Lựa chọn nghề cho tương lai: Hiểu đúng bản thân, chọn đúng nghề

GD&TĐ - Học nghề hay đại học đều có ưu, nhược điểm riêng, đòi hỏi xác định năng lực và hiểu rõ bản thân mới có thể định hướng đúng, chọn đúng nghề.

Lê Hoàng Phương Anh - học sinh Trường THCS Nguyễn Trung Trực (bên phải) cùng bạn học trong một buổi hướng nghiệp. Ảnh: Lâm Ngọc
Lê Hoàng Phương Anh - học sinh Trường THCS Nguyễn Trung Trực (bên phải) cùng bạn học trong một buổi hướng nghiệp. Ảnh: Lâm Ngọc

Cân nhắc học nghề sớm

Trong vài năm gần đây, hướng đi nhận được nhiều quan tâm và hưởng ứng của xã hội sau tốt nghiệp THCS là chương trình học trung cấp hoặc cao đẳng kết hợp học văn hóa THPT. Thường xuyên tham gia các chương trình hướng nghiệp, Lê Hoàng Phương Anh - học sinh lớp 9, Trường THCS Nguyễn Trung Trực (Quận 12, TPHCM) nhận xét, các chương trình tư vấn, hướng nghiệp đã cho em nhiều trải nghiệm và thông tin để lựa chọn, định hướng nghề nghiệp.

“Sau khi tốt nghiệp THPT, em mong muốn sẽ tiếp tục theo đuổi ngành mà mình yêu thích ở một trường đại học nào đó. Tuy nhiên, với một số bạn đã định hướng được nghề mà mình yêu thích vẫn có thể chọn học nghề để sớm theo đuổi đam mê của mình”, Phương Anh chia sẻ.

Có chung suy nghĩ, Trịnh Viết Đạt - học sinh lớp 12C4, Trường THPT Võ Trường Toản (Quận 12, TPHCM) cho rằng, việc một số bạn theo học nghề sau khi học xong THCS hoặc THPT là hoàn toàn phù hợp nếu đã xác định được mục tiêu của mình. Đây là hướng đi hay, giúp rút ngắn thời gian học tập.

“Hiện tại, mục tiêu của em sau tốt nghiệp THPT là học tiếp đại học nhưng sau các buổi hướng nghiệp, em thấy học nghề cũng đáng để suy nghĩ, đánh giá”, Viết Đạt cho hay.

Theo các chuyên gia giáo dục, xu thế nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có những ảnh hưởng sâu rộng đến giáo dục và đời sống, trong đó có những tác động đến quyết định của học sinh chuẩn bị tốt THCS trong việc định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Theo học nghề ở các trường trung cấp, cao đẳng hay tiếp tục theo đuổi con đường vào đại học là nỗi trăn trở của nhiều phụ huynh và học sinh. Mỗi hướng đi đều có ưu, nhược điểm riêng, đòi hỏi học sinh xác định được năng lực, hiểu được bản thân để chọn con đường đúng đắn.

Liên quan đến vấn đề này, ông Tạ Đình Nguyên - Trưởng phòng Đào tạo Trường Trung cấp Bách Nghệ TPHCM cho biết, sau khi kết thúc chương trình THCS, học sinh có thể học nghề tại các trường trung cấp với thời gian đào tạo 2 năm, tương đương với việc học lớp 11 khi học THPT. Sau đó, các em có thể học thêm 1 năm để lấy bằng văn hóa THPT. Như vậy, sau 3 năm, các em hoàn toàn có thể đi làm, hoặc có thể tiếp tục học đại học nếu muốn.

