Nhà thơ Trần Thu Hà : Làm thơ từ con tim đói

GD&TĐ - Dường như tuổi tác không có chút dấu ấn nào trong thơ Trần Thu Hà, trong nội lực tình yêu và khao khát muốn sẻ chia kho báu thơ với toàn thế giới.

Sách thơ của Trần Thu Hà.
Sách thơ của Trần Thu Hà.

Trong hơn năm qua, nhà thơ Trần Thu Hà không chỉ đưa thơ mình “vượt biên giới”, mà bà còn bước qua mọi thách thức và rào cản của cuộc sống để những câu thơ đẹp vút lên từ tâm hồn.

- Năm vừa qua, thơ bà đã được giới thiệu tới Ý, Nga, Romania, Uzbekistan, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Bangladesh, Trang Thơ Hội Nhà văn Thế giới... Động lực nào khiến bà mở rộng trường độc giả ra ngoài biên giới?

- Thực ra tôi làm thơ là xuất phát từ con tim đói, từ rung động vui buồn trong cuộc sống, những thăng hoa kỳ thú đã đưa tôi đi từ niềm vui này đến vui mừng khác. Đấy là khuôn mặt đẹp kiêu sa và đầy nước mắt. Mặc dù tuổi đã cao nhưng tôi luôn học hỏi tìm hiểu để khám phá cái mới, cái đẹp, cái độc lạ mà tôi ưa thích.

Phải chăng thi ca với vẻ đẹp linh thiêng và quyền năng của nó luôn đủ sức hấp dẫn, dẫn dắt gắn kết nhiều tâm hồn đến với nhau dù bất kỳ ở nơi đâu, trong hay ngoài nước. Khi những cơn dư chấn xung quanh luôn làm tôi say sưa để không ngừng sáng tạo, những cảm xúc thăng hoa luôn làm tôi miệt mài khao khát một xã hội công bằng văn minh, người người yêu thương nhau bằng trái tim người.

Người người được tôn trọng, được tự do hạnh phúc, được sống trong môi trường trong sạch. Nên thơ phải được nuôi dưỡng và kết tinh bằng phần hồn của người, nên thơ không thể tách rời người với hồn thơ được. Thơ phải có sự rung động bên trong của tác giả toát ra từng câu chữ, một nội lực thức tỉnh hồn người như bài thơ:

“GIẤC NGỦ CỦA DÒNG SÔNG*

Thương chân tu giọng buồn như khói

Câu thơ nào làm ướt áo em tôi

Người còn nhớ đêm gầy hong mắt ướt

Phố xanh xao khuôn mặt cũ chong đèn

Em mơ về giấc ngủ của dòng sông

Anh bảo đấy là sắc màu là đường cong

hợp cẩn

Em quỳ xuống hôn lên hình hài xác ướp

Khi nụ hôn truy nã những vòng tay”.

Nhà thơ Trần Thu Hà : Làm thơ từ con tim đói ảnh 1

Những giải thưởng văn học của nhà thơ Trần Thu Hà:

- Giải C (không có giải A) do UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao tặng tập thơ “Trái đất tự quay”.

- Được Bằng khen của Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ “Dáng đứng”.

- Đoạt giải B trong Cuộc thi viết về đề tài chiến tranh của UBND tỉnh Nghệ An.

- Hai giải C Hồ Xuân Hương.

- Bà chọn những bài thơ có đặc điểm như thế nào để giới thiệu với bạn đọc nước ngoài? Theo bà, độc giả ngoài nước sẽ thẩm thấu những thông điệp nào trong thơ của mình?

- Đấy là những bài thơ được viết ra khi phần hồn náu lặng phía sau, nó được làm thành câu thơ khi đã được nuôi dưỡng được chưng cất thành men thành cốt. Ngôn ngữ đương thời đương đại là một trong những yêu cầu của cái mới trong thơ, nó phải được chắt ra từ phần hồn của tác giả.

Sự rung động trong từng câu chữ là một nội lực thức tỉnh tình người, thơ chỉ trường tồn sinh sôi khi với những người thủy chung yêu say nó. Nhà thơ có những tứ thơ hay thực sự là một mối duyên. Khi nhà thơ hóa thân vào trang viết, khi con chữ “lên đồng” thì đấy là nét đặc trưng của mỗi nhà thơ, nó được gắn liền với nét văn hóa.

Tôi yêu những nhà thơ lao động miệt mài nghiêm túc, vượt qua những khó khăn hàng rào đố kỵ, để đưa được hồn thơ bay bổng đến với bạn đọc, và vượt qua mọi chướng ngại bay ra thế giới một cách hoàn mỹ.

“Sau cơn mê

Tóc em gầy môi xanh mấy độ

Nghe tiếng em cười như vóc mưa

chảy dài cõi vắng

Cho tôi say uống cạn giấc không lời”

(Cơn mê* )

- Ý nghĩa của việc đưa thơ ra nước ngoài đối với riêng bà?

