Luân chuyển giáo viên trở về chính “bản làng mình”

GD&TĐ - Tháng 3, nắng xuân trải một màu vàng tơ khắp thung lũng Mường Ảng (huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên), làm cho khung cảnh nơi “thủ phủ” cà phê của huyện thêm gợi cảm, hấp dẫn. 

Từ việc luân chuyển giáo viên trở về chính “bản làng của mình” công tác đã góp phần tăng tỷ lệ huy động trẻ ra lớp, nâng cao chất lượng dạy, học. Ảnh: T.G
Từ việc luân chuyển giáo viên trở về chính “bản làng của mình” công tác đã góp phần tăng tỷ lệ huy động trẻ ra lớp, nâng cao chất lượng dạy, học. Ảnh: T.G

Sau mấy cuộc điện thoại đặt lịch làm việc, chúng tôi cũng gặp được thầy Lê Văn Thống, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Ảng. Nghe kể về những nỗ lực, bứt phá đi lên trong gian khó suốt hơn 10 năm qua để thấy được phần nào nỗi vất vả của tập thể, giáo viên ở cái huyện còn “non trẻ” này!

Ngày đầu tạo dựng

Gắn bó với sự nghiệp GD-ĐT của huyện từ khi mới chia tách, thành lập (11/2006), có thể nói thầy Lê Văn Thống hiểu nền giáo dục của huyện như “hiểu lòng mình”. Vượt lên những khó khăn của một huyện nghèo nằm trong Chương trình 135/CP với trường lớp tranh tre nứa lá tạm bợ, đội ngũ cán bộ, giáo viên vừa thiếu lại vừa yếu, học sinh chưa chăm chỉ đến trường, song nhờ cách làm riêng, chất lượng dạy và học ở Mường Ảng từng bước đi lên và đến nay có sự bứt phá rõ rệt.

Đưa cho chúng tôi bản kế hoạch, giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học của huyện Mường Ảng trong năm học 2018 - 2019, thầy Lê Văn Thống thoáng trầm ngâm khi hồi tưởng những năm tháng qua. “Tưởng mới đây thôi mà đã 12 năm có lẻ kể từ khi tôi nhận nhiệm vụ trưởng phòng...”. Thầy Thống kể cho chúng tôi về khó khăn ngày đó: Lúc đầu do học sinh đi học không đều nên sĩ số không như mong muốn, toàn huyện chỉ có 23 trường học với khoảng 9.000 học sinh. Mặt khác, ngay đội ngũ cán bộ quản lý không chỉ thiếu về biên chế mà còn yếu về chuyên môn, nhiều trường trong cảnh tranh tre tạm bợ, bàn ghế sơ sài...

Bám sát chỉ đạo của Sở GD&ĐT và chỉ tiêu cụ thể huyện giao, lãnh đạo Phòng GD&ÐT huyện cùng cán bộ quản lý các trường học tập trung họp bàn xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ theo từng năm và từng giai đoạn. Ngoài các giải pháp chỉ đạo chung, thầy Lê Văn Thống mạnh dạn đề xuất giải pháp “điều giáo viên địa phương về giảng dạy tại chính địa phương”. Điều đó tạo thuận lợi cho giáo viên trong việc đi lại, sinh hoạt và được hầu hết các trường hoan nghênh. Tuy nhiên, tránh tình trạng lớp học gần nhà lại khiến thầy giáo bê trễ chuyên môn, thầy Thống yêu cầu Ban giám hiệu các trường chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát anh chị em giáo viên khi phân công họ về bản dạy học.

Một góc Mường Ảng
 Một góc Mường Ảng

Trải lòng của giáo viên

Thầy Quàng Văn Tiến, Trường Tiểu học Mường Đăng (xã Mường Đăng) là một trong những người được luân chuyển về dạy ở bản gần nhà. Không nén được xúc động khi kể cho chúng tôi nghe chuyện gần 2 năm trước, thầy Tiến tâm sự: “Cầm quyết định trên tay tôi vẫn không tin vào mắt mình khi đọc dòng chữ: “Đồng chí Quàng Văn Tiến làm chủ nhiệm lớp ghép bản Pọng”. Nhờ có chủ trương luân chuyển giáo viên về dạy ở bản gần nhà mà tôi mới thôi cảnh cơm niêu nước lọ sau gần 30 năm công tác”.

