Học nghề không còn là lựa chọn tình thế

GD&TĐ - Những năm gần đây, chiến lược đào tạo của các trường nghề có nhiều thay đổi, phù hợp với tình hình thực tế, từ đó thu hút học sinh tham gia.

Học nghề không còn là lựa chọn tình thế

Trước đây, phần lớn học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đều chọn thi hoặc xét tuyển vào các trường đại học lớn, danh tiếng, trường hợp không đạt, bất đắc dĩ mới chọn học nghề tại các trường cao đẳng, trung cấp ở địa phương. Tuy nhiên, hiện nay suy nghĩ này có nhiều thay đổi.

Chủ động học nghề ngay khi tốt nghiệp THPT

Em Trà Việt Trọng Tính (ngụ xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, Cà Mau) hiện đang là sinh viên tại Trường cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc Cà Mau chia sẻ, sau khi tốt nghiệp THPT em chọn học nghề tại địa phương mà không chọn xét tuyển đại học.

“Sở dĩ em chọn học nghề bởi từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường em đã rất thích sửa chữa điện lạnh, một phần là em thấy nhiều anh, chị đi trước ở quê của em, sau khi tốt nghiệp đại học về quê cũng chưa có việc làm, chật vật xin việc. Mặt khác, học nghề tại địa phương gần nhà đi lại thuận tiện, đỡ tốn chi phí, thời gian ra trường cũng nhanh, có thể sớm tìm việc phụ giúp gia đình.”, Trọng Tính nói.

Còn với em Từ Quốc Kiệt, sinh viên năm nhất lớp nuôi trồng thủy sản Trường Cao đẳng cộng đồng Cà Mau, việc chọn học nghề ở địa phương cũng là lựa chọn của em chứ không phải chịu sức ép từ gia đình. Quốc Kiệt chia sẻ, gia đình em làm nghề nuôi trồng thủy sản nên em chọn học nghề này.

“Học cao đẳng hay đại học với em không quan trọng mà quan trọng là sau khi học mình tiếp thu kiến thức như thế nào để có thể áp dụng vào thực tế. Trước khi học em cũng tìm hiểu rõ chương trình đào tạo, cách thức đào tạo, tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp ra trường có việc làm tại trường mình chuẩn bị học rồi mới đăng ký” - Quốc Kiệt cho biết.

Học cùng lớp với Từ Quốc Kiệt, em Cao Ngọc Nam nói, em cảm thấy học nghề tại địa phương phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Nhà làm vuông, học ngành nuôi trồng thủy sản, trong quá trình học mình cũng có thể áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, có chỗ thực hành thêm ngay tại nhà; trường hợp ra trường nếu không đi làm cũng có thể áp dụng nuôi trồng tại gia đình.

Một tiết thực hành của sinh viên Trường CĐ Cộng đồng Cà Mau.

Một tiết thực hành của sinh viên Trường CĐ Cộng đồng Cà Mau.

Hiện nay, trong quá trình tư vấn nghề nghiệp cho học sinh, nhiều trường cũng không khuyến khích các em nhất thiết phải đăng ký tham gia xét tuyển ở các trường đại học, mà có thể chọn học nghề tại địa phương phù hợp với năng lực học tập của bản thân, điều kiện tài chính của gia đình.

“Những năm gần đây, sinh viên ở các trường trung cấp, cao đẳng nghề ra trường cơ hội có việc làm cũng rất cao; nhu cầu việc làm ở địa phương cũng rất lớn, nhất là các ngành nghề mang tính đặc trưng như: Thủy sản, dịch vụ du lịch... vì thế, phụ huynh, nhất là ở khu vực nông thôn nên thay đổi suy nghĩ, tư duy theo kiểu: Nếu con không đậu đại học được thì cho ở nhà chứ không cho học trung cấp, cao đẳng nghề”, thầy Lâm Quốc Toản, Hiệu trưởng trường THPT Ngọc Hiển (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) chia sẻ.

Ông Huỳnh Minh Hiếu, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc Cà Mau cho biết: Qua khảo sát, tiếp cận của trường bằng nhiều phương thức, hiện nay số học sinh có nhu cầu học nghề đang có xu hướng tăng. Đối với học sinh tốt nghiệp THCS các em cũng có thể tham gia học trung cấp nghề ở trường theo hình thức vừa học nghề với học chương trình THPT (kết hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh).

Sau khi tốt nghiệp THPT các em sẽ có luôn bằng trung cấp nghề, có thể học liên thông lên hệ Cao đẳng. Đối với học sinh THPT khi hoặc xong chương trình đào tạo Cao đẳng nghề tại trường, các em cũng có thể học liên thông lên Đại học nếu muốn, theo chương trình liên kết đào tạo giữa trường với các trường đại học.

