Trẻ cần cảm giác an toàn
Nguyễn Thu Hà - học sinh lớp 11 một trường THPT tại Hà Nội cho biết: “Em từng có cảm giác sợ hãi, thu mình khi bị đưa ra bình luận trên mạng xã hội với lời lẽ đổ tội, thiếu văn minh và quy chụp. Sau đó, em phải đóng Facebook vĩnh viễn”.
Nữ sinh này chia sẻ, nhiều người sẵn sàng mang một vấn đề, hoăc cá nhân nào đó để gièm pha, bình xét một cách tự nhiên khiến cho các đối tượng chịu áp lực rất lớn. Với những đám đông ảo trên mạng xã hội thì đôi khi chẳng cần lý do, không cần biết bản chất của vấn đề, chỉ cần ghi lại vài dòng, để lại vài trạng thái cảm xúc, thậm chí dùng những câu nói phản cảm, thái độ tiêu cực… rồi biến mất.
Lê Thúy Phương - cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ, rất nhiều học sinh rơi vào khủng hoảng khi bị bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội hoặc từ đời sống thực tế. Nhất là khi câu chuyện chưa có sự kiểm chứng, đánh giá hay kết luận. Đôi khi chỉ là những thứ phiến diện của người đăng lên đã bị đám đông lao vào để lại những dòng bình luận khiến tâm lý đối tượng bị tổn thương nặng nề.
Đó là những ví dụ cho thấy, lời nói không phải là để gió bay, mà lời nói phải làm sao để cho vừa lòng nhau, cho cuộc sống thêm tốt đẹp hơn. Vì vậy, người lớn cần dạy con trẻ hiểu được “lời nói không mất tiền mua”, nhưng có giá trị to lớn như thế nào. Từ đó, bản thân con trẻ tránh trở thành nạn nhân hay là người gây ra bạo lực ngôn từ đối với người khác.
Muốn vậy, trẻ em cần được cảm thấy an toàn tại gia đình, nhà trường và trong cộng đồng của mình.
Cô Lê Phương Thảo - Trường THCS Bạch Sam (Mỹ Hào, Hưng Yên) cho biết, bạo lực gia đình đối với trẻ em không chỉ là những trận đòn roi. Nó bao gồm cả kỳ thị, miệt thị, mắng chửi, xúc phạm, đe dọa, hay tạo áp lực căng thẳng như học tập, chứng kiến bạo lực gia đình… Tùy vào mức độ nặng hay nhẹ, đứa trẻ sẽ phải chịu mức độ hậu quả khác nhau. Nhiều em rơi vào trạng thái tự kỷ, phát triển không bình thường, diễn biến tâm lý lệch lạc, thậm chí tự tử. Hoặc, do phải chứng kiến quá nhiều bạo lực, không được yêu thương, những đứa trẻ này sẽ hình thành nên thói xấu, và học theo rồi trút giận cho người khác.
Các dấu hiệu trẻ bị bạo hành về tinh thần là hoảng sợ, ngủ không ngon giấc, sợ đi học, rối loạn về tâm lý và cảm xúc. Vì vậy, trẻ có xu hướng hay thu mình, lâu dài dẫn đến bị thui chột khả năng sáng tạo của bản thân. Với những trường hợp bị bạo lực tinh thần nặng nề từ những người thân, các em sẽ mất niềm tin vào cuộc sống.
“Chúng ta đều yêu thương con trẻ, nhưng những căng thẳng, lo lắng về tiền bạc và tình trạng khác có thể làm người lớn dễ nổi giận. Nếu không biết cách kiềm chế, người lớn không những bị ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn làm tổn thương đến các mối quan hệ cá nhân và nghề nghiệp”, cô Thảo nói.
Nhiều trẻ không thể quên được lời la mắng, trận đòn roi mà mình phải chịu đựng. Đặc biệt, những đau khổ đó lại do chính người thân của mình gây ra. Thậm chí, dù không cố tình nhưng nhiều bậc cha mẹ đánh con vì hiểu quá sai câu nói “yêu cho roi cho vọt”, thản nhiên làm cho những đứa trẻ phải chịu tổn thương nặng nề.
Tránh tấn công cảm xúc của trẻ
Chuyên gia tâm lý, TS Trần Thu Hương cho biết, trẻ em thường chịu ảnh hưởng của bạo lực thể xác và tinh thần, bạo lực tình dục. Trong đó, bạo lực ngôn từ được xếp vào bạo lực tinh thần lại được ẩn giấu khá tinh vi.
Bạo lực ngôn từ là dùng lời nói để hăm dọa, ép buộc, o bế… trẻ em phải phục tùng theo ý chí, mong muốn của mình, dùng ngôn ngữ để kiểm soát tâm lý, tấn công người khác gây hậu quả nghiêm trọng khiến đối phương phải chịu ảnh hưởng lớn. Cha mẹ thường cho rằng mình có quyền nói những lời mang tính “sát thương” hoặc nói nặng con mới nghe.
Theo TS Hương, đôi khi đứa trẻ làm trái ý của cha mẹ chưa hẳn là chúng hư, không quan tâm lời nói của người lớn. Tuy nhiên, không phải ai cũng giữ được cảm xúc bình tĩnh nếu con không làm theo ý mình và khi cáu giận sẽ thường dùng ngôn ngữ để giải tỏa với con mà không cần nghe giải thích. Vậy nên, cha mẹ cần có những mong muốn phù hợp với con, tránh tấn công cảm xúc của trẻ.
Lưu ý rằng, bạo lực ngôn ngữ không chỉ là cao giọng, la hét, mắng mỏ, tỏ ra rất kinh khủng ở độ cao của giọng…, mà còn là những lời nói nặng nề, miệt thị, so sánh với những câu như “tại sao tao là người thế này lại sinh ra đứa như mày”. Hay những câu mắng như “mày chỉ là đồ bỏ đi”, “cùng là con cái vậy mà mày dốt quá không giống ai trong nhà…”.
Các bậc cha mẹ không nhận thức được mối nguy hại của những lời mắng chửi đó sẽ khiến các con lớn lên trong sự tự ti, nhút nhát. Thường những đứa trẻ trong hoàn cảnh này sẽ tổn thương về tâm lý, chán ghét chính gia đình mình, thậm chí ghét cả anh em khi bị đem ra so sánh.
Bên cạnh đó, theo TS Hương khi dùng đại từ nhân xưng tương tác với trẻ mang tính khó nghe như mày - tao cũng là một dạng của bạo lực ngôn từ. Hoặc đanh thép nói rằng “mẹ muốn con phải làm thế này”… Nhiều đứa trẻ không nhận ra đó là bạo lực, chúng chỉ hiểu rằng, câu nói không cần quá to nhưng cũng đủ gây sức ép khiến bản thân chúng phải tuân theo.
“Nếu ở trường hay ở nhà, con đều bị tấn công bằng những lời nói nặng nề, trẻ sẽ rất dễ lệch lạc tâm lý, thiếu sáng tạo và ngày càng sa sút về tinh thần. Vậy thì tại sao không lựa lời mà nói để nuôi dưỡng con trẻ trong tình yêu thương?”, TS Hương nhấn mạnh.