Rời xã Mường Đăng, chúng tôi đến Trường Tiểu học Nặm Lịch (xã Nặm Lịch, huyện Mường Ảng). Thầy giáo Nguyễn Văn Tuyển - Hiệu trưởng cho biết: “Trường có một giáo viên tuổi cao nhất là thầy Quàng Văn Tem (sinh 1960), còn hầu hết là lực lượng trẻ tuổi. Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Phòng GD&ĐT huyện, Ban giám hiệu họp bàn và nhất trí cao việc bố trí thầy Quàng Văn Tem về giảng dạy ngay tại trung tâm xã cho gần nhà, gần bản”.

Nghe cụm từ “gần nhà, gần bản” lại nhớ cảnh thầy Cháng A Cháu ở bản Chan 2, xã Mường Đăng lúc chở mấy cháu nhỏ đến trường. Sáng hôm ấy, ngày cuối năm 2018 khi chúng tôi ngược dốc lên bản Pơ Mu thì gặp thầy Cháu và bốn trẻ nhỏ ngược đường. Đầu giờ chiều trong lớp ghép 1+2 ở bản Chan 2, thầy Cháu luôn tay với việc rửa mặt, chải tóc cho mấy cháu.

Nhìn thầy Cháu khéo léo đưa lược trên mái tóc học trò, tôi mới đùa: “Trường sư phạm có dạy cách chải tóc cho học sinh không?”, thầy Cháu cười và bộc bạch: Làm giáo viên cắm bản thì ngoài giáo án và bài giảng còn kiêm cả chăm ăn, lo ngủ giấc trưa cho mấy học trò nhà xa. Điểm tên từng em và hoàn cảnh từng nhà của 20 học sinh trong lớp ghép, điều thầy Cháu nói khiến chúng tôi không khỏi day dứt. Lớp có 20 học sinh thì 19 học sinh thuộc diện hộ nghèo. Vậy mà hàng ngày các em Lý A Dương, Lý A Nhi, Lý Thị Bầu, Lý A Mó... vẫn kiên trì vượt mấy cây số đến trường.

Thực hiện chủ trương luân chuyển giáo viên về dạy ở bản gần nhà, hơn 10 năm qua Phòng GD&ĐT huyện Mường Ảng đã sắp xếp, điều chuyển hàng trăm giáo viên về dạy học ở chính bản làng quê mình. Đó là một trong những nguyên nhân tích cực để từ 2 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia (năm 2007), đến tháng 3/2019, toàn huyện có 25/40 trường đạt chuẩn quốc gia. Đặc biệt đến nay huyện không còn bản “trắng” về giáo dục mầm non; gần 1.000 cán bộ quản lý và giáo viên của huyện đều là những cán bộ gắn bó với công việc, yêu trường và mến trò...

Theo ngôn ngữ Thái đen, Mường Ảng có nghĩa là “Mường Khoe” và trong một chiều đầy nắng gió ở thung lũng “Mường Khoe”, chúng tôi thật may khi được nghe kể một cách làm khác. Lắng sâu trong lời kể của người sáng tạo ra cách làm ấy, chúng tôi nhận thấy những ái ngại và cả sự lo toan hiển hiện trong mắt của thầy giáo Lê Văn Thống. Thành công là của chung nhưng nếu thất bại thì mình thầy gánh. Lý lẽ thầy nêu là mong muốn anh chị em giáo viên yên tâm với cuộc sống riêng và dành tâm huyết cho việc trường, việc lớp; rằng họ sẵn sàng cống hiến và họ cũng rất cần được thông cảm, sẻ chia! Đó chính là một cách làm sáng tạo của thầy Lê Văn Thống và Ban lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Mường Ảng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thành phố cổ Petra, Jordan, là một trong 7 kỳ quan thế giới mới.

Thành phố cổ ẩn giấu nhiều bí ẩn

GD&TĐ - Petra, thành phố cổ kỳ bí nằm ở Tây Nam Jordan, là một trong 7 kỳ quan thế giới mới với những công trình chạm khắc từ đá sa thạch hồng.

Áp phích có hình chữ V ở Mỹ trong Thế chiến II.

Dấu hiệu chữ V có từ khi nào?

GD&TĐ - Một cử chỉ được thực hiện bằng cách giơ ngón trỏ và ngón giữa với lòng bàn tay hướng ra ngoài được gọi là 'dấu hiệu chữ V', biểu tượng chiến thắng.

Hoa sở nở rộ tạo ra những 'bức tường hoa' giữa núi rừng Bình Liêu.

Hoa sở phủ trắng núi rừng Bình Liêu

GD&TĐ - Khi mùa Đông đến cũng là lúc loài hoa sở mộc mạc, thanh khiết trên đỉnh núi cao huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) bắt đầu nở rộ.