Điện về thắp sáng trường lớp, thắp sáng ước mơ, khát vọng của các em HS. Thắp sáng cả niềm tin cho những người giáo viên đang ngày ngày lặng thầm gieo chữ giữa núi rừng thăm thẳm.
Niềm vui ngày đón điện về
Đến Trường PTDTBT Tiểu học Tr’hy trong những ngày đón điện lưới quốc gia về, chúng tôi mới thực sự cảm nhận hết được niềm vui, phấn khởi của đội ngũ giáo viên, con em HS. Người dân địa phương thì vui mừng, phấn khởi, bởi từ ngày hôm nay, bà con dân bản sẽ có nguồn điện lưới sử dụng ổn định, đời sống sẽ vơi bớt nghèo khó, có thêm điều kiện thuận lợi để xây dựng cuộc sống tương lai, con em địa phương sẽ có điều kiện học tập tốt hơn.
Tr’hy là một những 3 xã vùng sâu của huyện Tây Giang, phần đông là đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống. Đất đai cằn cỗi, thời tiết vô cùng khắc nghiệt khiến cuộc sống người dân nơi đây bao năm qua vẫn phải sống trong cảnh nghèo khó. Mong ước có nguồn điện sáng để cải thiện đời sống, làm ăn phát triển kinh tế là khát vọng lâu nay của người dân địa phương. Bởi thế, ngày có điện lưới quốc gia đã trở thành ngày vui, ngày hội của tất cả mọi người.
Là một người con sinh ra, lớn lên tại vùng cao biên giới, sau khi tốt nghiệp trở về dạy học ngay chính trên mảnh đất quê hương mình đến nay đã hơn 20 năm, thầy giáo Coor Tư - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Tr’hy, tâm sự: Trở về địa phương công tác, bản thân tôi cũng như những người giáo viên nơi đây không bao giờ có suy nghĩ sợ khó khăn, vất vả. Chúng tôi luôn có chung ước muốn là làm thế nào để con em địa phương có được một trường học tập tốt nhất.
Hôm nay, điện lưới quốc gia đã về với trường lớp, đây thực sự không chỉ là một niềm hạnh phúc của người dân, mà còn là niềm vui lớn của cán bộ, giáo viên, các em HS. Có điện, không chỉ cải thiện cuộc sống nhân dân địa phương, mà còn là động lực để tập thể cán bộ, giáo viên trường học tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp GD vùng khó. Và điều quan trọng hơn cả là con em, HS vùng biên giới vơi bớt đi những khó khăn, thiếu thốn và có thêm điều kiện học tập để thực hiện ước mơ, khát vọng chính đáng của mình.
Hơn 25 năm sống, giảng dạy tại các điểm trường lẻ trên địa bàn biên giới Tây Giang, tâm trạng của thầy giáo Trần Văn Tiến cũng như bao người giáo viên đây cũng ngập tràn niềm vui khi điện lưới quốc gia được kéo về với trường, với lớp. Thầy chia sẻ, những ngày lăn lộn tại các điểm trường dạy học, tôi cũng như các giáo viên cắm bản khác đều sống trong những căn nhà tạm bợ bằng tranh tre, nứa lá, còn HS học trong cảnh phòng ốc dựng tạm, thiếu thốn đủ bề... Nhưng khó khăn hơn cả là vẫn chưa có điện thắp sáng. Không có điện, cuộc sống giữa rừng núi như càng cách xa, biệt lập với thế giới bên ngoài, hoạt động dạy học vì thế càng gian khó hơn.
“Đối với người giáo viên cắm bản không ngại vất vả đường sá đi lại khó khăn. Ở giữa rừng sâu, núi thẳm, điều lo lắng nhất của người giáo viên là không có điện, nước sinh hoạt và phục vụ hoạt động giảng dạy, chăm sóc HS. Hầu hết các giáo viên khi đến địa bàn vùng sâu, vùng xa đều mong muốn, khi lưới điện đã đưa về trường, về bản thì hệ thống đường sá, công trình nước sinh hoạt, cùng với cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học nơi đây sẽ được đầu tư hoàn thiện để tổ chức tốt công tác chăm sóc, GD HS” - thầy Tiến tâm sự.
Góp phần nâng cao chất lượng dạy học
Có gần 35 năm gắn bó với sự nghiệp GD biên giới tỉnh Quảng Nam, hơn ai hết, thầy giáo Trần Trực – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Tr’hy thấu hiểu được niềm vui, hạnh phúc khi trường lớp có nguồn điện quốc gia thắp sáng. Thầy Trực bày tỏ: Ngày lưới điện về với trường, niềm vui như càng thắp thêm niềm tin, động lực cho đội ngũ giáo viên thực hiện đổi mới công tác giảng dạy, nâng cao chất lượng GD, tạo bước phát triển mới cho sự nghiệp GD nơi vùng biên giới còn lắm gian khó này.
Thầy Trực cho hay: Trường PTDTBT Tiểu học Tr’hy (xã Tr’hy) nằm trên địa bàn vùng cao huyện biên giới Tây Giang, 100% HS là con em dân tộc thiểu số. Hầu hết các em đều thuộc hộ nghèo, cận nghèo nên điều kiện ăn ở, sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn, thiệt thòi.
Con đường học tập của các em cũng có nhiều rào cản từ điều kiện sống, hoàn cảnh gia đình, nhất là rào cản về năng lực Tiếng Việt còn hạn chế, thiếu sự quan tâm của phụ huynh, thiếu thốn điều kiện giảng dạy, học tập, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng GD của nhà trường… Bởi vậy, khi có nguồn điện thắp sáng, sẽ là điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức hoạt động dạy học của nhà trường, cũng như sinh hoạt, lao động, sản xuất của người dân địa phương.
“Với địa bàn trải rộng, lại bị sông suối chia cắt nên việc đi lại, học tập của HS xã miền núi Tr’hy gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết HS đang theo học tại trường là con em đồng bào dân tộc Cơ Tu đều thuộc hộ nghèo, gia đình khó khăn. Phụ huynh con em địa phương xem việc học tập là trách nhiệm của nhà trường. Chất lượng HS đầu cấp còn rất thấp, tình trạng HS bỏ học giữa chừng còn diễn ra.
Do đó, khi có lưới điện quốc gia, bên cạnh tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh tổ chức mô hình tiếng kẻng học tập, tổ chức dạy kèm, dạy phụ đạo vào buổi tối cho HS yếu kém, để làm bàn đạp nâng cao chất lượng GD toàn diện cho HS nhà trường” - thầy Trực chia sẻ.