Đại tá, nhà thơ Anh Ngọc: Nhớ mãi Sài Gòn đêm giao hưởng

GD&TĐ - Nhắc đến ngày thống nhất đất nước, tôi lại nhớ về đêm 1/6/1975 khi đoàn các nghệ sĩ từ miền Bắc vào biểu diễn giao hưởng mừng Sài Gòn giải phóng.

Nhà thơ Anh Ngọc (bìa trái) trong những ngày đầu tháng 5/1975 tại Sài Gòn.
Nhà thơ Anh Ngọc (bìa trái) trong những ngày đầu tháng 5/1975 tại Sài Gòn.

Với tôi, đêm nhạc ấy là một mốc đáng nhớ để mọi người nhận ra rằng, chiến tranh đã qua rồi, non sông đã thu về một mối, “từ nay người biết thương người”. Từ nay, những tấm lòng hàng chục triệu người Việt Nam cùng “giao hưởng”, hòa hợp nhau trong mọi sự buồn vui của một nước nhà thống nhất. Và tất cả cảm xúc ấy đã được tôi ghi lại trong bài thơ xúc động Sài Gòn đêm giao hưởng, Đại tá, nhà thơ Anh Ngọc - người có mặt tại Sài Gòn trong những ngày đầu giải phóng - chia sẻ.

Người thầy giáo trẻ đam mê sáng tác

Tôi gặp nhà thơ Anh Ngọc đúng vào lúc ông bận rộn với những kế hoạch gặp mặt đồng đội để cùng hoài niệm về một thời đã qua và để tưởng nhớ những người bạn chiến đấu đã hy sinh. Gác lại công việc, ông đã đón tiếp và trò chuyện với tôi một cách nhiệt thành, chân tình, cởi mở.

Nằm khiêm nhường trên gác tư của một khu tập thể ở “phố nhà binh” Lý Nam Đế, căn hộ của nhà thơ Anh Ngọc đã cũ kỹ, rệu rã theo năm tháng. Thế nhưng, tâm hồn và sức sáng tạo chủ nhân của ngôi nhà ấy thì luôn trẻ trung, yêu đời. Đặc biệt, không chỉ dành tình yêu cho thơ ca, ông còn là người say mê bóng đá, mê nhạc Trịnh và thích viết thư pháp.

Nhà thơ Anh Ngọc sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng và văn học, ông nội của ông là chí sĩ cách mạng Nguyễn Đức Công (bí danh Hoàng Trọng Mậu) - người từng giữ chức Quân vụ Ủy viên (ủy viên phụ trách quân sự) trong phong trào Việt Nam Quang phục hội do cụ Phan Bội Châu sáng lập. Không chỉ vậy, dòng họ Nguyễn Đức của ông ở Nghi Trung (Nghi Lộc, Nghệ An) còn sản sinh ra bảy hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, trong đó đứng đầu là nhà phê bình văn học Hoài Thanh. Đó là chưa kể một số cây bút tiếng tăm nhưng không vào Hội, như cụ Hoài Chân.

Nhà thơ Anh Ngọc (bìa trái) và nhà báo Mạnh Hùng, Báo Quân đội Nhân dân trên cầu cảng Bạch Đằng, Sài Gòn, đầu tháng 5/1975.
Nhà thơ Anh Ngọc (bìa trái) và nhà báo Mạnh Hùng, Báo Quân đội Nhân dân trên cầu cảng Bạch Đằng, Sài Gòn, đầu tháng 5/1975.

Vì thế, không khó hiểu khi ngay từ những năm 16, 17 tuổi, Anh Ngọc đã làm thơ và giữ thói quen viết nhật ký. Riêng trong năm 1975, khi đất nước đầy ắp những sự kiện, ông đã viết đến ba cuốn nhật ký. Mấy chục năm đã trôi qua, nhưng cuốn sách ấy đã được ông nâng niu, trân trọng, lưu giữ cẩn thận để giờ đây khi lật mở từng trang sách cho tôi xem ông vẫn rưng rưng cảm xúc. Thói quen của ông là viết nhật ký một đầu, sáng tác một đầu, thậm chí nhiều chỗ cần hình minh họa mà không có máy ảnh ông đã tự vẽ. Vậy nên, cuốn nhật ký của ông đầy ăm ắp những thông tin, sự kiện quý giá mà nhiều bảo tàng, trung tâm lưu trữ cất công đến xin cho bằng được. Thế nhưng, vốn là người “quý sách hơn vàng”, ông cho không nhiều, đa số vẫn được giữ lại ở tư gia.

