Đồng hành cùng học sinh cuối cấp lựa chọn nghề nghiệp

GD&TĐ - Nhiều trường THPT phối hợp với các trường đại học, cao đẳng tổ chức hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh...

Giờ học của cô và trò Trường THPT Hương Khê (Hà Tĩnh). Ảnh: NVCC
Giờ học của cô và trò Trường THPT Hương Khê (Hà Tĩnh). Ảnh: NVCC

Không chỉ chú trọng vào công tác giảng dạy cho học sinh cuối cấp, nhiều trường THPT phối hợp với các trường đại học, cao đẳng tổ chức hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh giúp các em xác định được mục tiêu, hướng đi cụ thể.

Đồng hành cùng trò

Chỉ còn vài tháng nữa là học sinh khối 12 sẽ bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thời điểm này, em Lường Thị Kim Duyên, học sinh lớp 12C3, Trường THPT DTNT tỉnh Điện Biên dành toàn bộ thời gian cho việc học tập trên trường. Song, Kim Duyên cũng có chút băn khoăn, lo lắng về việc chọn lựa, định hướng nghề nghiệp cho tương lai.

Sau khi được tham gia những buổi hướng nghiệp, dưới sự tư vấn của thầy cô, Kim Duyên đang dần có định hướng riêng của bản thân, định hình công việc mà em sẽ lựa chọn, theo đuổi trong tương lai, lấy đó làm động lực, mục tiêu phấn đấu.

“Em đã đặt ra những mục tiêu, kế hoạch cụ thể để có thể vào được ngôi trường mình mong muốn. Ngoài ra, quá trình chọn nghề em cũng hướng đến lựa chọn đầu ra việc làm sau này tránh tình trạng chọn theo đám đông, thất nghiệp”, nữ sinh chia sẻ.

Không chỉ riêng Kim Duyên, đây là tâm lí chung của rất nhiều bạn học đồng trang lứa. Thấu hiểu điều này, Trường THPT DTNT tỉnh Điện Biên đã kết hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên tổ chức các chương trình ngoại khoá như “khám phá thiên hướng nghề nghiệp và giá trị nghề nghiệp của bản thân; Khám phá ngành nghề…” nhằm tư vấn hướng nghiệp cho học trò hiểu phương pháp chọn ngành, nghề mình mong muốn.

Bên cạnh đó, trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc dạy giáo dục hướng nghiệp; hướng dẫn học sinh cách truy cập Internet để chủ động tìm hiểu thông tin hữu ích cho mình về các ngành học, bậc học, thông tin về thị trường lao động, xu hướng việc làm và nhu cầu sử dụng lao động hiện nay; các chế độ chính sách của Nhà nước…

Ông Vũ Trung Hoàn - Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Điện Biên nhận định, ngoài chú trọng vào công tác học, ôn luyện chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Trường THPT DTNT tỉnh Điện Biên đã tăng cường tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh hiểu và nâng cao nhận thức, ý nghĩa và tầm quan trọng của giáo dục hướng nghề, hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp.

“Nhà trường đẩy mạnh tư vấn khối thi tốt nghiệp, xét tuyển đại học cho học trò nhằm đảm bảo học sinh lựa chọn khối thi, ngành nghề phù hợp với năng lực. Ban giám hiệu cũng thường xuyên cập nhật thông tin về thị trường lao động của địa phương, các ngành nghề được đánh giá có nhu cầu nhân lực lớn giúp học sinh có thêm nguồn tham khảo, đưa ra hướng đi phù hợp với năng lực, điều kiện hoàn cảnh gia đình, khả năng tìm kiếm việc làm sau này”, ông Hoàn cho biết.

Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Điện Biên chia sẻ, nhà trường đã tận dụng các buổi sinh hoạt tập thể, ngoại khoá để tuyên truyền, hướng nghiệp cho học trò. Từ đó, các em có những định hướng cụ thể cho bản thân. Đối với giáo viên giảng dạy giáo dục hướng nghiệp, nhà trường yêu cầu thường xuyên cập nhật, bổ sung những điểm mới về ngành nghề nghiệp, cơ hội việc làm; phương án tuyển sinh của các trường cao đẳng, đại học để học sinh tham khảo.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Mời chuyên gia tư vấn, hướng nghiệp

Công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp tại Trường THPT Xuân Phương (Hà Nội) không chỉ được sắp xếp thông qua hoạt động trải nghiệm, tham quan trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố mà còn lồng ghép qua các môn học, mời chuyên gia trao đổi, chia sẻ và định hướng cho học sinh. Đặc biệt, nhà trường còn có phòng tham vấn tâm lý hướng nghiệp để hỗ trợ học sinh.

Bà Trần Thị Minh Tuyết - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Phòng tham vấn tâm lý hướng nghiệp được bố trí cán bộ, giáo viên có lịch trực hàng ngày để giải đáp những khó khăn, vướng mắc của học sinh. Chúng tôi cũng yêu cầu ban truyền thông của trường thường xuyên đăng tải những thông tin về ngành nghề, xu hướng, thị hiếu của xã hội, đăng tải giới thiệu thông tin các trường đại học, cao đẳng trong cả nước để học sinh nắm rõ được thông tin tuyển sinh của các ngành nghề”.

Tại Trường THPT Hương Khê (Hà Tĩnh), công tác hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp cũng đang được triển khai mạnh mẽ. Thông qua hoạt động giảng dạy trên lớp, nhà trường đã lồng ghép nhiều hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Đặc biệt qua các kỳ thi thử tốt nghiệp do Sở GD&ĐT và trường tổ chức giúp học sinh xác định được năng lực của mình, từ đó có kế hoạch cụ thể nâng điểm chuẩn lên và đưa ra hướng chọn ngành, trường sát với năng lực, tránh tình trạng đánh mất cơ hội.

Ông Hồ Đức Cương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ngay từ khi bước vào đầu năm lớp 12, chúng tôi đã phân loại nhóm năng lực của học trò để định hướng các em trong việc lựa chọn ngành, nghề, trường mình mong muốn. Bên cạnh đó, dùng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển các vào trường cao đẳng, đại học, chúng tôi còn hỗ trợ học trò ôn tập để tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội… để các em có thêm cơ hội xét tuyển”.

Xác định công tác hướng nghề, hướng nghiệp cho học sinh đóng vai trò rất quan trọng, Trường THPT Hương Khê hàng năm đều mời các trường đại học, cao đẳng về trực tiếp tại trường tham gia công tác tư vấn tuyển sinh, giải đáp những thắc mắc về nghề nghiệp cho học trò. Đồng thời, mời các chuyên gia về tham gia tư vấn, hướng nghiệp, chia sẻ cho học trò hiểu xu hướng phát triển nghề nghiệp trong tương lai như thế nào, từ đó có định hướng cụ thể cho bản thân.

“Hiện nay, một số trường đại học, cao đẳng liên hệ với chúng tôi để đến trường tư vấn trực tiếp ngành nghề cho các em học sinh. Các buổi tư vấn, hội thảo được chuẩn bị chu đáo giúp các em có nhiều lựa chọn cho tương lai của mình”, bà Trần Thị Minh Tuyết - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Phương (Hà Nội) cho biết”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.