Đào tạo những nghề đang thiếu và cần lao động

Những năm gần đây, chiến lược đào tạo của các trường nghề có nhiều thay đổi, phù hợp với tình hình thực tế. Các trường thường tập trung đào tạo những ngành nghề mà địa phương đang cần, xã hội đang thiếu; đào đạo nghề theo địa chỉ, theo nhu cầu đặt hàng của doanh nghiệp.

Về phương pháp đào tạo, các trường cũng chú trọng hơn khâu thực hành; liên kết với doanh nghiệp cho sinh viên thực tập tốt nghiệp ngay tại xí nghiệp, doanh nghiệp; trải nghiệm thực tế lấy kinh nghiệm...đảm bảo sinh viên sau khi ra trường giỏi nghề đã học, ít nhất là cũng thành thạo nghề... từ đó dễ dàng xin việc.

Một tiết học của sinh viên Trường CĐ Nghề Việt Nam – Hàn Quốc Cà Mau.

Một tiết học của sinh viên Trường CĐ Nghề Việt Nam – Hàn Quốc Cà Mau.

Anh Lê Văn Huynh, tốt nghiệp lớp đào tạo công nghệ ô tô Trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc Cà Mau năm 2021. Ngay khi ra trường, anh đã tìm kiếm được cho mình công việc phù hợp tại một Garage ô tô với mức lương phù hợp.

“Ở các tỉnh ĐBSCL nói chung, Cà Mau nói riêng, hiện tại có rất nhiều hãng xe ô tô và nhiều xưởng sửa xe, nên học nghề công nghệ ô tô rất dễ kiếm việc làm, nếu có tay nghề cao thì mức lương cũng từ 10 triệu đồng trở lên, doanh thu doanh nghiệp tăng còn được thưởng thêm”, anh Huynh nói.

Mặc dù là nữ nhưng chị Trần Hải Nghi lại chọn học nghề kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí tại Trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc Cà Mau. “Nhà nhà giờ ai cũng lắp máy lạnh, nghề này hiện nay nhu cầu việc làm rất cao, nên mình chọn học”, chị Nghi nói. Sau khi học xong cao đẳng, chị Nghi tiếp tục học liên thông đại học thêm 1,5 năm, ra trường với tấm bằng loại giỏi nên chị được Trường cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc Cà Mau giữ lại làm giảng viên.

Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp trường nghề ra trường có việc làm ổn định.

Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp trường nghề ra trường có việc làm ổn định.

Hiện tại, sinh viên nhiều trường Trung cấp, Cao đẳng nếu học tốt không phải sợ khó tìm xin việc. Ở nhiều ngành học, lớp học sinh viên được chính giảng viên kết nối hỗ trợ việc làm tại các doanh nghiệp do bạn bè, học trò, người quen của mình làm chủ, thậm chí có cơ sở do chính giảng viên mở.

Thầy Cao Việt Bắc giảng viên lớp thủy sản, Trường Cao đẳng cộng đồng Cà Mau cho biết, mình có nhóm zalo gồm những sinh viên khóa trước ra trường đã có việc làm, đối với sinh viên năm cuối ra trường em nào muốn đi làm mình sẽ nhờ các sinh viên khóa trước hỗ trợ; còn em nào muốn mở trại giống hoặc nuôi thủy sản tại hộ gia đình thì mình cũng sẵn sàng hỗ trợ về kỹ thuật chuyên môn trong phạm vi có thể.

Ông Huỳnh Minh Hiếu, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc Cà Mau cho biết, trường hiện tại dạy 7 nghề chính ở cả 2 hệ Cao đẳng và Trung cấp gồm: Cơ điện tử; Công nghệ ô tô; Công nghệ thông tin; Chế biến và Bảo quản thủy sản; Điện công nghiệp; Kỹ thuật máy lạnh và Điều hòa không khí; Vận hành, sửa chữa thiết bị lạnh. Qua khảo sát, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm các khóa học khoảng 90%.

Đại diện Sở Lao động thương binh & xã hội tỉnh Cà Mau thông tin, hàng năm trên địa bàn tỉnh số lượng học sinh tốt nghiệp THCS và THPT trên 11.000 em, số lượng học sinh tham gia học nghề tại 3 trường cao đẳng của tỉnh khoảng hơn 1.200 em, chiếm tỷ lệ từ 10-12%, số còn lại các em đi học ở tỉnh khác.

Ngoài ra, hàng năm tỉnh cũng tổ chức dạy nghề trình độ sơ cấp cho khoảng 7.000 người; đào tạo thường xuyên và bồi dưỡng nghề cho hơn 21.000 người. Số người sau khi tham gia học nghề có việc làm chiếm tỷ lệ khoảng 85%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