Lựa chọn đi ngược số đông

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Áp lực của kỳ thi vào lớp 10 tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng là rất lớn…

Ngoài học văn hóa, học sinh Trung tâm GDNN - GDTX quận Ba Đình (Hà Nội) được học nghề. Ảnh: Vân Anh
Ngoài học văn hóa, học sinh Trung tâm GDNN - GDTX quận Ba Đình (Hà Nội) được học nghề. Ảnh: Vân Anh

Nhiều học sinh và phụ huynh đã lựa chọn học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) để phù hợp với sức học và kinh tế gia đình.

Giảm áp lực, tiết kiệm chi phí

Có điểm trung bình các môn học trên 6,5 nhưng em Ngọc Phượng (Quận 11, TPHCM) không tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2023. Phượng nộp hồ sơ đăng ký theo học tại Trung tâm GDTX Chu Văn An (Quận 5, TPHCM).

Ở thời điểm đó, quyết định của Phượng và gia đình khiến không ít người bất ngờ bởi em có thể thi đỗ nhiều trường THPT công lập trong thành phố. Tuy nhiên, theo chia sẻ của Ngọc Phượng, chọn GDTX vì môi trường nào thì thầy cô cũng trang bị những kiến thức cần thiết, chỉ cần bản thân cố gắng. Điều may mắn là gia đình hiểu và ủng hộ.

Quả thực, sau gần một năm học tại Trung tâm GDTX Chu Văn An, Ngọc Phượng dần nhận thấy lựa chọn này đúng đắn. “Việc học giờ đây không nặng nề như trước. Em không phải chạy đua để đạt điểm số cao vì thầy cô luôn quan tâm đến việc học sinh làm tốt nhất trong khả năng có thể. Thay vào đó, em chọn vừa đi học, vừa đi làm để trau dồi những kỹ năng khác không học trong trường”, nữ sinh kể.

Học tập tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện Ba Vì (Hà Nội), Lê Hải Đăng chia sẻ: “Chương trình GDTX học có 7 môn, ít hơn so với học trường công lập. Với mức học phí và cơ hội vào đại học như nhau nên em quyết định chọn GDTX, không thi vào lớp 10 nữa. Sau 3 năm học tại trung tâm, em thấy đây là quyết định đúng đắn”.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021 - 2022, Lê Vũ (Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) thiếu 0,25 điểm nên trượt cả 2 nguyện vọng vào trường công lập. Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - phụ huynh của Vũ kể: “Trước kỳ thi vào lớp 10, gia đình đã làm công tác tư tưởng. Thế nên, khi nộp hồ sơ theo học tại Trung tâm GDTX số 2 ngay gần nhà, cháu không bị gánh nặng tâm lý hay mặc cảm với bạn bè”.

Vũ xác định sẽ chọn theo ngành Công nghệ thông tin nên trong 3 năm học tại trung tâm, ngoài các môn văn hóa, em chọn học nghề Tin học. “Em nghĩ đây là điểm thuận lợi trong quá trình học nghề hoặc học lên đại học sau này”, Vũ tự tin cho biết.

Ông Đỗ Minh Hoàng - Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An (TP Hồ Chí Minh) thông tin, nhiều năm trước, đa phần phụ huynh có tâm lý nếu thi trượt cả 3 nguyện vọng trường công lập mới phải học hệ GDTX. Chỉ có học sinh hư, quậy mới học GDTX…

Nhưng với chất lượng và môi trường giáo dục cải thiện, trung tâm GDTX ngày càng được phụ huynh tin tưởng. Thậm chí, nhiều em đậu công lập sau vẫn xin ra học. Có em sau 1 học kỳ theo học ở trường THPT công lập cũng xin về học ở trung tâm để phù hợp hơn.

Chia sẻ xu hướng nhiều học sinh lựa chọn học THPT hệ GDTX thay cho việc cố gắng bằng mọi giá thi vào lớp 10 công lập, ông Nguyễn Công Dương - Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX quận Ba Đình (Hà Nội) đồng thời phân tích: Chương trình GDTX được giảm tải một số nội dung cho vừa sức người học; không chiếm nhiều thời gian học tập, học sinh có thể sử dụng thời gian nghỉ để tự học hoặc bồi dưỡng thêm nhằm ôn luyện, củng cố kiến thức vững chắc hơn. Đây là lợi thế mà học sinh phổ thông không có.

