Ông đến các tiệm game online chỉ để làm một việc mà có lẽ hầu hết chủ tiệm đều không thích: gọi các “con nghiện game” về lại lớp học.
Gần 10 năm, hơn trăm học sinh đã được ông Phước kéo về với lớp học thay vì suốt ngày mài đũng quần bấm chuột mòn mỏi theo các trò chơi trực tuyến.
Người thầy ngoại khóa
Ông Hồ Hùng Hải, một phụ huynh từ TP Sa Đéc (Đồng Tháp), lên tìm ông Phước. Con trai duy nhất của ông Hải 8 năm liền là học sinh giỏi, chỉ một mùa hè vừa qua sa vào game mà bỏ bê học hành.
Không cách gì khuyên bảo nên ông đưa con lên học nội trú lớp 9 tại TPHCM để... cách ly game. “Vậy mà vẫn nghe thầy cô phản ảnh nó trốn đi chơi game. Thiệt tui không còn cách gì, giờ chỉ biết giao nó cho anh Phước” - Ông Hải trần tình.
Vậy là “lớp học cai nghiện game” của ông Phước có thêm một thành viên mới.
15 phút tiết cuối của lớp 8/3 Trường THCS Nguyễn Thị Bảy hôm nay, các em học sinh chăm chú nghe giảng hơn thường lệ. Tập vở đã bỏ hết vào cặp, người giảng cũng không phải là giáo viên bộ môn, nội dung không liên quan đến chương trình sách giáo khoa lớp 8.
Ông Phước đứng giữa lớp, hỏi nhẹ: “Có đứa nào muốn kể cho chú nghe chuyện gì không? Nghe thầy chủ nhiệm nói mấy đứa hôm nay nói chuyện trong lớp nhiều lắm. Sao vậy?”.
Bắt đầu thường là như thế. Buổi nói chuyện ngắn của ông Phó ban bảo vệ tổ dân phố thị trấn là Phước do cô Hiệu trưởng đích thân mời trao đổi với các em.
“Tôi mời anh Phước một tuần hai hoặc ba lần lên nói chuyện để tụi nhỏ tập trung học hơn” - Cô Nguyễn Thị Hồng Nga, Hiệu trưởng, cho biết.
Chính cô Nga cũng không biết tại sao ông thợ sửa máy Lê Phát Phước lại khiến tụi nhỏ nghe lời như thế.
Từ khi các tiệm game online thi nhau ra đời ở thị trấn Cần Giuộc, việc học trò bỏ lớp, trốn tiết là một vấn nạn mà nhà trường gần như không giải quyết được. Nhà trường có xử phạt nhưng không trị tận gốc được tật mê game và lại càng làm tụi nhỏ đâm ra lì hơn, bỏ bê việc học nhiều hơn.
Cũng thời gian ấy, danh tiếng ông Phước sửa máy chuyên “cai nghiện” mấy đứa trẻ mê game lan truyền trong các em học sinh và phụ huynh.
Cô Nga liên lạc với ông Phước. “Đứa nào trốn học thì nhà trường liên lạc với anh Phước. Chưa đầy nửa tiếng là anh dắt ngay em đó về trường, ngồi lại vào lớp. Và đó cũng là buổi cuối cùng chơi game của em học sinh đó” - Cô Nga nói một cách tin tưởng.
Cách trị các học sinh mê game của ông Phước rất đơn giản. Khi nhà trường thông báo có học sinh đang bỏ tiết, ông liền đảo ngay một vòng các tiệm game online, hỏi từng chủ tiệm.
Dù ván game có đang hấp dẫn thế nào, ông chỉ nói một tiếng “lên xe chú chở về” là cậu học trò nhỏ phải rời bàn phím lủi thủi đi theo. Đưa về lớp, ông Phước liên lạc ngay với cha mẹ em đó.
Ông chỉ nói nhẹ nhàng: “Tối nay anh chị để em nó đến chỗ tôi”. “Chỗ tôi” của ông Phước chính là trụ sở ban bảo vệ khu phố thị trấn Cần Giuộc mà ông đang làm phó ban.
Từ hơn 5 năm nay, “chỗ tôi” của ông Phước lúc nào cũng có khoảng 20 em học sinh THCS, THPT và cả những em đánh giày, bán vé số... tụ tập từ 19 - 22 giờ để ông Phước kèm cặp. Ở đó ông Phước sẽ là một người cha, người thầy, người bạn của bọn trẻ.
Lớp học cai nghiện game
Gọi là lớp học nhưng chỉ là nhóm lố nhố học trò ngồi quanh ông phó ban bảo vệ khu phố từ 7 giờ tối.
Việc đầu tiên là khảo bài từng em. “Cuốn tập của mấy đứa cũng là thứ để tôi liên lạc với nhà trường. Thầy cô yêu cầu chúng học gì, làm gì cứ điền vào đấy. Tui kiểm tra và biểu tụi nhỏ học theo như vậy” - Ông Phước kể.
Năm nay đã 43 tuổi, dáng người cao lớn, khuôn mặt có phần... dữ dằn nhưng “chú Phước của mấy em học trò” có phong thái khoáng đạt, nói năng nhẹ nhàng.
Ông tâm sự: “Người ta hay hỏi sao tụi nhỏ nghe lời tui dữ vậy. Tui nghĩ là mình nói lời hay lẽ phải, nắm bắt được tâm tình của lứa tuổi mới lớn thì chúng nó nghe thôi”.
Việc thứ hai ở “lớp học cai nghiệm game” này là những lời tâm sự của người đàn ông trung niên với đám nhóc chưa trưởng thành. Hằng ngày ông Phước thường thu lại những bản tin an ninh trật tự, những chương trình xã hội cho các em nghe.
Một bản tin học sinh đánh nhau trọng thương, ông phân tích tại sao lại như thế. Thằng T. ở gần khu chợ vừa bị bắt vì ăn trộm xe, ông kể hoàn cảnh của nó và cả quá trình dẫn đến việc bị bắt cho tụi nhỏ nghe. Cách kể chuyện nhẹ nhàng và có lẽ bằng cả cái duyên đặc biệt của ông, tụi nhỏ cứ mê tơi.
Chưa nói đến việc ông còn là một chuyên gia trong bắt trộm, thường phối hợp chặt chẽ với công an thị trấn tổ chức nhiều đợt truy quét tội phạm và được công an nhiều lần trao tặng bằng khen. Những công việc này cũng góp phần nâng hình tượng của “chú Phước như là một hiệp sĩ trừ gian diệt bạo”.
Ngay chính lớp ban đêm này cũng là một nguồn tin đáng quý của ông Phước trong việc ngăn chặn đánh nhau trong học sinh, việc làm vi phạm pháp luật của học sinh trong thị trấn giáp ranh TPHCM này.
Ông Phước nói thêm: “Việc làm của tui hiệu quả nhờ rất nhiều người ủng hộ, đặc biệt là cha mẹ các em học sinh. Chỉ cần họ nói một tiếng giao cho tui và cam kết sẽ phối hợp thì mới thành công được”.