Tốt nghiệp khóa 6, Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội), chàng thanh niên Anh Ngọc được cử làm giảng viên tại Trường Trung cấp Thương nghiệp ở Thanh Hóa rồi Trường Đại học Thương nghiệp (nay là Đại học Thương mại). Thế nhưng bảng đen, phấn trắng và những trang giáo án đã không níu giữ được đôi chân và cả con tim của người thầy giáo trẻ vốn dĩ đam mê sáng tác.

Năm 1971, ông nhập ngũ và được điều về Binh chủng Thông tin tham gia bảo đảm thông tin liên lạc trong chiến dịch Thành cổ Quảng Trị. Bắt đầu từ đây, tài năng của một người lính cầm bút trong Anh Ngọc bắt đầu hé mở. Đặc biệt trong thời gian này, ông đã sáng tác được bài thơ rất nổi tiếng “Cây xấu hổ” được đông đảo bạn đọc thời ấy và cả bây giờ yêu thích. Bài thơ có cấu tứ lạ, dựa trên đặc điểm của một loài cây vốn dĩ khá quen thuộc với người dân quê, song lại rất hiếm khi được đưa vào thơ ca, và qua cách dẫn chuyện khéo léo, tác giả đã làm nổi bật sự hồn nhiên yêu đời của những chàng lính trẻ đang bám trụ tại một địa bàn khắc nghiệt, ở một thời điểm khốc liệt, từ đó góp phần tôn vinh một thế hệ ra trận và lưu lại hình ảnh đẹp về một loài cây biết giao cảm với con người.

Chân dung nhà thơ Anh Ngọc.
Chân dung nhà thơ Anh Ngọc.

“Từ nay người biết thương người”…

Nhưng có lẽ vinh dự lớn nhất trong sự nghiệp cầm bút của nhà thơ Anh Ngọc là với tư cách phóng viên Báo Quân đội Nhân dân, ông cùng đồng đội lên đường vào Nam từ cuối tháng 1/1975 trong không khí hừng hực, khí thế của quân và dân cả nước. Ông kể, ông cùng những phóng viên của báo đi từ Hà Nội, một tháng rưỡi cả ngồi ô tô lẫn đi bộ trên đường Trường Sơn, được ăn Tết ở Ngã ba Đông Dương, rồi cùng bộ đội chủ lực vào giải phóng thị xã Phan Thiết.

“Đến trưa 30/4/1975, khi nghe tin Sài Gòn giải phóng, chúng tôi đang ở Phan Rang đã ngay lập tức tiến về Sài Gòn. Chiều tối hôm sau (1/5) đã có mặt ở Sài Gòn. Ăn cơm xong, chúng tôi lập tức tới Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn, ngủ đêm tại đó. Đó là đêm đầu tiên chúng tôi nằm ở Sài Gòn sau mấy tháng trời chui rúc trong rừng. Vì điều kiện mới tiếp quản còn nhiều nguy hiểm, đơn vị được hạ lệnh võng ngoài vườn hoa. Chính cái khoảnh khắc giao thời ấy đã cho tôi rất nhiều cảm hứng sáng tác. Nhiều bài viết tại Sài Gòn, đến giờ, vẫn là tác phẩm tôi vô cùng ưng ý như Mắc võng ở Sài Gòn khắc họa tâm trạng người lính buổi giao thời chiến tranh và hòa bình, đặc biệt là Sài Gòn đêm giao hưởng mở ra sự hòa hợp dân tộc, Bắc - Nam chung một nhà thông qua cầu nối âm nhạc”, nhà thơ Anh Ngọc nhớ lại.

Trong câu chuyện với tôi, nhà thơ Anh Ngọc đặc biệt nhấn mạnh đến đêm giao hưởng tại Sài Gòn sau ngày giải phóng không lâu. Đêm giao hưởng Sài Gòn là một sự kiện văn hóa đã đem lại sự ngạc nhiên, hứng khởi mà mến phục của nhiều khán giả, trong đó có những người chiến sĩ. Đêm nhạc đã được phóng viên Đài BBC nhận xét: “Khi chúng tôi nghe bản giao hưởng của Beethoven vang lên, cứ ngỡ là từ một băng nhạc ở một căn nhà nào đó, không ngờ là của đoàn giao hưởng Hà Nội vào biểu diễn trong thành phố này… Các ông không chỉ có sức mạnh quân sự, mà còn có một nền văn hóa tiên tiến. Như vậy, các ông giành chiến thắng là lẽ đương nhiên!”.