Học phí áp dụng như các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, được hưởng các chế độ miễn, giảm theo quy định chung. Sau khi hoàn thành chương trình lớp 12, học viên được tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT, cấp bằng tốt nghiệp THPT. Với bằng tốt nghiệp này, học viên GDTX bình đẳng tham gia tuyển sinh ĐH, CĐ.

Ngoài ra, học viên GDTX được học trung cấp nghề hệ 2 năm (miễn phí) song song với học văn hóa. Vì vậy, sau 3 năm học viên có thêm bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, mở ra cơ hội tìm việc làm ngay sau tốt nghiệp hoặc học liên thông lên CĐ, ĐH.

Học viên Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hoài Đức (Hà Nội). Ảnh: Vân Anh

Học viên Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hoài Đức (Hà Nội). Ảnh: Vân Anh

Nỗ lực nâng cao chất lượng

Năm học 2021 - 2022 là năm đầu tiên Trung tâm GDTX số 2 (Đà Nẵng) áp dụng xét tuyển điểm hai môn Toán và Ngữ văn theo nguyên tắc lấy điểm từ cao xuống thấp. Cải thiện chất lượng đầu vào là một giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục tại trung tâm trong những năm tiếp theo.

Ông Đinh Lương Y - Giám đốc Trung tâm GDTX số 2 cho biết: “Trung tâm xây dựng và thực hiện kế hoạch phụ đạo cho học sinh yếu ngay từ đầu năm học nhằm giảm tỷ lệ học sinh yếu kém; khắc phục tình trạng bỏ học. Đồng thời đầu tư bồi dưỡng học sinh giỏi các môn văn hóa lớp 12 để dự thi học sinh giỏi cấp thành phố.

Với học sinh lớp 12, trung tâm có kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT cụ thể, phù hợp”. Nhờ đó, chỉ trong 5 năm, các chỉ số về chất lượng giáo dục của trung tâm đã thay đổi đáng kể. Tỷ lệ học sinh lên lớp tăng từ 80% lên 85 - 98%; Tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng lần lượt từ 10 - 20 - 35 - 40%; Tỷ lệ tốt nghiệp THPT cũng tăng từ 40 lên 60 - 75%.

Hai năm trở lại đây, Trung tâm GDTX số 2 (Đà Nẵng) đưa môn Giáo dục kỹ năng sống vào giảng dạy trong chương trình chính khóa; sân khấu hóa tiết chào cờ; hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao… được tổ chức thường xuyên góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, tạo thêm động lực học tập cho học sinh.

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và giáo dục, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đan Phượng (Hà Nội) thường xuyên mời giảng viên các trường đại học, giáo viên có kinh nghiệm của trường THPT về bồi dưỡng, chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao chất lượng đội ngũ. Hằng năm, trung tâm tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi để động viên, khen thưởng kịp thời các thầy cô.

Bà Nguyễn Thị Liên - Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đan Phượng cho biết, học sinh trung tâm thường tự ti, mặc cảm, ý thức chưa cao. Do đó, các thầy cô luôn xác định phải quan tâm, khích lệ học viên, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tạo nhiều sân chơi. Đồng thời chú ý các em học tốt, có năng khiếu, hoàn cảnh khó khăn… từ đó có hướng giúp đỡ.

Ông Đỗ Minh Hoàng thì cho rằng, ở môi trường giáo dục nào, dù THPT công lập hay GDTX đều cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục trẻ chứ không thể chỉ từ một phía. Đầu năm học, trung tâm trao đổi rõ ràng về nội quy của trường để có sự phối hợp, uốn nắn, xây dựng mục tiêu học tập, rèn luyện cho từng học sinh.

Ông Nguyễn Quang Tuấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, năm học 2024 - 2025, các trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn thành phố tiếp tục áp dụng phương thức xét tuyển. Hà Nội hiện có 29 trung tâm GDNN - GDTX, học sinh tốt nghiệp THCS, cư trú trên địa bàn toàn thành phố đều có thể đăng ký dự tuyển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.