- Đó là động lực khiến tôi yêu hơn, say hơn với con chữ, thúc giục tôi mở đường đua siêu tốc… thực ra tôi không chọn thơ mà thơ chọn tôi bởi tôi luôn đau đáu với cuộc sống hiện tại, tôi thiết nghĩ: Là con người dù ngoại quốc hay trong nước đều có những khát vọng, nghĩ suy giống nhau, có yêu thương có khổ đau, có vui buồn, chỉ vậy thôi nên tôi đã diễn tả những biến thái tinh vi phong phú của tâm hồn mình và tôi luôn hóa thân vào con chữ, vào từng trang viết, đấy là nét đặc trưng của thơ tôi.

“Ước mơ mình giờ như đã chín

Tìm vô tư trong cái lạ của ngày

Ta ươm gốc tình người bằng bàn tay tháng năm mưa gió

Ươm tiếng cười thành hạt giữa vườn thiêng …

(Vườn thiêng*)”

“Hãy đến với mảng thơ tình

làm cho mình trẻ lại.

Đời vẫn xanh kệ 72 ập đến

Môi đang phiêu khoe nắng

với sắc hồng

Chút men say hồn hoa rơi đáy cốc

Xuân đánh ghen đành nũng nịu

tóc sương

(Đời vẫn xanh*)”

Hoặc bài thơ:

“Nõn xanh tưởng như hơi thở

Môi mềm óng ánh lời ươm

Trong mắt trong môi

trong từng nhịp thở

Anh – vũ khí sát thương

không tiếng nổ

Hạ gục nhau

Bằng

Tiếng con tim

(Không tiếng nổ*)”

- Bà có làm quen được với nhà thơ nước ngoài nào không? Ấn tượng của bà với người bạn đó?

- Thật vui khi thơ tôi được “xuất khẩu” ra nước ngoài, có nhiều nhà thơ đã kết bạn Facebook với tôi, nhưng tôi “mù” ngoại ngữ nên đành chấp nhận cô đơn. Khi thơ tôi được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, tôi nghĩ đấy là do tình yêu thơ, do có sự đồng cảm, với vẻ đẹp linh thiêng và quyền năng của thơ luôn đủ sức hấp dẫn để gắn kết với nhiều tâm hồn đồng điệu lại với nhau dù bất kể nơi đâu.

- Trong năm qua, những chủ đề nào được bà chú ý, và gợi cảm hứng cho bà làm thơ? Những câu thơ nào khiến bà ưng ý nhất?

- Trong năm qua tôi đau đáu với nỗi đau không cầm máu, đó là phải sống chung với dịch Covid - 19. Tôi vui cũng có thơ, buồn cũng có thơ:

“Thơ là dấu lặng dài

vô thanh vô cực

Là duyên là nợ thức dậy cõi đam mê

Là nốt trầm là tiếng thở dài trần thế

Là giọt khóc giọt cười khuynh đảo

thế gian

Là ấm áp tình người

trong thời Covid

Nhắc nhở sẻ chia

là khoảng cách 5K.

(Nốt trầm*)

- Hãy kể một kỷ niệm sâu sắc của bà trong sự nghiệp thơ của mình?

- Buồn vui ngồi nhớ lại những kỷ niệm một thời không quên trong đời biểu diễn và làm thơ của tôi. Đấy là lần chúng tôi về biểu diễn tại bệnh viện quân khu bốn ở Thanh Cát, Thanh Chương, Nghệ An. Trong những năm chiến tranh ác liệt, khán giả của chúng tôi là thương bệnh binh nằm la liệt trên giường bệnh, vết thương băng bó đầy mình.

Chúng tôi đến hát cho các anh nghe, múa cho các anh vui, các anh vẫn nằm yên bất động, chỉ có máu và máu chảy ra thấm đỏ nỗi đau. Đang hát tôi nghĩ đến anh và em trai tôi nằm lại chiến trường, tôi bật lên tiếng khóc, tiếng khóc không kìm nén được cứ bật lên, bật lên… tiếng khóc chồng tiếng khóc, rồi cả dàn đồng ca cùng khóc, khán giả vẫn nằm yên bất động, tiếng khóc ngày một to hơn nghẹn ngào hơn, buổi biểu diễn phải tạm ngừng. Tôi bị đoàn trưởng gọi riêng hỏi lý do, khi biết được… đoàn trưởng cũng ngậm ngùi không khiển trách.

- Bà có theo trường phái thơ nào không?

- Từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường tôi đã say mê cùng con chữ, thực ra tôi làm thơ là được nuôi dưỡng từ tâm hồn có thực của mình, có yêu ghét rõ ràng không theo trường phái nào hết, có đọc nhiều nhưng tôi vẫn là tôi, tôi không thích những lời phỉnh ngọt.

“Với tôi cái bản ngã cao sang

không đánh mất bao giờ

Tôi muôn năm như đại ngàn gió

Trang trọng như mâm cỗ

nghi lễ náo nức giống nòi

Dỗ bước chân xa dần

trong những thú vui…

(Những bước chân*)

Trong những năm cầm bút tôi cũng đạt được những niềm vui nho nhỏ. Đó là những giải thưởng văn học mà tôi đạt được. Tôi coi đó là sự trân trọng của bạn nghề, bạn đọc dành tặng cho tôi, khiến tôi tự tin vào ngòi bút của mình, với lòng say mê khi tôi nhập hồn vào con chữ.

(*Những bài thơ trích trong bài phỏng vấn đều là của tác giả Trần Thu Hà)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