Tiết học xuyên quốc gia
Tiết học kết nối cuối cùng nằm trong Dự án “Hành động ứng phó với biến đổi khí hậu” tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) vừa kết thúc. Giờ học đặc biệt của cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hằng cùng học sinh lớp 10A6 diễn ra sôi nổi, với chủ đề “Các giải pháp giúp giảm thiểu rác thải nhựa ra ngoài môi trường”.
Cũng như các bạn trong lớp, những tiết học kết nối nằm trong dự án này luôn được Nguyễn Ngọc Minh Giang chờ đợi. Bởi đây là dịp hiếm hoi em được giao lưu, cọ xát với nhiều bạn bè quốc tế. Buổi kết nối cuối cùng là cuộc trao đổi, thảo lận với 30 học sinh Trường Công lập Mumbai (Dadar, Mumbai, Ấn Độ).
Sau khi lắng nghe ý kiến từ học sinh nước bạn, lớp của Giang được chia thành 4 nhóm. Các em lần lượt chia sẻ suy nghĩ và đưa ra nhóm giải pháp có ý nghĩa toàn cầu, hoặc phù hợp với địa bàn. Nhóm của Giang đưa ra giải pháp giảm thiểu rác thải không phân hủy ra môi trường. Một trong số đó là tận dụng vỏ gói mì tôm, nilon đã qua sử dụng để tạo ra những chiếc túi xách xinh xắn.
“Chúng em lựa chọn vấn đề này vì đây là loại rác thải được sử dụng nhiều nhất trên địa bàn. Nhất là ở các bản làng vùng sâu, vùng xa. Chúng em đã trực tiếp làm, có sản phẩm cụ thể để giới thiệu với các bạn quốc tế. Sau khi chia sẻ, nhiều bạn tỏ ra thích thú và kết nối với chúng em để tìm hiểu thêm về sản phẩm hữu ích này”, Giang chia sẻ.
Với em Đào Yến Chi, lần đầu tiên tham gia lớp học cũng gặp chút khó khăn, trục trặc. Một phần vì bỡ ngỡ khi trao đổi với bạn bè quốc tế, phần bởi việc thảo luận theo vấn đề đòi hỏi vốn tiếng Anh chuyên sâu và liên quan đến khí hậu toàn cầu. Dẫu vậy, Chi vẫn hào hứng tham gia, vì em cho rằng đây là cơ hội tốt để rèn kỹ năng sử dụng tiếng Anh.
Học sinh lớp 10A6 thảo luận vấn đề theo nhóm, chuẩn bị nội dung trao đổi, thuyết trình. |
Khai thác giáo dục mở
Đây là lớp học tham gia Dự án “Hành động ứng phó với biến đổi khí hậu”, do tổ chức Take Action Global sáng lập và điều phối. Lớp học được cô Nguyễn Thị Thúy Hằng kết nối thực hiện. Mặc dù dự án triển khai từ năm 2017, song theo cô Hằng đây là năm đầu tiên tỉnh Điện Biên mới có lớp học tham gia trong tổng số 1.000 lớp, đến từ gần 150 quốc gia.
“Nhiều lần tìm hiểu các thông tin liên quan đến giáo dục mở, tôi biết đến dự án này và quyết định tham gia. Bên cạnh mục đích chính của dự án là kết nối học sinh, sinh viên toàn cầu hướng đến mục tiêu sống, hành động vì một thế giới đẹp hơn thì đây còn là hoạt động hết sức ý nghĩa với học sinh miền núi. Lớp học tạo cho các em cơ hội, môi trường để cọ xát, rèn giũa kỹ năng tiếng Anh, mở rộng hiểu biết và thỏa sức thể hiện sáng tạo”, cô Hằng cho hay.
Để những buổi học toàn cầu diễn ra thành công, dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ, định hướng của cô Hằng, mỗi học sinh đều có không gian, cơ hội thảo luận, đưa ra giải pháp nghiên cứu của bản thân. Các em cũng tự tay chuẩn bị tranh ảnh, sản phẩm minh họa để phần trao đổi thêm sinh động, dễ hiểu.
Được đánh giá là học sinh năng động, tích cực trong các buổi học, em Bùi Quỳnh Giang cho hay: Em rất vui khi được tham gia dự án. Qua đây, em biết thêm nhiều bạn từ quốc gia khác, được giao lưu văn hóa, thực hành giao tiếp tiếng Anh, bồi dưỡng thêm kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình... Do vậy, trong mỗi giờ học em đều cố gắng chuẩn bị chu đáo và đưa ra ý kiến.
“Qua mỗi tiết học em thấy mình được mở rộng hơn vốn kiến thức về biến đổi khí hậu, môi trường. Từ đó, nâng cao ý thức cá nhân trong việc bảo vệ thiên nhiên, Trái đất bằng những giải pháp thiết thực, gần gũi với học sinh và cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt, em thấy mình tự tin hơn và kỹ năng ngoại ngữ cũng tăng lên đáng kể”, Quỳnh Giang bộc bạch.
Trong quá trình học tập, để mỗi giờ kết nối trực tuyến diễn ra hiệu quả nhất, cô Hằng vừa lồng ghép kiến thức môn học, vừa tạo ra những trải nghiệm đầy thú vị cho học sinh. Cô trao cơ hội để các em thảo luận, chia sẻ và học hỏi từ bạn bè quốc tế. Đồng thời, sáng tạo để có những gợi mở, hướng dẫn giúp các em hoàn thiện bài làm.
Khởi động từ ngày 26/9, lớp học chính thức kết thúc ngày 18/11. Theo cô Hằng, học sinh trong lớp đã kết nối giao lưu, học tập cùng bạn bè thuộc 4 trường của 2 quốc gia: Italia, Ấn Độ. Trong lần đầu tham gia, mặc dù gặp một chút hạn chế do lệch múi giờ giữa các nước, song lớp học đã thành công, đạt được mục tiêu đề ra.
“Mỗi em đều được trau dồi thêm nhiều kiến thức và tự ý thức, hành động có trách nhiệm hơn với môi trường. Đặc biệt, các em tích lũy được kỹ năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo; giao tiếp tiếng Anh với các bạn nước ngoài tự tin, tiếp cận và làm quen với phương pháp giáo dục mở. Đó cũng là mong muốn khi tôi quyết định lựa chọn học sinh lớp 10 tham gia. Với kinh nghiệm có được, tôi tiếp tục xin ý kiến để kết nối học sinh tham gia nhiều dự án tương tự khác”, cô Hằng cho hay.
“Để bắt nhịp được với giờ học, chúng em phải chuẩn bị rất kỹ tài liệu, giải pháp và các sản phẩm độc đáo mang ra giới thiệu. Không những vậy, mỗi bạn cũng phải chủ động tìm hiểu, học thêm từ mới, cách nói, phát âm tiếng Anh thì mới nghe, hiểu và giao tiếp với các bạn nước ngoài. Từ đó, khả năng giao tiếp tiếng Anh của em đã tốt hơn, tự tin hơn. Em tích lũy được kinh nghiệm để thực hiện những dự án tương tự khác”, Chi tâm sự.