình thực hiện sẽ nảy sinh ra nhiều hướng giải quyết khác nhau; rèn kỹ năng diễn đạt, thuyết trình, phong thái tự tin khi bảo vệ trước hội đồng khoa học. Đây là trải nghiệm quý báu và thú vị, không phải học sinh nào cũng có được trong 3 năm học tại trường THPT”.

Còn ở huyện miền núi Văn Yên, tỉnh Yên Bái, cô Vũ Thị Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An cho biết: Từ đầu năm học, nhà trường xây dựng kế hoạch, triển khai phát động phong trào nghiên cứu sáng tạo KHKT nhằm tạo ra sân chơi bổ ích, giúp học sinh áp dụng kiến thức đã học vào cuộc sống; làm quen với phương pháp, kỹ năng NCKH để tạo đà cho bậc học chuyên nghiệp. Qua đó, trường phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu cho các em ở một số môn học có liên quan cũng như phát hiện tài năng để bồi dưỡng, phát triển năng lực.

Hướng dẫn học sinh dự thi sáng tạo KHKT các cấp với dự án “Sản xuất mì dinh dưỡng” đoạt giải Nhì cấp tỉnh, cô Đào Thị Hồng Hạnh, Trường THPT Chu Văn An chia sẻ: Các em bày tỏ suy nghĩ về việc sản xuất loại mì thay thế mì gạo. Từ ý tưởng của trò, bản thân trao đổi, định hướng và dẫn dắt nhóm thực hành từng công đoạn để tạo ra sản phẩm.

“Hướng dẫn học sinh nghiên cứu có nhiều thuận lợi và khó khăn nhất định, vì vậy giáo viên phải tìm ra biện pháp để phát huy triệt để lợi thế, khắc phục tối đa khó khăn. Đặc biệt, người hướng dẫn cần thổi vào học sinh luồng suy nghĩ tích cực để thêm đam mê nghiên cứu tạo ra sản phẩm có ích cho xã hội; góp phần phát triển năng lực, phẩm chất người học như yêu cầu Chương trình GDPT mới”, cô Đào Thị Hồng Hạnh nói.

Truyền lửa đam mê đến học sinh của các thầy cô giáo Trường THPT Chu Văn An, tỉnh Yên Bái.

Truyền lửa đam mê đến học sinh của các thầy cô giáo Trường THPT Chu Văn An, tỉnh Yên Bái.

Chia sẻ của người trong cuộc

Với quan điểm giúp học sinh làm quen với NCKH chứ không phải đoạt giải, Trường THPT Chu Văn An luôn khuyến khích giáo viên gợi ý để học sinh thực hiện đề tài gần gũi với đời sống hằng ngày. Theo cô Vũ Thị Hạnh, dự án “Sản xuất mì dinh dưỡng” đoạt giải Nhì cấp tỉnh; dự án “Vấn đề phát triển về quế và sản phẩm về quế trong nền kinh tế thị trường” đoạt giải Khuyến khích cấp tỉnh; Dự án “Hương đuổi muỗi” đoạt giải Khuyến khích cấp tỉnh đều gắn liền với đời sống người dân huyện Văn Yên.

Là tác giả dự án “Sản xuất mì dinh dưỡng”, em Hoàng Ngọc Diệp nhận lời gợi ý từ cô giáo: Học tập các môn văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, NCKH là chất xúc tác để việc học tốt hơn, bước đầu làm quen với khoa học. Cô giáo khuyên Diệp chọn đề tài gần gũi với thiên nhiên và môi trường xung quanh.

“Nhận thấy thời gian gần đây, các loại thực phẩm bẩn lan tràn trên thị trường dẫn tới một số vụ ngộ độc, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, nhóm quyết tâm nghiên cứu sản phẩm vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá thành hợp lý, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng. Chúng em đã thành công với dự án “Sản xuất mì dinh dưỡng”, nữ sinh bộc bạch.

Để phát triển năng lực cá nhân cho học sinh, NCKH là phần không thể thiếu trong nhà trường. Đồng quan điểm, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Phú Thọ cho rằng: Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung NCKH đến giáo viên, học sinh, phụ huynh và cộng đồng xã hội.

Tạo cơ hội để học sinh trung học giới thiệu kết quả NCKH; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế. Thông qua đó, khuyến khích cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động NCKH của học sinh.

Bên cạnh kết quả đạt được, từ thực tế hoạt động cho thấy nhiều trường và học sinh chưa chủ động trong tổ chức hoạt động NCKH. Có trường làm rất tốt, nhưng không thể phủ nhận còn có đề tài NCKH gây cảm nhận vượt sức của học sinh.

Nhưng ngược lại, có nơi hoạt động này lại hạn chế, thầy cô khi được giao nhiệm vụ còn bỡ ngỡ, lúng túng nên càng ngại hướng dẫn, giúp học sinh làm quen với hoạt động NCKH. Thêm nữa, phương pháp NCKH đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, tỉ mỉ và cần ứng dụng kiến thức khoa học công nghệ nên cũng khó triển khai ở cấp học này. Yếu tố kinh tế - xã hội, điều kiện kinh tế cũng là rào cản khó vượt qua.

NCKH trong các trường THPT là động lực thúc đẩy đổi mới nhận thức, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, để giúp học sinh làm quen với NCKH là việc làm không mới, nhưng khá khó khăn khi tổ chức, khiến không chỉ học sinh mà ngay cả thầy cô giáo cảm thấy lúng túng trong cách làm. Những bỡ ngỡ, khó khăn và nhận thức chưa đầy đủ của việc giúp học sinh làm quen với khoa học qua các hoạt động nghiên cứu, dù chỉ là bước đầu đã làm giảm hiệu quả trong triển khai. - Nhà giáo Vương Văn Bằng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.