Tuy nhiên, nhận thức được giá trị của ngoại ngữ, nhiều bạn trẻ đã nỗ lực tự học để phát triển cơ hội học tập, làm việc khi thành thạo tiếng Anh.
Trở thành công dân toàn cầu
Những ngày cuối tháng 9, Nguyễn Quang Sang, 25 tuổi, tất bật trong vai trò nghiên cứu sinh ngành Khoa học máy tính tại Đại học Quốc lập Dương Minh Giao thông (Đài Loan). Sang sử dụng tiếng Anh để làm việc, trò chuyện và giao tiếp với bạn bè, đồng nghiệp đến từ nhiều nơi trên thế giới.
7 năm trước, khi là học sinh lớp 12, khả năng tiếng Anh của Sang ở mức cơ bản, thậm chí, kỹ năng nghe, nói ở dưới mức trung bình do anh chỉ thực hành qua bài tập trong sách giáo khoa. Bên cạnh đó, áp lực trúng tuyển đại học khiến Sang dành phần lớn ưu tiên cho các môn thuộc khối tự nhiên như Toán, Lý, Hóa.
Sau khi trở thành sinh viên và học viên cao học ngành Điện tử Viễn thông, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Sang nhận thấy tài liệu, giáo trình chuyên ngành tiếng Việt phần lớn cung cấp kiến thức cơ bản. Nhu cầu đi sâu nghiên cứu, cập nhật kiến thức và công nghệ mới yêu cầu Sang phải tìm đọc và hiểu các tài liệu biên soạn bằng tiếng Anh.
Bên cạnh đó, nam sinh còn định hướng theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học nên việc sử dụng tốt tiếng Anh ở cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết là rất quan trọng. Trong đó, kỹ năng nghe đọc để tìm kiếm tài liệu; viết để soạn thảo các bài báo, công bố khoa học; kỹ năng nói giúp anh trình bày ý tưởng, suy nghĩ với các giáo sư, bạn bè nước ngoài.
Nhận thấy lợi ích của ngoại ngữ, Sang quyết tâm tự “cày” lại tiếng Anh. Anh nhớ lại, khó khăn lớn nhất khi học ngoại ngữ là chưa có môi trường học hiệu quả từ sớm. Trước đây, phần lớn vốn từ vựng của Sang gói gọn trong sách giáo khoa và nội dung thi. Anh cũng không có cơ hội sử dụng tiếng Anh để giao tiếp và làm việc với người nước ngoài.
Trong quá trình ôn luyện, Sang nói anh may mắn khi được làm việc với PGS.TS Hoàng Văn Xiêm, giảng viên Trường Đại học Công nghệ với nhiều năm học tập, sinh sống tại nước ngoài, nên có nhiều cơ hội sử dụng tiếng Anh. Thầy không chỉ giảng dạy về chuyên môn, mà còn hướng dẫn Sang phương pháp tìm, đọc – hiểu tài liệu, tin tức tiếng Anh hiệu quả cùng các kỹ năng viết báo cáo bằng tiếng Anh... Nhờ đó, Sang được rèn luyện thường xuyên kỹ năng ngoại ngữ và tiến bộ mỗi ngày.
“Lĩnh vực công nghệ thay đổi từng ngày nên nếu sử dụng tiếng Anh tốt, sinh viên có thể cập nhật kiến thức, đón đầu xu hướng nhanh chóng. Tiếng Anh còn là một trong những yếu tố cơ bản để trở thành công dân toàn cầu, giúp các bạn tìm kiếm cơ hội hội nhập quốc tế”, Sang nói.
Sang cho rằng để trau dồi tiếng Anh, sinh viên có thể tham gia câu lạc bộ tiếng, tìm kiếm tài liệu từ các nguồn thông tin trên Internet bằng tiếng Anh, theo dõi các mạng xã hội có liên quan đến học ngoại ngữ. Bên cạnh đó, tìm hiểu về văn hóa, cuộc sống của người bản xứ cũng là cách nâng cao ngôn ngữ.
Nguyễn Quang Sang bảo vệ luận văn thạc sĩ tại Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2022. |
Cơ hội hội nhập quốc tế
Tương tự Sang, Đỗ Thị Thu Quyên, 20 tuổi, sinh viên năm ba chuyên ngành Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân từng có vốn tiếng Anh ở mức khá, chủ yếu là từ vựng, ngữ pháp. Hồi phổ thông, nữ sinh khá yếu ở các kỹ năng khác như nghe, nói.
