Câu lạc bộ tiếng Anh trong trường học thiếu sức hút

GD&TĐ - Gần 3.300 câu lạc bộ tiếng Anh được thành lập ở trường phổ thông, đại học trong cả nước nhưng hoạt động phần lớn tự phát, mang tính hình thức…

Sinh hoạt CLB tiếng Anh tại Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai (Sóc Trăng).
Sinh hoạt CLB tiếng Anh tại Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai (Sóc Trăng).

Đề án nâng cao năng lực tiếng Anh cho thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022 của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu 100% Đoàn Thanh niên hoặc Hội Sinh viên ở đại học, học viện, cao đẳng, Đoàn trường THPT có câu lạc bộ tiếng Anh. Sau 5 năm, gần 3.300 câu lạc bộ tiếng Anh được thành lập ở trường phổ thông, đại học trong cả nước nhưng hoạt động phần lớn tự phát, mang tính hình thức…

Chưa đạt mục tiêu

Tại Sóc Trăng, qua khảo sát của thầy Võ Văn Tài, Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, học sinh Khmer vấp phải hai khó khăn về ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Cả hai ngôn ngữ Việt - Khmer thuộc dòng họ Môn - Khmer, khác nhau về trật tự của từ.

Trong số 37 học sinh Khmer được phỏng vấn, 31 em (tỷ lệ 83,7%) cho biết thường xuyên gặp khó khăn trong việc hiểu tiếng Việt. Do vậy, các em gặp nhiều vấn đề trong việc học tiếng Anh khi thầy cô sử dụng tiếng Việt để giảng bài. Trong khi đó 6 học sinh còn lại (tỷ lệ 16,3%) cho biết ít gặp rào cản khi thầy cô giảng bài bằng tiếng Việt do các em nói tiếng Việt thường xuyên ở nhà...

Theo thầy Võ Văn Tài, khác nhau về văn hóa gây nhiều khó khăn cho học sinh Khmer, đặc biệt là trẻ ở vùng sâu, xa trong việc học tiếng Việt lẫn tiếng Anh nếu như không có sự giúp đỡ của thầy, cô giáo. Điều kiện sống và môi trường ngôn ngữ cũng ảnh hưởng rất lớn đến người học.

Học sinh Khmer chỉ nói tiếng Việt khi đi học ở trường, về nhà lại nói ngôn ngữ bản địa vì cha, mẹ và láng giềng đều là người Khmer và sống trong thôn, sóc, ít có môi trường để sử dụng tiếng Việt. Hơn nữa, học sinh Khmer ít có điều kiện mua tài liệu học tiếng Anh (ngôn ngữ thứ ba).

Tại trường học, dù được quan tâm đầu tư, khuyến khích thành lập câu lạc bộ tiếng Anh nhưng kết quả chưa như mong đợi. Đến nay, tại trường ở vùng thành thị, nơi điều kiện thuận lợi, các câu lạc bộ tiếng Anh còn duy trì; nhưng vùng sâu, vùng xa tình hình hoạt động trầm lắng hơn.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Tiền Giang, các trường THPT tổ chức câu lạc bộ tiếng Anh khá sôi nổi, phần lớn là trường trọng điểm ở thành phố, thị xã thành lập và duy trì hoạt động. Câu lạc bộ hoạt động theo hình thức học sinh tự quản. Ở một số trường chuyên, học sinh tham gia đông nên có nhiều chương trình nổi bật hơn… Còn ở vùng khó và cấp học dưới, việc thành lập câu lạc bộ vẫn còn ít.

CLB nâng cao năng lực tiếng Anh cho thanh thiếu nhi địa bàn khó khăn, vùng nông thôn do Tỉnh đoàn Bến Tre tổ chức.

CLB nâng cao năng lực tiếng Anh cho thanh thiếu nhi địa bàn khó khăn, vùng nông thôn do Tỉnh đoàn Bến Tre tổ chức.

