Cùng với tình trạng thiếu giáo viên, một nghịch lý đang tồn tại, nhiều sinh viên sư phạm ra trường lại thất nghiệp, số lượng lớn giáo viên hợp đồng lâu năm vẫn không được tuyển dụng đặc cách.
Công khai, minh bạch
Công khai, minh bạch trong tuyển dụng và sử dụng nhà giáo, năm nào cũng được sở GD&ĐT các địa phương nhấn mạnh đến nhưng kết quả thực hiện phần lớn chưa như mong muốn.
Thực tế cho thấy dù đã có chỉ đạo từ trên nhưng các trường vẫn chưa công khai việc tuyển dụng viên chức và người lao động; chưa công khai về số lượng, tiêu chuẩn, hình thức, kết quả trúng tuyển. Xây dựng kế hoạch, công khai kế hoạch, thực hiện nguyên tắc và những hành vi bị nghiêm cấm trong việc thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại.
Tuy nhiên, một số trường học lại cho rằng, việc tuyển dụng và sử dụng nhà giáo còn lệ thuộc vào cấp trên. Cụ thể, nhiều trường đã có kế hoạch tuyển dụng nhân sự phù hợp nhưng vẫn bị trên “ép” xuống nên không thể tuyển dụng được giáo viên như mong muốn.
Từ thực trạng trên cho thấy, việc tuyển dụng và sử dụng nhà giáo cần phân cấp, phân quyền rõ ràng hơn. Thiết nghĩ, hiệu trưởng và hội đồng sư phạm nhà trường nơi tuyển dụng phải có vai trò then chốt trong việc lựa chọn nhân sự. Bởi lẽ, chỉ có trường thiếu giáo viên mới biết được rõ nhất họ cần người như thế nào và đáp ứng được yêu cầu giáo dục nào của nhà trường.
Nhưng khi đã phân cấp, phân quyền rõ ràng trong tuyển dụng cũng cần phải có chế tài quản lý, giám sát nghiêm việc tuyển dụng của hiệu trưởng các trường. Nếu có vi phạm, nhũng nhiễu trong tuyển dụng cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Như Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn từng trả lời băn khoăn của đại biểu Quốc hội về tình trạng thiếu giáo viên tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, tháng 10/2022: “Một chính sách nữa để giải quyết thiếu giáo viên là cân nhắc việc giảm biên chế 10%. Ngoài ra, các địa phương cần giám sát, thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng để đảm bảo công khai, công bằng, tránh phát sinh tiêu cực trong tuyển dụng giáo viên. Tiêu cực trong tuyển dụng cũng có thể là một trong những lý do khiến nhiều người không muốn ứng tuyển. Đây là điều hết sức lưu ý, đề phòng”.
Ảnh minh họa ITN. |
Tìm người giỏi, yêu nghề
Mục tiêu tuyển dụng và sử dụng nhà giáo nhằm phát triển đội ngũ, bao gồm đủ về số lượng và ngày càng được cải thiện, nâng cao về chất lượng, trình độ, phẩm chất, năng lực. Như thế, có nghĩa không phải vì thiếu giáo viên mà chúng ta tuyển dụng ồ ạt, không có tiêu chí đặc thù.
Tuyển dụng là khâu quan trọng nhất, với ngành Giáo dục càng đặc biệt quan trọng vì liên quan đến sự nghiệp trồng người. Tuyển dụng cần tìm người giỏi chuyên môn, đam mê với nghề giáo. Muốn đáp ứng được yêu cầu này, chúng ta phải bắt đầu từ việc thực hiện các chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài. Đó là chế độ về nhà ở đối với giáo viên vùng khó khăn, cải cách tiền lương đảm bảo cuộc sống đầy đủ cho nhà giáo, chính sách giờ làm việc…
Những người có trách nhiệm trong công tác tuyển dụng phải vừa có tâm vừa có năng lực chuyên môn tốt. Cần phá dỡ tư tưởng cổ hủ “người đi tìm việc chứ việc không đi tìm người”. Với lĩnh vực giáo dục, rất cần sự đột phá trong cách thức tuyển dụng người tài.
Trong “chiếu cầu hiền”, Ngô Thì Nhậm đã cho thấy đường lối kêu gọi người hiền tài của vua Quang Trung hết sức rộng mở, bất cứ ai có tài năng đều có thể giới thiệu, tiến cử, tự tiến cử… để phục vụ cho đất nước. Tuyển dụng và sử dụng nhà giáo cũng cần có những chính sách mới mẻ và đột phá như thế.
Cụ thể quy định về tuyển dụng và sử dụng trong Luật Nhà giáo
Trong quá trình xây dựng Luật Nhà giáo, cần nghiên cứu đưa vào bộ luật các chính sách thu hút nhân tài cho ngành Giáo dục. Cụ thể, đưa ra các điều luật về nhiệm vụ và trách nhiệm đối với người tuyển dụng là hiệu trưởng các trường học.
Sửa đổi đối với việc tuyển dụng nhà giáo cho phù hợp với tình hình hiện nay. Việc tuyển dụng nhà giáo trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được thực hiện theo quy định tại Chương II, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ.
Theo quy định trên, việc tuyển dụng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp được thực hiện với những nội dung sau: Căn cứ, điều kiện, thẩm quyền tuyển dụng; Thi tuyển; Xét tuyển; Trình tự, thủ tục tuyển dụng; Hợp đồng làm việc; Tập sự. Theo đó, cần có những thay đổi về thẩm quyền tuyển dụng (trao quyền nhiều hơn cho các đơn vị trường học); bổ sung thêm hình thức “ tự ứng tuyển”; đãi ngộ cao cho giáo viên có chuyên môn giỏi, yêu nghề…
Năm 2020, hơn 2.000 giáo viên hợp đồng lâu năm của Hà Nội phải gõ cửa nhiều nơi để mong được tuyển dụng diện đặc cách. Năm 2023, gần 1.000 giáo viên mầm non của Phú Thọ, trước đó là Nghệ An cũng mòn mỏi chờ đợi được tuyển dụng vào biên chế. Như nhiều người vẫn nói, có những thứ “tất lẽ dĩ ngẫu” sao thầy cô vẫn phải đi xin.