Đây cũng là giải pháp tối ưu nhất trong bối cảnh tinh giản biên chế để giữ cho GV không bị mất việc. Dù vậy, việc dạy học trái chuyên môn, bậc học được đào tạo khiến nhiều GV rơi vào cảnh dở khóc dở cười, các trường cũng vất vả trong sắp xếp, bố trí đội ngũ.
Thầy giáo THCS xuống dạy mầm non
Năm học 2019 - 2020 là năm thứ 4 thầy Nguyễn Duy Quang, GV THCS về giảng dạy tại Trường Mầm non Thạch Ngàn (huyện Con Cuông, Nghệ An). Thời điểm này, thầy cùng với đồng nghiệp sửa sang lại khuôn viên trường lớp, chuẩn bị cho năm học mới. Theo phân công, thầy Quang phụ trách điểm lẻ ở bản Thạch Sơn. Đây là bản xa nhất của xã Thạch Ngàn, nơi tái định cư của bà con tộc người Đan Lai.
Tốt nghiệp sư phạm ra trường đi dạy từ năm 2003, thầy Quang nguyên là giáo viên môn Toán, công tác tại Trường THCS Cam Lâm, sau đó là trường THCS Yên Khê. Năm 2016, thầy được điều về dạy tại trường Mầm non Thạch Ngàn. “Dạy mầm non mới thấy thời gian căng hơn so với dạy tại trường THCS. Vì mình không dạy theo tiết nữa mà chăm trẻ từ sáng đến tận chiều. Chưa kể còn phải tính toán chế độ dinh dưỡng, giờ giấc ăn, ngủ, vận động cho trẻ”, thầy Quang tâm sự.
Ngoài thầy Quang, Trường Mầm non Thạch Ngàn còn có nam GV khác cũng được chuyển từ bậc THCS xuống. Thầy Chung vốn là giáo viên Lịch sử Trường THCS Thạch Ngàn trong suốt 15 năm, cho đến tháng 10/2018 thầy được luân chuyển thành giáo viên mầm non.
Cô Nguyễn Thị Hợi – Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạch Ngàn cho biết: Thời gian đầu 2 thầy còn bỡ ngỡ, chưa quen với công tác chuyên môn ở bậc mầm non. Vì thế, nhà trường bố trí những giáo viên có kinh nghiệm cùng phụ trách lớp và hướng dẫn, giúp đỡ các thầy trong việc chăm và dạy trẻ. Bản thân 2 thầy cũng nhiệt tình, yêu trẻ nên đến nay đã tiếp nhận công việc thành thạo, kết thúc năm học đều hoàn thành nhiệm vụ.
Dù vậy, nguyện vọng của cả 2 thầy giáo vẫn là được trở lại trường THCS dạy học trong thời gian tới: “Chúng tôi được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm ở bậc THCS với đặc thù riêng về kiến thức, phương pháp, đối tượng học sinh. Được trở về dạy THCS là mong muốn của chúng tôi để không lãng phí năng lực chuyên môn của bản thân”.
|
Cách làm bất đắc dĩ để giữ GV
Nói về việc bố trí giáo viên nam về công tác tại các trường mầm non, ông Lê Thanh An – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Con Cuông, Nghệ An cho hay: Đó là cách làm bất đắc dĩ nhưng để đảm bảo giáo viên không bị mất việc. Do những giáo viên trên đều nằm trong diện hợp đồng của UBND huyện, trong bối cảnh dôi dư giáo viên, họ có nguy cơ bị chấm dứt hợp đồng. Để giải quyết tình trạng trên, năm 2016, Phòng GD&ĐT Con Cuông lên phương án chuyển một số GV THCS xuống dạy mầm non. Đây cũng là cách tạo điều kiện cho những giáo viên hợp đồng lâu năm được vào biên chế vì bậc mầm non mới có thêm định biên.
Theo đó, trong 3 năm vừa qua, huyện Con Cuông đã giải quyết được 15 trường hợp giáo viên dôi dư bậc THCS. Trong đó có 6 giáo viên nam dạy THCS về trường mầm non các xã: Thạch Ngàn, Chi Khê, Mậu Đức, Lạng Khê, Lục Dạ.
Năm học 2019 – 2020, để giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, nhiều huyện trên địa bàn Nghệ An tiếp tục thực hiện điều chuyển, biệt phái cùng cấp và từ THCS xuống tiểu học. Chủ yếu tập trung ở những huyện có tỷ lệ giáo viên dôi dư cao như: Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu…
Tại huyện Yên Thành, có 80 giáo viên THCS chuẩn bị biệt phái dạy tiểu học. Số giáo viên này ở nhiều môn học khác nhau, nhưng nhiều nhất là GV Ngữ văn và Toán. Ông Trần Xuân Tĩnh – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Thành chia sẻ: “UBND huyện liên kết với Trường CĐ Sư phạm Nghệ An tổ chức lớp dạy nghiệp vụ tiểu học cho 80 giáo viên trên.
Thời gian bắt từ ngày 19/8, dự kiến gồm 16 buổi và kinh phí do huyện bỏ ra. Nội dung lớp nghiệp vụ gồm: Tâm lý lứa tuổi, giới thiệu về chương trình tiểu học và phương pháp, kỹ năng giảng dạy”. Ngoài ra, về phía các trường tiểu học, để những GV THCS bắt đầu làm quen với công việc mới, sẽ chưa bố trí họ làm chủ nhiệm mà sẽ làm GV 2. Đồng thời trong năm học sẽ cho số GV này dự giờ thường xuyên để học thêm nghiệp vụ, cách đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 22.
Huyện Yên Thành đang thừa hơn 100 giáo viên THCS, trong khi lại thiếu 138 GV tiểu học để đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày. Theo ông Tĩnh, việc chuyển 80 GV dôi dư THCS xuống dạy tiểu học có thời hạn trong 2 năm. Việc chuẩn bị tinh thần cho những giáo viên này được thực hiện từ năm học trước, qua nhiều đợt tập huấn trực tuyến. Vì vậy, về cơ bản tâm lý giáo viên ổn định, chấp thuận việc điều chuyển. Sau khi hết thời gian biệt phái họ sẽ quay trở lại trường cũ công tác. Nếu ai có nhu cầu ở lại bậc tiểu học thì đăng ký và Phòng sẽ giải quyết.