Quyên dự định học ở trung tâm IELTS nhưng ở bài kiểm tra đầu vào chỉ đạt 4.0 - 5.0 điểm nên để đạt 7.0 điểm trở lên như mong muốn, em phải học 2 - 3 khóa với học phí cao. Vì vậy, trong 3 năm đại học, nữ sinh quyết tâm tự trau dồi tiếng Anh. Đến nay, Quyên đạt 7.0 IELTS, trong đó kỹ năng đọc đạt 8.0.
Việc thành thạo tiếng Anh giúp Quyên hướng đến môi trường làm việc mang tính quốc tế và tiềm năng phát triển sau khi đi làm. Bên cạnh đó, nữ sinh có cơ hội đăng ký ứng tuyển vào các chương trình du học sau khi tốt nghiệp. Là sinh viên, ngoài việc học trên lớp và tham gia hoạt động ngoại khóa, mỗi ngày Quyên đều dành thời gian học tiếng Anh. Việc tự học cũng đòi hỏi nữ sinh phải kiên trì, kỷ luật cao, đầu tư thời gian và công sức nhiều hơn.
“Trong thời gian rảnh, em thường nghe hoặc xem chương trình tiếng Anh như BBC Learning English, Ted-Ed, đọc sách ngoại văn... Trong thời gian ôn thi IELTS, em học kỹ năng nghe, đọc qua bộ sách Cambridge, học viết qua YouTube, ChatGPT và học nói qua video trên Internet”, Quyên chia sẻ về phương pháp học.
Hiện là học viên thạc sĩ ngành Hệ thống Tích hợp và Giải pháp Thông minh, chuyên ngành Vi cơ điện tử, anh Hoàng Văn Nhất, 26 tuổi, có cơ hội học tập tại các trường đại học ở ba quốc gia khác nhau là Đại học Aalto (Phần Lan), Đại học Nam Na Uy (Na Uy), Đại học Kinh tế và Kỹ thuật Budapest (Hungary). Đây là mô hình học trong chương trình học bổng toàn phần Eramus Mundus.
Vào đại học với điểm tiếng Anh dưới mức trung bình nhưng có sẵn niềm đam mê ngôn ngữ này, anh Nhất quyết tâm tự trau dồi. Không học lại từ vựng, ngữ pháp vì cho rằng bản thân “dễ nản”, anh bắt đầu luyện kỹ năng đọc bằng cách tìm các đoạn văn ngắn bằng tiếng Anh và đọc to thành tiếng. Điều đó giúp Nhất luyện khả năng phát âm, đọc hiểu, nghe, nói.
Sau đó, anh Nhất chủ động kết bạn với lưu học sinh tại Đại học Quốc gia Hà Nội, tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh trên địa bàn thành phố. Khi xây dựng được kiến thức nền tương đối ổn định, Nhất và một số lưu học sinh mở câu lạc bộ học tiếng Anh tại trường, trong đó anh làm trợ giảng. Từ đó, Nhất phải chủ động tìm hiểu kiến thức tiếng Anh một cách chắc chắn, nền tảng, để có thể trả lời học viên. Quá trình đó, anh nhận thấy khả năng tiếng Anh của mình tăng lên đáng kể.
Đến khi chuẩn bị thi IELTS, anh Nhất bắt đầu mở rộng vốn từ vựng chuyên ngành và rèn luyện khả năng nghe. Mỗi khi đi trên đường, anh lại dành thời gian suy nghĩ về một chủ đề bất kỳ và tìm ra các từ vựng phù hợp để nói về chủ đề đó; khi rảnh rỗi, tìm đọc thêm từ mới để bổ sung cho các chủ đề của mình.
Sau thời gian dài lên kế hoạch, chủ động và tự học, Nhất thi và đạt 7.0 điểm IELTS, giành học bổng toàn phần Eramus Mundus. Từ kinh nghiệm cá nhân, anh Nhất khẳng định thành thạo tiếng Anh là lợi thế đối với sinh viên trong việc trau dồi học tập và tìm kiếm cơ hội việc làm sau tốt nghiệp, cạnh tranh cùng những ứng viên cùng trình độ.
“Khi khả năng tiếng Anh được cải thiện, tôi có thể tự tin giới thiệu bản thân, diễn đạt suy nghĩ, ý tưởng, giao tiếp với bạn bè, thầy cô quốc tế. Tôi cũng mạnh dạn tìm kiếm cơ hội du học sau khi tốt nghiệp thạc sĩ vì ngoại ngữ là một trong những yêu cầu cơ bản khi học tập tại nước ngoài”, Nguyễn Quang Sang nói và cho hay tiếng Anh là cầu nối giúp anh tìm hiểu văn hóa, con người ở Đài Loan và học thêm ngôn ngữ thứ 3 là tiếng Trung.