“Tiết học không biên giới” của cô giáo vùng cao

GD&TĐ - Ba năm qua những tiết học tiếng Anh kết nối theo mô hình “Lớp học không biên giới” được cô giáo Trần Thị Mai Khanh, Trường Tiểu học Bắc Cường (TP Lào Cai, Lào Cai) tổ chức thường xuyên.

Chủ đề Tết cổ truyền do cô Trần Thị Mai Khanh giảng dạy đã được kết nối với học sinh nước ngoài. Ảnh: NVCC
Chủ đề Tết cổ truyền do cô Trần Thị Mai Khanh giảng dạy đã được kết nối với học sinh nước ngoài. Ảnh: NVCC

Cách tổ chức dạy học tiếng Anh phong phú này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh, mà còn mở ra cơ hội để học sinh học tập hiệu quả, hứng thú.

Đam mê kết nối giáo dục

8 năm trước, khi được tiếp cận và nhận thấy những giá trị hữu ích của “Lớp học không biên giới” cô Trần Thị Mai Khanh đã tâm đắc và mày mò tìm cách kết nối các tiết dạy học tiếng Anh ở Trường Tiểu học Bắc Cường.

Tuy nhiên, để có được tiết dạy tiếng Anh kết nối với giáo viên, lớp học nước ngoài thời gian đầu không dễ dàng bởi bản thân cô Khanh chưa tham gia nhiều hoạt động chuyên môn với nhóm giáo viên quốc tế nên không thể trao đổi, giao lưu cần thiết.

Để kết nối thành công cô đã phải dành nhiều thời gian tìm hiểu các tổ chức giáo viên thế giới, thiết lập quan hệ, học hỏi… từ đó tạo niềm tin, giao lưu chuyên môn và hỗ trợ lẫn nhau.

Ba năm trở lại đây, các hoạt động, cuộc thi, giao lưu trực tuyến cho giáo viên thế giới tổ chức nhiều hơn; đặc biệt khi cô Khanh giành Huy chương Vàng giải thưởng “Phụ nữ sáng tạo toàn cầu” thì cơ hội làm quen và khẳng định chuyên môn, được đồng nghiệp trên thế giới biết tới và hỗ trợ đã mở ra với cô Khanh. Điều đó đi liền với việc các tiết học tiếng Anh không biên giới được cô Khanh tổ chức nhiều và thuận lợi hơn, hiệu quả dạy học tiếng Anh tăng lên đáng kể.

Từ đầu năm học 2021 - 2022 đến nay, cô Khanh tổ chức thành công gần 200 tiết tiếng Anh kết nối với thầy cô giáo các trường tiểu học, THCS và học sinh các lớp học từ Hoa Kỳ, Ấn Độ, Indonesia, Singapore, Malaysia, Bangladesh…

Không chỉ đóng vai trò kết nối, tổ chức, cô Khanh cũng là giáo viên dạy tại đầu cầu Việt Nam theo chủ đề. Gần nhất là nội dung về Tết cổ truyền Việt Nam do cô giảng dạy đã được giáo viên và lớp học tại Mỹ kết nối thành công.

Ngoài kết nối các tiết học ngoại ngữ với giáo viên, lớp học trên thế giới, cô Khanh còn kết nối với thầy cô và lớp học một số tỉnh, thành trong nước như Hà Nội, Phú Thọ, Yên Bái… cũng như nhiều trường ở thành phố Lào Cai và nhiều lớp học của trường.

Cô Khanh cho biết: Khó khăn khi tổ chức những lớp học kết nối với giáo viên, trường lớp nước ngoài chính là sự trái ngược nhau về thời gian, thời tiết. Nhiều khi đầu cầu Việt Nam đã chuẩn bị xong kỹ thuật, lớp học… nhưng bên nước ngoài thời tiết xấu khiến không thể kết nối. Cùng đó, múi giờ của học sinh Việt Nam lệch so với thế giới nên để mời được giáo viên và các lớp học nước ngoài, nhà trường phải đổi thời gian các tiết học của học sinh cho tương đồng.

