Đến với bài thơ hay:

Lời riêng tâm tình...

GD&TĐ - Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn là gương mặt nữ tiêu biểu trong nền thơ ca VN đương đại, vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Ảnh minh họa: INT
Ảnh minh họa: INT

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn là gương mặt nữ tiêu biểu trong nền thơ ca Việt Nam đương đại, vinh dự lớn được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Phan Thị Thanh Nhàn

Đồ đạc trong nhà

Em yêu đồ đạc trong nhà

Cùng em trò chuyện như là bạn thân

Cái bàn kể chuyện rừng xanh

Quạt nan mang đến gió lành trời xa

Đồng hồ giọng nói thiết tha

Nhắc em ngày tháng thường là trôi mau

Mênh mang trang giấy trắng phau

Dạy em kiến thức xa sâu bộn bề

Ngọn đèn sáng giữa trời khuya

Như ngôi sao nhỏ dội về niềm vui

Tủ sách im lặng thế thôi

Kể bao chuyện lạ trên đời cho em

Cầm tay ngày tháng lớn lên

Mỗi đồ vật một lời riêng tâm tình.

Là người tinh tế, nhạy cảm, bên cạnh những bài thơ bất hủ về tình yêu như “Hương thầm”, “Trời và đất”..., nhà thơ còn có nhiều áng thơ hay viết cho lứa tuổi thiếu nhi. “Đồ đạc trong nhà” là một sáng tác như thế. Bài thơ là tiếng nói tình cảm chan chứa mến yêu của em nhỏ với những đồ đạc, vật dụng gắn bó quen thuộc trong ngôi nhà thân thương của mình.

Với mười bốn câu thơ lục bát, nhà thơ hóa thân vào một em nhỏ - chủ thể trữ tình - để nói lên tiếng nói của con trẻ thật hồn nhiên và chân thành. Mở đầu là những câu thơ dung dị, giới thiệu trực tiếp tình cảm của em nhỏ: “Em yêu đồ đạc trong nhà/ Cùng em trò chuyện như là bạn thân”.

Dùng biện pháp ẩn dụ nhân hóa, tác giả đã thổi hồn vào sự vật, khiến cho mọi vật dụng trong nhà cũng biết nói năng, suy nghĩ, có tâm trạng như con người. Những đồ đạc ấy biết “trò chuyện” cùng người chủ nhỏ như với “bạn thân”. Chính nhờ mối quan hệ tâm giao này, tứ thơ được triển khai tiếp theo rất hợp lý: “Cái bàn kể chuyện rừng xanh/ Quạt nan mang đến gió lành trời xa/ Đồng hồ giọng nói thiết tha/ Nhắc em ngày tháng thường là trôi mau”. Nhờ sự quan sát tinh tế cùng vốn sống từng trải phong phú, người làm thơ đã sáng tạo nên một thế giới đồ đạc trong ngôi nhà bỗng như có hồn.

Từng vật dụng được giới thiệu như với những nhân vật có nguồn cội rõ ràng. Đầu tiên là “Cái bàn”, vật liệu làm bằng gỗ, kể về rừng xanh nhiều điều thú vị. Chiếc quạt nan đem đến cho người dùng luồng gió mát lành. Đáng chú ý là chiếc đồng hồ làm việc cần mẫn chẳng lúc nào ngơi nghỉ, âm thanh của những chiếc kim thời gian như nhắc nhở mỗi người nếu “để một phút trôi qua là để mất một mẩu đời vô vị”. Chiếc đồng hồ như muốn khuyên em nhỏ hãy biết quý thời gian vì đó là “tấm thảm dệt nên cuộc đời”.

Trong bài, em nhỏ đã dành nhiều tình cảm cho những trang vở học trò, nơi ấy: “Mênh mang trang giấy trắng phau/ Dạy em kiến thức xa sâu bộn bề/ Ngọn đèn sáng giữa trời khuya/ Như ngôi sao nhỏ dội về niềm vui”. Trang giấy trắng và ngọn đèn là những người bạn luôn thức cùng các em học sinh trong những giờ tự học.

Nhờ ôn bài và làm các bài tập đầy đủ, các em mới có thể tự chiếm lĩnh kiến thức, chuyển hóa kiến thức của sách vở và thầy dạy thành của mình. Trong bài, em nhỏ dành nhiều tình cảm nhất cho người bạn kiệm lời là tủ sách: “Tủ sách im lặng thế thôi/ Kể bao chuyện lạ trên đời cho em”.

Đây là hình ảnh vô cùng thú vị bởi nó cho thấy em nhỏ là một học trò ham học hỏi, thích đọc sách bởi nói như một nhà văn là: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới” (M. Gorky). Nhờ có sách, sản phẩm trí tuệ, tâm hồn của con người tạo ra đã lưu trữ tri thức của nhân loại mà em được hiểu biết thêm bao nhiêu điều mới lạ, hấp dẫn. Ẩn chứa trong lời thơ là thái độ biết ơn của em nhỏ với những người bạn sách.

Bài thơ khép lại bằng hai câu: “Cầm tay ngày tháng lớn lên/ Mỗi đồ vật một lời riêng tâm tình”. Đang ghi nhận là luật thơ lục bát gieo nhịp chẵn, nhưng ở đây nhà thơ sáng tạo gieo nhịp lẻ 3/5 ở câu kết bài, mạch thơ vốn như dòng nước đang chảy xuôi bỗng chuyển dòng, khiến cho ai đọc đến đây cũng phải chú ý, tứ thơ nhờ đó được khắc sâu.

Hai câu thơ gửi đến chúng ta thông điệp: Thế giới quanh ta thật đẹp, mọi thứ đều có đời sống riêng và bằng khả năng của mỗi đồ vật, đều giúp cho em nhỏ ngày một lớn lên, đều giúp ích cho đời sống con người. Lời thơ cô đọng thể hiện thái độ xiết bao yêu thương, trìu mến của em nhỏ. Mỗi đồ đạc trong nhà đều được em nâng niu, trân quý bởi những “bạn thân” ấy đều có một lai lịch, đời sống và vai trò, ích lợi riêng phục vụ cho con người.

Đọc thơ Phan Thị Thanh Nhàn nói chung và bài thơ này nói riêng, người đọc thấy thơ bà mang đậm phong cách riêng: Đằm thắm, dịu dàng, hồn nhiên và giàu nữ tính. Thế giới hình tượng cũng như ngôn ngữ thơ bà rất dung dị nhưng có khả năng biểu đạt lớn, đem lại nhiều cảm xúc thẩm mỹ. Chính vì thế, bài thơ đã được chọn để giảng dạy và học tập trong sách Tiếng Việt lớp 3 - bộ Tri thức với cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