Chuyển biến xã hội tác động lớn đến đội ngũ nhà giáo
NGƯT Tô Ngọc Sơn từng là giáo viên Trường Tiểu học Chu Văn An (Cao Lãnh, Đồng Tháp); chuyên viên của phòng Giáo dục và Đào tạo; sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp; từng hướng dẫn sinh viên thực tập, chia sẻ những kinh nghiệm giảng dạy cho sinh viên Trường ĐH Đồng Tháp; và hiện nay công tác tại một cơ sở giáo dục đại học ở nước bạn Lào.
Trải nghiệm ở nhiều vị trí công tác trong ngành, NGƯT Tô Ngọc Sơn thấy rõ, tình hình xã hội mới hiện nay, sự chuyển biến về kinh tế, chính trị, đặc biệt sự phát triển của công nghệ… đã thực sự tác động một lực rất lớn đến ngành Giáo dục, đến đội ngũ nhà giáo theo cả hướng tích cực và tiêu cực.
Về hướng tích cực, nhiều nhà giáo đã nỗ lực tự học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ, phát triển bản thân để phù hợp với nhu cầu phát triển đất nước và yêu cầu công việc, đáp ứng được mục tiêu đổi mới giáo dục.
Tuy nhiên, cũng có một bộ phận thầy cô vì nhu cầu cuộc sống đã bỏ ngành, chuyển đổi công việc; có những thầy cô trong số này là người giỏi chuyên môn.
Khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của đội ngũ nhà giáo, NGƯT Tô Ngọc Sơn cũng chia sẻ băn khoăn trước tình trạng thiếu giáo viên, cũng như áp lực công việc của thầy cô; băn khoăn về thu nhập còn hạn chế của thầy cô, dù để thi được vào biên chế không phải dễ dàng…
“Với những yếu tố tác động mạnh mẽ đã được minh chứng từ thực tiễn xã hội hiện nay, cần nhanh chóng ban hành Luật Nhà giáo” -NGƯT Tô Ngọc Sơn đề xuất.
Chia sẻ cụ thể hơn, NGƯT Tô Ngọc Sơn cho rằng: Luật Giáo dục 43/2019/QH14 tại chương IV đã có 14 điều dành cho nhà giáo, trong đó có 38 khoản tiêu chí được quy định dành cho Nhà giáo, nhưng chỉ mang tính chất quy định chung để ngành quản lý, cán bộ quản lý thực thi nhiệm vụ đối với giáo viên; chưa quy định cụ thể rõ ràng mức độ, tính chất đặc trưng, đặc thù của nhà giáo…
“Luật Nhà giáo được ban hành, vị thế nhà giáo được nâng lên tầm cao mới. Nhà giáo với công việc đặc thù cần những quy định riêng, không phải chung chung, cào bằng cùng với những công chức, viên chức trong các ngành nghề khác trong Luật viên chức như hiện nay.” - NGƯT Tô Ngọc Sơn nêu quan điểm.
NGƯT Tô Ngọc Sơn. |
Cần làm rõ khái niệm nhà giáo
Nếu Luật Nhà giáo được xây dựng, theo NGƯT Tô Ngọc Sơn, trong Luật cần làm rõ khái niệm “nhà giáo” vì hiện nay chúng ta chưa có định danh đầy đủ, tường minh về nhà giáo dưới góc độ pháp lý. Khi xác định các khái niệm về nhà giáo một cách đầy đủ, tường minh sẽ làm cơ sở để xác định phạm vi điều chỉnh và đề xuất các chính sách về nhà giáo…
Các vấn đề khác cũng cần được quy định trong Luật để làm rõ đặc điểm, tính chất lao động của nhà giáo như: Quy hoạch đội ngũ nhà giáo; chế độ tuyển dụng và sử dụng nhà giáo; quyền của nhà giáo; vấn đề tiền lương của nhà giáo; vấn đề huy động các lực lượng xã hội có khả năng tham gia giảng dạy, giáo dục…
Trong đó, Luật Nhà giáo cần kiến tạo một số chính sách mới để thu hút, phát triển đội ngũ; chính sách đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng nhà giáo, làm động lực để ngành có thể thu hút được người giỏi, tạo động lực cho thầy cô cống hiến, tận tâm với nghề.
Nhấn mạnh đặc thù công việc của đội ngũ nhà giáo, NGƯT Tô Ngọc Sơn cho rằng, làm việc trực tiếp với con người nên quyền và nghĩa vụ của nhà giáo không hoàn toàn giống với viên chức, điều kiện làm việc của nhà giáo cũng cần có sự sáng tạo. Điều này cần được làm rõ trong Luật.
Đề cập đến đội ngũ cán bộ quản lý, theo NGƯT Tô Ngọc Sơn cũng cần được quy định rõ trong Luật Nhà giáo.