Đặc biệt, về mặt nội dung kiến thức bài học của học sinh Việt Nam và thế giới lệch nhau nên mỗi khi tổ chức, cô Khanh phải lên kế hoạch sớm, soạn giáo án riêng rồi trao đổi, đưa ra chủ đề yêu cầu với giáo viên nước ngoài, cùng nhau rút ra vấn đề cần truyền tải trong tiết học…

“Các tiết học kết nối không biên giới được tổ chức miễn phí, là hoạt động chuyên môn mà giáo viên các nước cùng tham gia, hỗ trợ cho học trò học tập tiếng Anh hiệu quả. Tuy nhiên, muốn tổ chức thành công giáo viên nhất định phải đam mê, đặt quyền lợi học tập, được tiếp cận với phương pháp giáo dục đa dạng của học sinh lên hàng đầu…”, cô Khanh trao đổi.

Cô Trần Thị Mai Khanh tham gia vào các lớp học không biên giới. Ảnh: NVCC
Cô Trần Thị Mai Khanh tham gia vào các lớp học không biên giới. Ảnh: NVCC

Hiệu quả từ những “lớp học không biên giới”

Có thể thấy những tiết học tiếng Anh không biên giới do cô Trần Thị Mai Khanh tổ chức đã mang lại hiệu quả đang kể trong dạy học ngoại ngữ của Trường Tiểu học Bắc Cường nói riêng và thành phố Lào Cai nói chung.

Học sinh có cơ hội giao lưu, tiếp cận nhiều cách phát âm trên thế giới và Việt Nam. Khi gặp người nước ngoài hay trong nước nói tiếng Anh các em đều dễ dàng hình thành phản xạ giao tiếp, không bị bó hẹp trong một cách phát âm. Học sinh tự tin hơn và có cơ hội chia sẻ, ứng dụng kiến thức được học với bạn bè trong nước và thế giới.

Học sinh Lê Minh Vũ lớp 5A2, Trường Tiểu học Bắc Cường, chia sẻ: “Em và các bạn trong lớp rất hào hứng khi được tham gia các tiết học tiếng Anh “không biên giới”. Ban đầu, em còn bỡ ngỡ nhưng qua từng buổi học thấy tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh và có thêm kiến thức về văn hóa, con người của đất nước bạn. Em mong cô Khanh tổ chức nhiều hơn các tiết học “không biên giới” để chúng em có cơ hội được giao lưu, học hỏi với bạn bè và thầy cô trên thế giới cũng như ở Việt Nam”.

Tiết dạy học tiếng Anh kết nối mà cô Khanh tổ chức không chỉ tốt cho học sinh trên mọi mặt, mà giáo viên cũng được tiếp cận nhiều hơn với kiến thức, được tiếp xúc với đồng nghiệp, học sinh nước ngoài, nâng cao kỹ năng nghe nói, thuyết trình, xử lý các vấn đề... Nhấn mạnh điều này, cô Hoàng Thị Dung, giáo viên Trường Tiểu học Bắc Cường, trao đổi: Mỗi giáo viên thấy mình còn thiếu gì trong chuyên môn để trau dồi, trang bị thêm; chuẩn bị tốt hơn cho việc đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học và tham gia hoạt động dạy học kết nối.

“Lớp học không biên giới” và những giờ học kết nối là mô hình dạy và học tiên tiến, giúp học sinh mở mang hiểu biết về văn hóa nước bạn, đồng thời hình thành động lực để trau dồi ngoại ngữ. Đây cũng là một trong hình thức ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số mà ngành Giáo dục thành phố luôn khuyến khích các nhà trường, thầy cô đẩy mạnh triển khai. - Bà Trần Thị Thùy Dung, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Lào Cai 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