Luật GĐĐH là cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng đào tạo

Luật GĐĐH là cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng đào tạo

(GD&TĐ) - Ngày 7/2, tại TP. HCM, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN&NĐ) Quốc hội tổ chức Hội nghị tham vấn ý kiến chuyên gia hoàn thiện Dự án Luật Giáo dục Đại học (GDĐH). Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, GS.VS Đào Trọng Thi- Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cùng các nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý GDĐH.   

>>>Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Giáo dục Đại học

>>>Luật GDĐH góp phần đổi mới căn bản và toàn diện GDĐH VN

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Thực hiện chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2011 của Quốc hội khóa XIII, Dự án Luật GDĐH đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 2 diễn ra vào các tháng 10-11/2011 vừa qua. Sau khi Quốc hội cho ý kiến vào dự án luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã tổ chức hội nghị trực tuyến của Đại biểu Quốc hội chuyên trách để lấy ý kiến đóng góp thêm cho Dự án luật quan trọng này.

Tiếp theo hội nghị trực tuyến của Đại biểu Quốc hội chuyên trách, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban VHGDTNTN&NĐ tổ chức Hội nghị này nhằm tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý GDĐH nhằm hoàn thiện một bước nữa Dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ ba (dự kiến diễn ra vào tháng 5/2012).

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý vào các vấn đề quan trọng như mô hình tổ chức, hoạt động và việc phân tầng, phân loại các cơ sở GDĐH; Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở GDĐH về tổ chức- nhân sự, kế hoạch- tài chính, về các hoạt động đào tạo, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học; Xã hội hóa GDĐH, vấn đề lợi nhuận, phi lợi nhuận của cơ sở GDĐH tư thục, cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài; Bảo đảm và kiểm định chất lượng; Tiêu chuẩn và chế độ, chính sách đối với giảng viên, cán bộ quản lý GD, quyền và nghĩa vụ của người học; Quản lý nhà nước về GDĐH,….

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại hội nghị
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại hội nghị

Với tâm huyết và kinh nghiệm của những người làm công tác nghiên cứu, quản lý và hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực GDĐH, các nhà khoa học, nhà giáo, chuyên gia đã góp nhiều ý kiến sát sườn, góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện Luật GDĐH.

Theo PGS.TS Trần Chí Đáo- Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, nguyên GĐ ĐHQG TP. HCM thì không nên đưa vào luật quá nhiều chi tiết, phải tổng quát vì ở Việt Nam sau khi có luật sẽ có Nghị định của Chính phủ, sau Nghị định lại có Thông tư hướng dẫn của Bộ. Thí dụ không đưa vào luật các chi tiết về chức năng, nhiệm vụ của Hiệu trưởng, về trình độ của giảng viên… Giao quyền tự chủ thì nên quy định chung tự chủ về đào tạo, tổ chức nhân sự, tài chính… khi tự chủ về đào tạo là từ khâu tuyển sinh, chỉ tiêu, ngành nghề. Ở đây không phải tất cả các trường đều được giao quyền tự chủ như nhau. Do đó trong Luật cũng viết rõ các trường như các ĐHQG và một số nữa như ĐH Bách khoa HN, ĐH Kinh tế Quốc dân HN, ĐH Nông nghiệp HN, ĐH Cần Thơ là tự chủ toàn bộ, còn các cơ sở đào tạo khác do Chính phủ hay Bộ GDĐT quy định quyền tự chủ đến đâu…

Theo PGS.TS Trần Chí Đáo, về cơ cấu hệ thống và phân tầng, kiến nghị có thể phân thành 4 loại tầng như sau: 2 ĐHQG TP Hà Nội và TP. HCM, riêng 2 ĐH này có thể có văn bản mang tính đạo luật riêng của Chủ tịch nước; Các ĐH Huế, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Cần Thơ, Bách khoa Hà Nội, Nông nghiệp 1 Hà Nội, Kinh tế quốc dân Hà Nội; Các ĐH công lập thuộc các Bộ, ngành Trung ương, của các tỉnh thành còn lại; Các ĐH quyền sở hữu không phải của nhà nước…

Thứ trưởng Bộ GD& ĐT Bùi Văn Ga phát biểu tại hội nghị
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga phát biểu tại hội nghị

GS.TSKH Cao Văn Phường- CT HĐQT, Hiệu trưởng trường ĐH Bình Dương đặt ra vấn đề GDĐH cần có luật phù hợp để phát triển ổn định. Theo đó Luật GDĐH cần thể thiện chính sách mở trong GD bằng con đường xã hội hóa GD; Phân tầng mục tiêu trong GDĐH; Về lượng giá sản phẩm- sản phẩm của GD trong nền kinh tế mở và kinh tế thị trường hãy để các cơ sở GDĐH chịu trách nhiệm với xã hội và chịu trách nhiệm với bản thân mình; Đổi mới phương pháp xây dựng luật; Bình đẳng, công bằng giữa các cơ sở GD ĐH công lập và ngoài công lập; Trách nhiệm người sử dụng sản phẩm GD,…

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nêu ý kiến về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở GDĐH. Theo ông thì Luật GDĐH cần xóa bỏ nguyên tắc cơ quan chủ quản của các cơ sở GDĐH và thúc đẩy việc sáp nhập các trường ĐH chuyên ngành hẹp, các viện nghiên cứu khoa học riêng lẻ thành các viện ĐH đa lĩnh vực loại nghiên cứu với quyền tự trị ĐH cao. Mô hình ĐH đa lĩnh vực được quy định bằng Luật GDĐH của Quốc hội sẽ là biện pháp để thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về GDĐH và xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản đối với các cơ sở GDĐH… Tự chủ hay tự trị ĐH phải được quy định trong luật GDĐH và phải được ủy thác cho giới hữu trách của Viện ĐH, đó là Hội đồng Viện ĐH (hay là Hội đồng Quản trị Viện ĐH),…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã ghi nhận những ý kiến rất tâm huyết của các nhà khoa học, nhà giáo, chuyên gia và bày tỏ sự mong muốn xây dựng một bộ luật GDĐH hoàn chỉnh trong thời gian tới.

Qua đó Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã đề nghị ban soạn thảo tiếp thu nghiêm túc nội dung mà các chuyên gia góp ý tại hội nghị. Trong đó chú ý đến vấn đề phân tầng và tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GDĐH; bên cạnh đó còn quan tâm đến đội ngũ nhà giáo, giảng viên, đây được xem là vấn đề quan trọng trong sự phát triển GDĐH trong thời gian tới…

Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn không chỉ phạm vi hội nghị mà các thầy cô giáo, nhà quản lý GD, chuyên gia, nhà khoa học có thể tiếp tục đóng góp ý kiến, Ban soạn thảo trân trọng đón nhận và tiếp thu những ý kiến đó và cần có sự cố gắng cao nhất, không chùng bước trước những khó khăn, có sự lắng nghe, tiếp thu có chọn lọc để thông qua bộ luật này…

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD& ĐT Bùi Văn Ga đã ghi nhận những ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý GD đã có những đóng góp bổ ích cho Dự thảo luật GDĐH lần này để tiến tới hoàn thiện Dự thảo luật và  Quốc hội thông qua… “Luật GĐĐH có vai trò hết sức quan trọng, từ đó có cơ sở pháp lý đưa GDĐH vào nề nếp và tiến tới nâng cao chất lượng GD, đào tạo đội ngũ có chất lượng... Bộ GD&ĐT mong muốn Ủy ban thường vụ Quốc hội ủng hộ để luật GDĐH được ra đời trong thời gian tới…”, Thứ trưởng Ga phát biểu.

Quốc Ngữ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