Bài thơ “Thanh âm mới của Sài Gòn giải phóng” được nhà thơ Anh Ngọc viết ngày 3/5/1975 tại Sài Gòn.
Bài thơ “Thanh âm mới của Sài Gòn giải phóng” được nhà thơ Anh Ngọc viết ngày 3/5/1975 tại Sài Gòn.

Là người ngồi xem trên khán đài, cũng như nhiều khán giả khác, trong lòng Anh Ngọc trào dâng nỗi niềm cảm xúc và đó cũng là chất liệu để ông sáng tác bài thơ Sài Gòn đêm giao hưởng. Ông đã khai thác sự đối lập giữa quang cảnh thành phố phồn hoa đô hội với bộ đội giải phóng giản dị vốn quen với núi rừng ngay trong khổ mở đầu bài thơ: Chúng tôi là một mảng màu xanh/Trong rực rỡ bức tranh Sài Gòn đêm giao hưởng/Đôi dép lốp bước lên thềm Nhà hát Lớn/Để rơi mấy hạt bụi đường trường... “Màu xanh” ấy là sắc màu quân phục. Không chỉ đêm giao hưởng, mà ngay ban ngày, sắc quân phục của người chiến sĩ chiếm một vị trí đặc biệt trong màu sắc Sài Gòn, với ánh mắt tin cậy của nhiều người. Màu quân phục và đôi dép cao su là vật “bất ly thân” của người chiến sĩ, không chỉ theo người chiến sĩ khi làm nhiệm vụ, mà ngay cả khi dạo phố, vui chơi hay xem văn nghệ.

Bài thơ này không đề cập tới chuyện thắng và thua, Anh Ngọc đã dựa vào hai chữ “giao hưởng”, giao hưởng âm thanh của âm nhạc để nói sự “giao hưởng”, hòa hợp của lòng người sau chiến tranh: Ngửa bàn tay gặp bàn tay nhạc trưởng/Mở tấm lòng gặp tấm lòng giao hưởng/Bổng trầm cung bậc tìm nhau… Bài thơ này, về mặt nào đó, đồng điệu với ca khúc Mùa xuân đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao, với điệp khúc Từ nay người biết thương người… Trong bài thơ, tác giả có sử dụng một nhân vật “em” trữ tình để bộc lộ cảm xúc của mình: Phút này đây ta dành trọn cho nhau/Anh trọn của em đến tận cùng ý nghĩ/Giai điệu đẹp như hồn em cao quý. Người “em” trữ tình này không xác định cụ thể, có thể ở hậu phương, có thể trên đường hành quân và không loại trừ là cô gái thành phố, nơi vừa mới được giải phóng vì hoàn cảnh đất nước chia cắt mà nay gặp lại nhau, thoáng nét ngậm ngùi êm dịu phút đoàn viên.

Và cuối cùng trong câu chuyện với chúng tôi, nhà thơ Anh Ngọc đã nhắc lại lời của Đại tướng Trần Văn Trà trong buổi mít-tinh quân quản Sài Gòn: “Hôm nay, không có chuyện ai thắng ai thua giữa người Việt Nam với nhau, chỉ có dân tộc Việt Nam thắng Mỹ mà thôi”. Rồi ông trầm ngâm: “Bây giờ nhìn lại thì thấy hồn thiêng dân tộc đã nâng bước chúng ta vượt qua thời kỳ máu lửa đầy mất mát, cho chúng ta một ngày thống nhất, hòa bình và độc lập”.

Đại tá, nhà thơ Anh Ngọc (tên thật là Nguyễn Đức Ngọc) sinh năm 1943 tại xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông từng là phóng viên Báo Quân đội Nhân dân, biên tập viên và cán bộ sáng tác của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ông từng giành nhiều giải thưởng văn học như: Giải Nhì cuộc thi thơ Báo Văn nghệ 1972 - 1973, giải A cuộc thi thơ Báo Văn nghệ 1975, giải thưởng Văn học sông Mê Kông lần thứ 2 năm 2009, giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