Xu hướng lựa chọn học nghề khả quan

GD&TĐ - Nhiều năm trở lại đây, số lượng học sinh tốt nghiệp THPT lựa chọn hướng đi học nghề thay vì chạy đua vào các trường đại học ngày càng tăng lên.

Buổi học thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: NT
Buổi học thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: NT

Để thu hút tuyển sinh, các trường nghề cũng đã đổi mới chương trình đào tạo, chú trọng và tăng thời gian thực hành để người học được cọ xát thực tế nhiều hơn.

Đại học không phải con đường duy nhất

Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, nam sinh Nguyễn Văn Bảo (Lạng Sơn) đạt 21 điểm. Không đậu vào ngành Kỹ thuật cơ - điện tử của Trường Đại học Điện lực Hà Nội, Bảo đã quyết định lựa chọn học Trường Cao đẳng Nghề Bách khoa Hà Nội.

Bảo chia sẻ: “Trong quá trình học, em đã đặt ra nhiều phương án để lựa chọn, nếu không đỗ đại học em sẽ chọn ngành tương tự nhưng ở hệ cao đẳng. Sau khi học xong, em có thể lựa chọn học liên thông lên hoặc đi làm tuỳ vào tình hình thực tế sau khi tốt nghiệp”.

Khuyến khích người học mở rộng hướng đi, chủ động trong lựa chọn để bản thân có nhiều cơ hội trong tương lai, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, Khoa Tâm lý giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục cho biết: “Khi lựa chọn ngành nghề, học sinh cần căn cứ vào năng lực của bản thân, sở thích và điều kiện hoàn cảnh, kinh tế của gia đình.

Đối với học sinh phổ thông, đại học không phải là con đường duy nhất để đi đến đích. Nếu không đỗ đại học, các em có thể đi học nghề hoặc có thể lựa chọn vừa đi học nghề, vừa bổ túc kiến thức sau đó học tiếp, không phải bằng mọi giá vào đại học”.

Bà Hằng cho rằng, xã hội ngày càng phát triển mỗi học sinh lại có thêm nhiều cơ hội. Nếu người học thực sự có năng lực, chí tiến thủ thì ở môi trường học nghề các em vẫn được nâng cao năng lực cũng như trải nghiệm bản thân. Nhìn ra thế giới, học sinh sau khi tốt nghiệp, hướng tới học nghề khá nhiều.

“Lựa chọn ngành nào cũng vậy, mục tiêu cuối cùng là khẳng định giá trị của bản thân, có nghề nghiệp trong tương lai. Thẳng thắn nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan thì chất lượng đào tạo của các trường nghề hiện nay đang được các trường chú trọng.

Khi được rèn kỹ năng thực hành nghề tốt, có nhiều cơ hội tiếp cận và học ở nước ngoài, được cọ xát thực tế sớm… đó là con đường nhanh nhất đưa người học thuận lợi hơn khi gia nhập xã hội. Bên cạnh đó, các em còn khẳng định được bản thân và có thu nhập nhanh nhất”, bà Hằng nhấn mạnh.

Sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội nhập học. Ảnh: NT

Sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội nhập học. Ảnh: NT

Những chuyển biến tích cực trong đào tạo nghề

Theo TS Lê Danh Quang - Trưởng khoa Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, ở Việt Nam đang đào tạo lệch về cơ cấu nguồn lực lao động. Trong khi đó hiện nay, thị trường lao động đang cần chủ yếu lực lượng lao động đã qua đào tạo nghề.

Mô hình này đào tạo kỹ năng nghề, nhân lực có tay nghề. Các trường nghề đào tạo từ 60% trở lên là thực hành, bởi vậy các em được thao tác hàng ngày, vừa được học lý thuyết, vừa được thực hành luôn. Tỷ lệ thực hành chiếm đa số hình thành kỹ năng nghề cho người học.

Trong khi đó, nguồn nhân lực mà có kỹ năng nghề đang bị thiếu hụt nghiêm trọng, đặc biệt là những ngành kỹ thuật cơ bản như: Cơ khí, chế tạo máy, công nghệ hàn, các ngành nghề nền tảng về công nghiệp đang rất thiếu. Thực tế, hầu hết tất cả sinh viên của các trường nghề đào tạo ngành kỹ thuật cơ bản chưa ra trường cũng đã được các đơn vị tuyển dụng săn đón.

Nhìn từ bình diện chung của các trường nghề, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội có khá nhiều lợi thế, được Nhà nước có chính sách ưu đãi là giảm 70% học phí cho người học và doanh nghiệp đón lõng “đầu ra” bằng cách xin trả phần còn lại. Các em không chỉ không phải đóng học phí, mà còn có thể được các doanh nghiệp trả lương để các em vừa đi học vừa đi làm.

Ví dụ như: Tập đoàn Hanwha Aero Engines, tập đoàn sản xuất linh kiện máy bay của Hàn Quốc. Mỗi năm, đơn vị này nhận từ 50 đến 100 học viên. Một số doanh nghiệp khác như: Daikin, Samsung… họ phải đầu tư theo kiểu “đặt hàng” trường nghề để có thể tuyển dụng người lao động có kỹ năng nghề.

TS Lê Danh Quang cho biết thêm, tỷ lệ tuyển sinh của các trường nghề phụ thuộc vào xu hướng chuyển dịch trong xã hội. Xu hướng này ở Việt Nam đã có nhưng chưa đến mức cao, bởi dù có xu hướng chuyển dịch nhưng người học còn lựa chọn cơ sở đào tạo.

Bên cạnh đó, du học nghề tại Đức, Australia cũng là một trong những yếu tố cạnh tranh, vì chi phí đi du học nghề tại các quốc gia này rất thấp. Theo TS Lê Danh Quang, nếu người học du học nghề tại Đức thì không phải lo chi phí học tập mà chỉ cần lo chi phí ban đầu, doanh nghiệp sẽ trả luôn lương. Tại Australia cũng tương tự, người học vừa được học nghề vừa được làm luôn để có thu nhập.

“Hơn nữa, người học khi học nghề ở trong nước cũng rất thực dụng, vì họ phải lựa chọn học trường nào để khi ra trường có kỹ năng nghề thực sự và dễ tìm được việc làm ưng ý. Như vậy, muốn thu hút được người học, trường nghề phải có đủ điều kiện bảo đảm chất lượng về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, thực hành và chương trình đào tạo…”, TS Lê Danh Quang nêu quan điểm.

Năm 2022, trong số 1 triệu thí sinh tốt nghiệp THPT thì có khoảng gần 600.000 em đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Trong khi đó, số lượng tuyển sinh của các trường đại học là hơn 560.000 chỉ tiêu.

Điều này đồng nghĩa với việc thí sinh chọn đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học là cầm chắc kết quả đỗ. Khoảng 30% còn lại chia ra như: Xuất khẩu lao động sang các nước (không có tay nghề, lao động phổ thông), một số đi vào làm tại các khu công nghiệp trong nước (lao động phổ thông), một số nhập ngũ, phần còn lại mới đi học cao đẳng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.