Lớp ghép và bài toán nâng cao chất lượng

GD&TĐ - Dạy học theo mô hình lớp ghép được xem là giải pháp tình thế, khắc phục khó khăn của giáo dục miền núi.

Những giáo viên được phân công giảng dạy lớp ghép đều được lựa chọn phù hợp trên nhiều yếu tố.
Những giáo viên được phân công giảng dạy lớp ghép đều được lựa chọn phù hợp trên nhiều yếu tố.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, “bài toán” chất lượng cũng đặt ra không ít thách thức với mô hình này.

Giáo viên… vượt khó

Nằm cách trường trung tâm hơn 10km, điểm bản Ma Lù Thàng 2 (Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lèng, huyện Mường Chà, Điện Biên) có 10 học sinh theo học ở 2 trình độ (lớp 1 và 2).

Do có nhiều kinh nghiệm nên năm học này thầy Lò Văn Chinh được giao phụ trách điểm bản. Phòng học vỏn vẹn vài bộ bàn ghế, 2 tấm bảng đen, được thầy Chinh sắp xếp quay lưng lại với nhau phục vụ giảng dạy 2 chương trình.

Thầy Chinh tâm sự: “Để dạy tốt 1 lớp 2 trình độ, tôi gần như không có thời gian ngồi yên một chỗ mà phải hoạt động liên tục. Thường xuyên di chuyển trong lớp để điều tiết và phân phối thời gian giảng dạy cho phù hợp. Chưa kể thời gian chuẩn bị giáo án, các điều kiện đảm bảo giảng dạy song song 2 trình độ”.

Cũng theo thầy Chinh, do phải học 2 buổi/ngày, trong khi học sinh đa phần nhà xa nên thầy phải tổ chức, bố trí ăn, nghỉ trưa cho trò trên lớp. Bởi vậy, nhiệm vụ mỗi ngày lại thêm phần vất vả.

“Tôi thường tập trung giảng dạy kiến thức mới vào đầu giờ. Khoảng 30 phút cuối tôi dành cho các em tự làm bài tập. Như vậy, vừa giúp học sinh có ý thức tự giác và ôn tập kiến thức ngay trên lớp, giáo viên lại vừa có thời gian tranh thủ nấu ăn trưa cho trò”, thầy Chinh chia sẻ.

“Vừa khắc phục khó khăn về giao thông, cơ sở vật chất, giáo viên vừa đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau để tổ chức tốt các hoạt động dạy học, ăn nghỉ trưa cho học sinh. Đặc biệt giai đoạn hiện nay, cùng lúc triển khai nhiều chương trình giáo dục (Chương trình GDPT 2018; Chương trình VNEN trình độ 3, 4, 5)… Bởi vậy, giáo viên được giao phụ trách lớp ghép phải nỗ lực rất nhiều”, thầy Nghị nói.

Cùng với điểm Ma Lù Thàng 2, năm học này Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lèng duy trì 2 lớp học ghép. Theo thầy Hoàng Thanh Nghị, Hiệu trưởng nhà trường, số lượng học sinh mỗi lớp hạn chế, chỉ từ 10 - 15 em. Các điểm này cũng nằm cách xa trung tâm xã.

Mường Nhé là một trong những địa phương duy trì nhiều lớp ghép của tỉnh Điện Biên. Năm học này, toàn huyện có 118 lớp ghép bậc mầm non, với trên 2.400 trẻ; 46 lớp bậc tiểu học gồm hơn 700 học sinh.

Theo ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện, mỗi giáo viên sẽ căn cứ vào chương trình các môn học để lập kế hoạch dạy học cụ thể, phù hợp với trình độ học sinh.

“Để đạt hiệu quả, giáo viên phải áp dụng linh hoạt nhiều hình thức tổ chức hoạt động dạy học trong mỗi tiết học, như: Dạy chung cả lớp, riêng từng nhóm từng học sinh, tiết học... Thầy cô phải phân bổ thời gian làm việc với các nhóm làm sao cho hợp lý mới đảm bảo thời lượng thực học hiệu quả trong mỗi tiết học cho học sinh cả lớp”, ông Chùy cho hay.

Để giảng dạy lớp học ghép 2 trình độ (lớp 1 và 2), thầy Lò Văn Chinh vất vả hơn khi cùng lúc phải đảm nhiệm nhiều vai.
Để giảng dạy lớp học ghép 2 trình độ (lớp 1 và 2), thầy Lò Văn Chinh vất vả hơn khi cùng lúc phải đảm nhiệm nhiều vai.

Chọn mặt gửi vàng

Cũng theo ông Chùy, những giáo viên được phân công giảng dạy lớp ghép đều được lựa chọn trên nhiều yếu tố. Các trường sẽ căn cứ tình hình thực tế, kinh nghiệm giảng dạy và trình độ, năng lực chuyên môn của từng giáo viên. Đặc biệt, ưu tiên bố trí giáo viên cùng dân tộc với học sinh tại lớp ghép, để thuận lợi trong giao tiếp, hiểu được phong tục tập quán địa phương, hỗ trợ đắc lực cho quá trình tổ chức dạy học.

“Ngoài ra, các trường sẽ phân công 1 đồng chí trong Ban giám hiệu phụ trách và trực tiếp chỉ đạo về chuyên môn. Giáo viên dạy lớp ghép được biên chế vào các tổ, khối chuyên môn; duy trì sinh hoạt 4 lần/tháng. Qua đó, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và củng cố chuyên môn, nghiệp vụ”, ông Chùy cho biết thêm.

Tại Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lèng, đối với các lớp học ghép nhà trường đều xây dựng kế hoạch giảng dạy và phân công, bố trí giáo viên phù hợp từ sớm. Trên cơ sở đó chủ động lựa chọn, điều chỉnh, sắp xếp giáo viên phù hợp.

“Những giáo viên nhiệt tình, có chuyên môn, kinh nghiệm, tâm huyết sẽ được ưu tiên để bố trí giảng dạy lớp ghép. Đặc biệt, chúng tôi sẽ phát huy tinh thần tự nguyện của các thầy cô. Có như vậy mới đảm bảo chương trình cũng như chất lượng giáo dục”, thầy Nghị chia sẻ.

Năm học 2021 - 2022, Điện Biên có 231 lớp học ghép bậc tiểu học, với hơn 3.700 học sinh. Theo ông Cù Huy Hoàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, mặc dù việc tổ chức dạy học lớp ghép chỉ là giải pháp tình thế, song chất lượng vẫn được quan tâm hàng đầu.

Để nâng cao chất lượng, với nguồn lực hiện có, ngành đã tạo điều kiện cho học sinh lớp ghép có cơ hội được học tập thuận lợi nhất như ưu tiên đầu tư về cơ sở vật chất; bổ sung, thay thế thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, phần mềm dạy học phù hợp.

“Đặc biệt, ngành quan tâm chỉ đạo các trường tích cực bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên. Tăng cường công tác hướng dẫn, tổ chức sinh hoạt chuyên môn cấp cụm, trường về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học lớp ghép để phát triển toàn diện học sinh. Thông qua đó, tạo môi trường để giáo viên trao đổi, thảo luận, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình giảng dạy”, ông Hoàn cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.