“Hiện phần lớn nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp nằm ở nguồn nhân lực đào tạo nghề với tỷ trọng khoảng 70%. Học nghề cũng có nhiều ngành nghề ‘hot’ mà các em có thể lựa chọn như tạo mẫu và chăm sóc sắc đẹp, bảo trì và sửa chữa ô tô, công nghệ thông tin và thiết kế đồ họa”, ông Nguyên nói.

chon-dung-nghe-cho-tuong-lai-1-6606-6616.jpg
ThS Nguyễn Hoàng Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Sài Gòn tư vấn nghề nghiệp cho người học. Ảnh: Tiên Tiên

Đào tạo theo hướng ứng dụng, thực hành

Theo Trưởng phòng Đào tạo Trường Trung cấp Bách Nghệ TPHCM, thời gian gần đây, nhiều học sinh thường chỉ học nghề sơ cấp trong vài tháng, khó có thể đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp hay yêu cầu cao của khách hàng, nhất là ở khối chăm sóc sắc đẹp. Do đó, nếu xác định được mục tiêu của bản thân, các em nên chọn theo học nghề sớm để được đào tạo chính quy theo lộ trình từ cơ bản đến nâng cao, nhằm đáp ứng được nhu cầu khắt khe của doanh nghiệp và khách hàng.

“Hiện nay, học nghề được miễn học phí. Trong quá trình học, nếu kết quả học tập giỏi, xuất sắc sẽ được cấp học bổng hoặc hưởng nhiều chế độ theo chính sách của Nhà nước. Đối với gia đình có điều kiện, học sinh có học lực tốt, hoàn toàn có thể học tiếp THPT. Nhưng đối với học sinh có học lực trung bình khá, gia đình không có điều kiện, các em nên cân nhắc học nghề từ sau THCS, giúp rút ngắn thời gian học tập và có thể ra nghề đi làm sớm, phụ giúp gia đình”, ông Nguyên nhận định.

Theo các chuyên gia, hiện tư tưởng của phụ huynh đã thoáng hơn trước, định hướng cho học sinh có hướng đi phù hợp hơn với năng lực ngay từ tốt nghiệp THCS. Quan niệm xã hội và thị trường lao động cũng không còn nhiều định kiến về bằng cấp giữa cao đẳng và đại học. Do đó, ThS Nguyễn Hoàng Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng công nghệ Sài Gòn đánh, giá học sinh tại thời điểm này có thể thoải mái lựa chọn một môi trường đào tạo tốt để phát triển kỹ năng và có nhiều cơ hội việc làm.

Các trường đào tạo nghề, vì thế, cần có sự đầu tư về cơ sở vật chất và chất lượng đào tạo để thu hút học sinh. Cơ sở vật chất, thời gian đào tạo, phương pháp giảng dạy cần hướng đến thực hành nhằm tạo môi trường học tập năng động và nâng cao chất lượng sinh viên. Ngoài ra, việc tự chủ trong nhiều lĩnh vực tại các trường đào tạo nghề cũng tác động tích cực đến tâm lý chọn ngành, nghề của phụ huynh và học sinh.

“Việc đẩy mạnh đào tạo theo hướng ứng dụng, thực hành được xem là điểm nhấn của các trường đào tạo nghề hiện nay. Lựa chọn hệ trung cấp hoặc cao đẳng, các em không chỉ được đào tạo với cơ sở vật chất tốt mà còn tiết kiệm thời gian học tập. Sau khi tốt nghiệp, các em có thể vừa đi làm vừa học liên thông đại học, không phải lo đến tương lai tiến xa hơn của bản thân”, ThS Tiến nhấn mạnh.

“Học sinh nên học những gì mà xã hội cần, đồng thời phải phù hợp năng lực và sở thích của bản thân. Những người biết chọn nghề và cấp bậc học phù hợp, đồng thời có sở trường, có năng lực học tập tốt sẽ xây dựng được giá trị và năng lực làm việc.

Dù học ngành nghề hay hệ đào tạo nào, sinh viên cũng đều phải cập nhật công nghệ và tri thức của ngành nghề đó nhằm tạo được giá trị hành nghề và giá trị năng lực. Đây là yếu tố đưa bằng cấp mình học tập trở thành kỹ năng nghề nghiệp, giúp quyết định thành công trong thị trường lao động”, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch thường trực Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.