Lay lắt hoạt động

Dù có bước phát triển, nhưng hoạt động của câu lạc bộ ngoại ngữ trong nhà trường còn mờ nhạt. Theo chia sẻ của cô Đặng Thị Kim Phượng, Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (An Giang), nhiều trò ngại nói tiếng Anh và chưa quyết tâm tham gia đầy đủ hoạt động của câu lạc bộ. Giáo viên, học sinh cũng có ít thời gian nên việc duy trì hoạt động thường xuyên của câu lạc bộ vẫn hạn chế. Việc gây quỹ để duy trì, mở rộng còn gặp nhiều khó khăn; công tác xã hội hóa, tìm nguồn tài trợ chưa mang lại hiệu quả cao.

Theo cô Phượng, để nâng cao và duy trì hiệu quả hoạt động câu lạc bộ tiếng Anh trong trường học, đòi hỏi quyết tâm cao từ ban giám hiệu đến giáo viên bộ môn, đặc biệt là các trưởng nhóm. Cần xây dựng cơ chế làm việc cũng như nội quy câu lạc bộ rõ ràng, trong đó tổ trưởng chuyên môn làm chủ nhiệm câu lạc bộ và chịu trách nhiệm đôn đốc, giám sát mọi hoạt động. Giáo viên bộ môn được phân công giám sát, định hướng cho hoạt động của mỗi nhóm nhỏ.

Mỗi nhóm cần một lãnh đạo là học sinh có năng lực ngôn ngữ, kỹ năng tổ chức, quản lý, lãnh đạo nhóm. Mọi hoạt động, từ lên ý tưởng, lập kế hoạch, thiết kế, thực thi… đều được lãnh đạo trực tiếp thực hiện dưới sự giám sát, định hướng của giáo viên phụ trách. Có như vậy, hoạt động mới phong phú, đa dạng, gần gũi, thu hút được sự tham gia của các em, góp phần nâng cao chất lượng dạy - học ngoại ngữ của nhà trường.

Là đầu mối tổ chức câu lạc bộ tiếng Anh nhưng theo nhận định của đại diện Tỉnh đoàn Trà Vinh, một bộ phận cán bộ, đoàn viên chưa tự giác, tích cực tham gia học tập, nên chưa đạt chuẩn về trình độ ngoại ngữ theo quy định. Phần lớn đội ngũ chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là trong xu thế hội nhập và giao lưu quốc tế. Bên cạnh đó, mặc dù cán bộ đã qua đào tạo, bồi dưỡng về ngoại ngữ nhưng do không có môi trường sử dụng, ứng dụng ngoại ngữ vào công việc nên việc phát huy trong thực tế chưa nhiều.

Chia sẻ của anh Nguyễn Thanh Nhã, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Trà Vinh, nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ Đoàn các cấp trong tỉnh; đồng thời tạo môi trường bổ ích cho cán bộ Đoàn học tập, trao đổi, rèn luyện kiến thức, kỹ năng cần thiết, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã xây dựng Đề án Đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ Đoàn. Mục tiêu nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đạt chuẩn về trình độ ngoại ngữ, phục vụ tốt nhiệm vụ chuyên môn và yêu cầu công tác Đoàn, phong trào.

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tiến hành rà soát trình độ tiếng Anh của cán bộ Đoàn các cấp và phân loại để bồi dưỡng. Đặc biệt, các câu lạc bộ tiếng Anh của Đoàn các cấp trong tỉnh đóng vai trò quan trọng thông qua tổ chưc hội thi, diễn đàn, chương trình học thuật, buổi ôn tập ngữ pháp, sinh hoạt câu lạc bộ, chương trình giao lưu bài hát tiếng Anh, đội hình ôn tập tiếng Anh cho thanh, thiếu nhi trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè… Đây là điều kiện thuận lợi để nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi.

Từ năm học 2019 - 2020, Sở GD&ĐT Bến Tre đã chỉ đạo các trường phải có nhiều hình thức để xây dựng môi trường cộng đồng học tập tiếng Anh trong đơn vị hay hoạt động trải nghiệm khi học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa. Dù nhiều trường đã thực hiện, tuy nhiên thiếu đồng đều và chưa duy trì đều đặn. Khắc phục điểm yếu, theo lãnh đạo sở GD&ĐT, phòng chuyên môn của sở xây dựng fanpage nhằm tập hợp các trường tham gia, chia sẻ nội dung như clip, những hoạt động trải nghiệm bộ môn Tiếng Anh của trường…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.