“Người nhà quê” trong thơ Nguyễn Bính

GD&TĐ - Yêu làng quê, cảnh vật nhưng phải xa quê để đi vào cảnh phồn hoa, đô thị. Giữa nỗi tiếc nuối khôn nguôi, may mắn thay có những vần thơ Nguyễn Bính.

Làng quê Việt. Ảnh minh hoạ (nguồn: IT)
Làng quê Việt. Ảnh minh hoạ (nguồn: IT)

Tôi tìm về thơ ông như tìm về xứ sở bởi thơ ông có đủ tất cả những gì mà làng quê ta có. Mưa bụi, bờ đê, vườn cau, bến nước… Vì thế nó “đánh thức” người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta (Hoài Thanh - Hoài Chân).

1.

Nguyễn Bính – Thi sĩ của đồng quê, mệnh danh ấy quả là tuyệt đỉnh. Không hiểu sao Nguyễn Bính đến với đồng quê một cách say mê và có duyên có nợ như thế! Có thể nói, mỗi bài thơ của ông là một “gam màu”. Những “gam màu” ấy góp lại tạo nên một Nguyễn Bính của “tình quê”, “chân quê” và “hồn quê” đích thực.

Khi viết về làng quê Việt Nam, tâm hồn Nguyễn Bính hướng đến tất cả. Từ những cảnh vật quen thuộc trong thiên nhiên, những bản sắc văn hóa trong sinh hoạt thường ngày cho đến tâm tư, tình cảm, tâm lý của các cụ già, em nhỏ hay trai gái làng quê… Tất cả qua ngòi bút của thi sĩ được hiện lên một cách sinh động, trông thật đáng yêu, khiến nó trở thành “rất lạ” mà thật quen.

Xuân này vui tết lại vui quê

Lại chuyện làm ăn, chuyện hội hè

Xanh biếc đầu xuân, nương mạ sớm

Giậu tầm xuân nở, bướm vàng hoe

                               (Trở về quê cũ)

Khi miêu tả cảnh vật trong thiên nhiên, Nguyễn Bính cảm nhận một cách thấu đáo. Có phải vì thế mà trong thơ ông, cảnh nào, vật nào cũng có một “cái duyên” riêng, một vẻ đẹp lấp lánh được toát lên với tần số rất cao. Đọc thơ Nguyễn Bính, ta nghe thoang thoảng đâu đây mùi thơm của hoa chanh, hoa lý, ta đắm say vào khúc hát mẹ ru theo nhịp võng trưa hè, ta “tắm mình” vào mưa bụi mùa xuân tươi mát, ta thả hồn theo cánh bướm vẽ vòng, theo trăng thu dịu dàng soi chiếu, theo cánh cò trên lúa mượt như nhung.

Hoa chanh nở giữa vườn chanh

Thầy u mình với chúng mình chân quê.

Hôm qua em đi tỉnh về,

Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.

                                      (Chân quê)

Đọc những vần thơ viết về thiên nhiên nơi thôn dã của Nguyễn Bính, hồn ta như lạc giữa đồng quê. Vẻ đẹp, cái hồn của thiên nhiên hiện lên ngay trên trang chữ. Người cảm thơ, bình thơ “non tay” một tý e đánh mất đi vẻ đẹp vốn có của nó. Những câu thơ:

Nguyễn Bính. Ảnh minh hoạ (nguồn: IT)
Nguyễn Bính. Ảnh minh hoạ (nguồn: IT)

Thong thả dân gian nghỉ việc đồng

Lúa thì con gái mượt như nhung

Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng

Ngào ngạt hương bay bướm vẽ vòng

                                     (Xuân về)

Hay

Lúa trổ đồng tơ, ngậm cốm non

Lá dài vươn sắc lưỡi gươm con

Tiếng chim mách lẻo cây hồng chín

Điểm nhạt da trời những chấm son

                                        (Chiều thu)

đã vươn tới tuyệt đỉnh thẩm mỹ, lấp lánh “nhãn thần” của đồng quê.

Cũng viết về mùa xuân nhưng mấy ai có cách cảm nhận tinh tế, độc đáo như chàng thi sĩ đồng quê này! Cảm nhận để viết lên một câu thơ “Mùa xuân là cả một mùa xanh” quả không đơn giản (!) Thật lòng mà nói, tôi rất tâm đắc từ “xanh” ở trong câu thơ này. “Mùa xuân xanh” là một định nghĩa chí lí về mùa xuân. Cảnh sắc, cái hồn, cái tình của mùa xuân dồn hết vào từ “xanh” này. Giải mã cho hết ta mới thấy được thế nào là sự đắt giá của con chữ… Ở một bài thơ khác, nhà thơ lại miêu tả: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay”, “Mưa bụi nên em không ướt áo” đã lộ hết, toát lên được cái “hồn” của mùa xuân. Một mùa xuân rất Nguyễn Bính. Một thiên nhiên rất Việt Nam.

