Phát triển nhiều kỹ năng
Những đôi mắt ngây thơ chăm chú quan sát các học cụ. Những bàn tay nhỏ nhắn tỉ mỉ với từng nét vẽ. Tham gia lớp học vẽ hơn 4 tháng, em Phan Anh Nghĩa, học sinh Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) tự tin vẽ được nhiều hình mẫu cơ bản. Em tâm sự: “Nét vẽ của em ngày đẹp hơn nên rất thích học. Bây giờ em có thể vẽ được nhiều tranh như đua thuyền, chân dung mẹ, chú bộ đội... Em mong đến cuối tuần để được đi học”.
Lớp học vẽ của anh Nguyễn Quốc Học có nhiều độ tuổi khác nhau, từ lớp 1 đến lớp 12. Hầu hết phụ huynh khi đăng ký cho con học với mong muốn giúp con biết thêm về kiến thức hội họa hay đơn giản chỉ để giúp con giải tỏa stress sau những giờ trên lớp học. Tuy nhiên, quá trình học, nhiều em còn vượt quá mong đợi ban đầu. Theo nhiều phụ huynh, học vẽ không chỉ giúp có thêm “tài lẻ” mà còn giúp trẻ nâng cao khả năng quan sát, luyện trí nhớ, kích thích não hoạt động, tăng khả năng sáng tạo và khám phá bản thân.
Chị Trần Thị Kim Minh ở tổ dân phố 2, phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) cho biết: “Điều dễ nhận thấy là cháu có tư duy sáng tạo, có nhiều ý tưởng hay. Các bức tranh cháu vẽ ngày càng có tính nghệ thuật cao hơn. Mong lớp của thầy Học luôn được duy trì để nhiều cháu khác, nhất là những cháu có năng khiếu và đam mê phát triển kỹ năng và tư duy, trí tuệ và nghệ thuật”.
Dạy vẽ từ niềm đam mê
Ban đầu, lớp học vẽ của anh Học mở tại gia với số lượng người học nhất định. “Tiếng lành đồn xa”, với sự giúp đỡ của Ban giám hiệu Trường THPT Chu Văn An về cơ sở vật chất, đến cuối năm 2017, anh mở rộng quy mô lên 3 lớp học với trên 50 học sinh học thường xuyên vào các tối thứ 6, 7 và sáng Chủ nhật. Để phù hợp và phát huy khả năng của người học, anh chia thành lớp căn bản và nâng cao. Anh Học cho rằng, học vẽ là một trong những bộ môn đặc thù.
Cách mà anh lựa chọn là tăng cường đối thoại với học sinh như một người bạn. Quá trình dạy, anh đa dạng hóa các chủ đề, đề tài, giúp học sinh có các kỹ năng sử dụng những gam màu, tông màu phù hợp để phát huy sức sáng tạo, tránh sự nhàm chán. Anh cho biết: “Mình phải nắm bắt được năng lực của từng cháu, phải trò chuyện để hiểu được tâm tư, nguyện vọng, hiểu được khả năng, đam mê của mỗi em. Từ đó, ra đề tài cho phù hợp và quan trọng là phải tạo được nguồn cảm hứng để học sinh phát triển đề tài của mình một cách tốt nhất”.
Miệt mài ngắm và phác họa bức tượng bán thân, em Nguyễn Hoàng Gia, học sinh lớp 10 Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh (Gia Nghĩa) tâm sự: “Ban đầu em đi học để vui do em thích vẽ từ nhỏ. Khi học, em phát hiện ra mình có nhiều khả năng hơn thế nên càng yêu thích, muốn khám phá bản thân mình”. Còn em Phạm Thị Kiều Trang, học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh cho biết: “Thầy dạy rất nhiệt tình và có tâm nên càng học em càng thấy thích thú hơn. Nhờ tham gia lớp vẽ, em hướng về việc thi vào đại học liên quan tới ngành này”.