Trung tâm giáo dục thường xuyên: Chuyển mình, hút người học

GD&TĐ - Nhờ chính sách phân luồng hiệu quả, năm học 2021- 2022 nhiều học sinh Hà Nội tiếp tục lựa chọn học lớp 10 tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Học sinh Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đan Phượng học nghề.
Học sinh Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đan Phượng học nghề.

Không còn là nơi “hứng” học sinh cá biệt

Nguyễn Duy Quang - học sinh đăng ký xét tuyển vào lớp 10 Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đan Phượng (Hà Nội) chia sẻ: Em thấy kỳ thi vào lớp 10 rất áp lực nên quyết định nộp hồ sơ theo học giáo dục thường xuyên. Tại trung tâm, em sẽ học chương trình nhẹ nhàng hơn, thi cử cũng dễ dàng hơn.

Còn Trần Trung Hiếu - một thí sinh không đạt điểm chuẩn vào lớp 10 trường THPT công lập cũng chọn Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đan Phượng để theo học, cho biết: Để dự phòng trường hợp không đỗ vào lớp 10 công lập, em đã đăng ký xét tuyển vào trung tâm giáo dục thường xuyên. Em nghĩ, đây sẽ là môi trường học tập tốt vì nhiều anh chị tốt nghiệp ra trường đều sớm có việc làm.

Là một trong những trung tâm có số học sinh lớn nhất Hà Nội, trong những năm qua, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đan Phượng đều tuyển đủ và vượt chỉ tiêu với học sinh tốt nghiệp THCS trên địa bàn và các huyện lân cận (Phúc Thọ, Hoài Đức).

Bà Nguyễn Thị Liên - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đan Phượng cho biết: Năm nay, nhà trường có 585 chỉ tiêu. Nhiều phụ huynh, học sinh lựa chọn giáo dục thường xuyên không chỉ vì môi trường học tập không kém các trường THPT công lập mà còn có thêm cơ hội việc làm.

Tại trung tâm, ngoài học văn hóa, các em còn được học nghề trung cấp miễn phí. Sau khi tốt nghiệp, học sinh đồng thời có cả bằng THPT và trung cấp nghề (nấu ăn, hàn, điện lạnh, sửa chữa ô tô; pha chế đồ uống), được giáo dục phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực và kỹ năng.

Theo bà Liên, trung tâm giáo dục thường xuyên không còn là nơi "hứng" học sinh cá biệt. Nhiều em có học lực khá đã chọn giáo dục thường xuyên làm hướng đi cho mình bởi nhiều ưu điểm: Chương trình học, thi tốt nghiệp nhẹ nhàng hơn (chỉ có 4 môn nếu chọn tổ hợp Khoa học xã hội), được học nghề miễn phí và có nhiều cơ hội việc làm.

Có được điều này nhờ công tác phân luồng học sinh sau THCS tốt. Công tác tuyên truyền cho phụ huynh nhận thức đầy đủ về chủ trương phân luồng được đẩy mạnh. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh chọn theo học giáo dục thường xuyên và học nghề sau khi tốt nghiệp THCS trên địa bàn huyện luôn đạt trên 30%.

Học sinh Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đan Phượng tham gia các hoạt động ngoại khóa.
Học sinh Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đan Phượng tham gia các hoạt động ngoại khóa.

Chất lượng không ngừng nâng cao

TS Nguyễn Văn Khả, Giám đốc Trung tâm GD phổ thông - Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM thông tin: Các trung tâm GDTX tại TPHCM đều khẳng định chất lượng thông qua tỷ lệ tốt nghiệp, đa dạng hoạt động ngoài giờ lên lớp, ngoại khoá, hoạt động trải nghiệm học tập, các hoạt động kỹ năng, học ngoại ngữ với người nước ngoài…  Nhiều nơi đã mạnh dạn đưa môn tự chọn như: Tiếng Anh, GD Công dân, Tin học để học sinh có thêm cơ hội xét tuyển các tổ hợp vào ĐH. Sự thay đổi của các trung tâm đã góp phần “hút” người học.

Bà Nguyễn Thị Huệ - Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX quận Hoàng Mai chia sẻ: Đầu vào của các trung tâm GDNN - GDTX tương đối dễ khi áp dụng chung phương thức xét học bạ 4 năm học cấp THCS. Mọi học sinh trên địa bàn Hà Nội, không phân biệt khu vực tuyển sinh đều có thể nộp hồ sơ dự tuyển.

Theo học giáo dục thường xuyên có nhiều ưu điểm so với học các trường công lập. Tại môi trường này, các em không phải học những môn văn hóa tương đối nặng, không phù hợp để dành thời gian cho những môn mình thích. Chất lượng học sinh giáo dục thường xuyên cũng không ngừng nâng cao trong những năm qua nhờ sự tận tâm dạy dỗ của các thầy cô.

Như vậy, đầu vào của học sinh giáo dục thường xuyên không cao nhưng sau khi tốt nghiệp ra trường, các em có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Nhiều học sinh thi tốt nghiệp THPT đạt được điểm số cao, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của trung tâm không thua kém các trường công lập. Đó là lý do để phụ huynh, học sinh tin tưởng lựa chọn.

“Đối với học sinh thiếu kiến thức, hổng kiến thức cơ bản, chúng tôi có thể tổ chức nhóm  từ 5 - 10 em dạy riêng để đỗ tốt nghiệp. Còn các lớp mũi nhọn, ôn thi học sinh giỏi, ôn thi đại học sẽ phụ thuộc vào năng lực học tập của học sinh. Giáo viên sẽ đa dạng hóa việc dạy học, để làm sao các con yên tâm vui vẻ trong học tập và rèn luyện”- bà Huệ nói.

Là doanh nghiệp tuyển dụng nhiều học sinh từng tốt nghiệp Trung tâm GDTX-GDNN Hoàng Mai, ông Trần Thanh Sơn - Chủ gara ô tô Sơn Thủy tại quận Hoàng Mai nhận xét: Học sinh của trung tâm giáo dục thường xuyên sau khi ra trường đồng thời có bằng trung cấp nghề, có tay nghề đáp ứng được yêu cầu làm việc. Khi tuyển dụng những nhân viên này, chúng tôi hoàn toàn yên tâm.

Năm nay, Sở GD&ĐT Hà Nội phê duyệt hơn 8 nghìn chỉ tiêu học sinh lớp 10 chương trình GDTX năm học 2021 - 2022 tại các trung tâm GDNN-GDTX. Theo đó, ngoài nguyện vọng đăng ký dự tuyển vào học lớp 10 các trường THPT công lập, học sinh tốt nghiệp THCS có thể đăng ký dự tuyển vào học lớp 10 chương trình GDTX tại các trung tâm GDNN - GDTX. Việc nâng cao chất lượng giáo dục ở các trung tâm GDNN -GDTX là hướng đi đúng, góp phần từng bước đáp ứng nguồn nhân lực cho mục tiêu cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, hướng đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