2.

Đã bao lần tôi thích thú, say mê khi lạc vào thiên nhiên trong thơ Nguyễn Bính. Đọc thơ ông, tâm hồn tôi trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát. Tôi cảm thấy yêu hơn cuộc sống của mình, yêu mảnh đất miền quê thôn dã khói vương chiều. Từ trong mùi thơm “hương đồng gió nội” tôi nghe văng vẳng đâu đây tiếng trẻ chăn trâu nô đùa vui nhộn; tiếng mẹ trưa hè ngân tiếng hò đưa; trước mắt tôi lấp lánh lung linh sắc màu lễ hội, dải lụa dịu dàng trong nắng chiều quê…

Nét riêng trong thơ Nguyễn Bính có lẽ là đây, mỗi bài thơ viết về đồng quê là môt bức tranh. Bức tranh ấy bao giờ cũng động, cảnh và người đồng hiện giao thoa. Đặc biệt, thiên nhiên bao giờ cũng làm nền, cũng tô điểm cho hoạt động của con người.

Nói đến mùa xuân:

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy

                               (Mưa xuân)

thì tất yếu gắn liền lễ hội dân gian:

Hội chèo làng Đặng đi qua ngõ

Mẹ bảo: Thôn Đoài hát tối nay

                                 (Mưa xuân)

Mùa thu thường gợi đến ta câu ca năm tháng: “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ”, thi sĩ cũng bắt ngay vào cội nguồn sâu thẳm đó:

Thăm thẳm trời xanh lộng đáy hồ

Mùi hoa thiên lý thoảng chiều thu

Con cò bay lả trong câu hát

Giấc trẻ say dài nhịp võng ru

                                 (Chiều thu)

Tôi cũng không biết do “tài thơ” hay vì ý thức của người làm thơ để rồi tạo nên mạch thơ biện chứng theo lẽ thường tình như thế nữa (Nắm và hiểu cho hết lẽ thường tình của tạo hóa là một vấn đề tưởng chừng đơn giản). Có lẽ ở Nguyễn Bính kết hợp cả hai và kết hợp một cách nhuần nhuyễn.

Cảm và nói cho hết cái hay cái đẹp ở thơ là một vấn đề thật không đơn giản. Tôi nghĩ rằng, điều quan trọng nhất của công việc bình văn, bình thơ là hướng ngòi bút của mình vào, khơi đúng “mạch ngầm” ẩn dưới lớp vỏ ngôn ngữ, âm thanh. May mắn thay trong thơ Nguyễn Bính, cái ranh giới giữa bề mặt, bề sâu hầu như bị phá vỡ. Trong thơ ông, cảnh quê, hồn quê, tình quê hòa quyện vào nhau. Khi viết về đồng quê, nhà thơ không chỉ cảm nhận, miêu tả cảnh vật thiên nhiên một cách tinh tế mà thi sĩ còn nhập tâm vào, âm thầm lắng nghe những rung động thiết tha, những nỗi lòng rạo rực, lắng sâu, rồi lại cất lên trong “gió nội hương đồng”. Ở đó, có nỗi ngậm ngùi của tuổi học trò lần về kỷ niệm (Trường quê), có sự trách móc đáng yêu “bõ ghét” và nỗi tương tư của chàng, của nàng khi đành “lỗi hẹn” (Mưa xuân, Tương tư). Có cả tấm lòng người mẹ xa con (Lòng mẹ) và chất chân quê con người thôn dã (Chân quê, Thanh đạm, Trưa hè)...

3.Phải nói rằng Nguyễn Bính là một nhà thơ am hiểu một cách sâu sắc tâm lý của người dân quê. Họ - những con người sống ở đồng quê quanh lũy tre xanh chuối sau cau trước đều có chung đặc điểm: Mộc mạc, chất phác, giản dị nhưng cũng rất tế nhị, thanh cao.

Nỗi trách móc, nhớ nhung của người con gái khi người yêu lỗi hẹn trong “Mưa Xuân” tuy âm thầm lặng lẽ nhưng thật da diết, thân thương. Diễn biến tâm lý của người con gái “lòng trẻ còn như cây lụa trắng” rất chân thật, rất đúng với tâm trạng của những cô gái thôn quê khi tình yêu bắt đầu “chớm nở”.

Khi đến điểm hẹn thì:

Em xin phép mẹ vội vàng đi

Thôn Đoài cách có một thôi đê

lúc chàng trai thất hẹn thì:

Mình em lầm lụi trên đường về

Có ngắn gì đâu một dải đê

                           (Mưa xuân)

quả đúng là “tâm lý” của những “trái tim” yêu!

Bước chân đi “vội vàng” và “lầm lụi” khi về ở đây đã diễn tả rất đúng tính cách chất phác, tất bật mà thật nặng tình của người con gái đồng quê. Dù có yêu nhau đắm say, thắm thiết đến mức nào thì bao giờ họ cũng rất kín đáo, tỏ ra e ấp và pha chút ngại ngùng ở dáng vẻ bên ngoài. Biểu hiện tình yêu của họ không náo nức, rạo rực “sắc sảo” như bao đôi trai gái thành thị. Về phương diện này, tôi cho rằng câu thơ “Hình như hai má em bừng đỏ/ Có lẽ là em nghĩ đến anh” đã đạt đến đỉnh cao về bút pháp diễn tả tâm lý con người. Phác họa tâm trạng của cô gái thôn dã qua dáng vẻ “vội vàng” và “lầm lụi” nhưng nói đúng, nói trúng “cõi lòng” người ta thì quả là còn giá trị hơn cả một pho sách thuyết trình hay diễn giải về tâm lý của lứa tuổi đang yêu!

Khi hướng ngòi bút của mình đến làng quê thôn dã bao giờ Nguyễn Bính cũng nhập hồn mình lên trên tất cả. Thi sĩ cảm nhận hết mình, đón nhận và chớp lấy những cảnh sắc, hương vị của cảnh vật, của tạo hóa và chính của đời. Có phải vì thế mà trong thơ Nguyễn Bính mỗi hình ảnh, cảnh vật đều mang “nét duyên”, tạo nên vẻ đẹp chân chất. Từ cái thắt lưng xanh, chiếc áo tứ thân, cái yếm lụa sồi rồi hoa cỏ may giữa đồng lộng gió, tấm mo cau rụng ở góc vườn… cho đến lời than “van em em hãy giữ nguyên quê mùa”, và nỗi băn khoăn “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” hay tính “vô tư” tươi trẻ của tốp thanh niên “tiếng cười chen tiếng nói to” ở giữa đường làng, chất giản dị của lũ học trò trường huyện “đội đầu chung một lá sen tơ”… đều trở thành “thông điệp” của đồng quê. Và tình quê, hồn quê toát lên ngay trong những “thông điệp” ấy. Nói như thế để diễn giải một điều: Đừng bao giờ đi tìm yếu tố “thừa” trong thơ Nguyễn Bính. Mỗi từ, mỗi ngữ là một giai điệu riêng, được đặt đúng lúc, đúng nơi , đúng hướng… tất cả tạo nên một “bức tranh quê” gợi cảm, rất Việt Nam!

Mở mắt trông ra bốn phương ta thấy rằng hầu như trong nền thơ của dân tộc nào cũng vậy, mỗi nền thơ đều có những nhà thơ được suy tôn là thi sĩ của đồng quê. Rôbơt Frôtxt được xem là nhà thơ của đồng ruộng, đất đai ở Mỹ. Xecgây Êxe-nhin là nhà thơ của thiên nhiên và đồng quê Nga. Còn Việt Nam có lẽ không ai ngoài Nguyễn Bính. Vượt lên trên tất cả, thơ Nguyễn Bính làm say lòng người, để lại trong ta những rung động thiết tha bởi lẽ ông không chỉ là một nhà thơ của “cảnh quê” cao hơn, đặc sắc hơn thế nữa, ông còn là một nhà thơ “hồn quê”, “tình quê” chân thật rất Việt Nam.

Tìm về thơ Nguyễn Bính, ta tìm về kỷ niệm tuổi thơ, ta tìm về cội nguồn xứ sở để “gội rửa” những mặc cảm của đời ta, tâm hồn ta trở nên “thanh lọc” để rồi ta cảm thấy yêu hơn lời ru của mẹ, lễ hội dân gian, bờ tre, giếng nước… Và cao hơn cả, ta nguyện suốt đời gắn bó quê hương – nơi “chôn rau cắt rốn” của đời ta, nơi đã sinh ra ta và nuôi ta lớn khôn theo năm tháng.

Xin được phép mượn lời Hoài Thanh để thay cho lời kết của mình: “…Và thơ Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta…”.

__________________________________________

Tài liệu tham khảo:

1. Ba đỉnh cao thơ mới, Chu Văn Sơn, NXB Giáo dục 2003

2. Nguyễn Bính, tác phẩm và dư luận, Nhiều tác giả, NXB Văn học 2002

3. Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh, Hoài Chân, NXB Văn học, 1995.

4. Thơ Mới, tác phẩm và dư luận, Nhiều tác giả, NXB Văn học, 2002.

5. Thơ Mới, nhìn từ quan hệ văn hóa – văn học, Hoàng Thị Huế, NXB Hội Nhà Văn, 2014.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