Sự học là cả đời và không bao giờ là muộn và cũng có nhiều cách để theo đuổi đam mê, câu chuyện của những nhân vật trong bài viết một lần nữa cho thấy, có nhiều lối mở vào đời, quan trọng là bạn chọn lối nào.
Dám nghĩ, dám làm
Trong 3 năm học THPT, thành tích học tập của Trần Nam Bình khiến các bạn cùng lớp phải nể phục vì luôn giữ vững vị trí tốp 3 của lớp. Trong khi các bạn nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường ĐH, Bình dành thời gian tìm hiểu các trường dạy nghề để ấp ủ cho một tương lai xa hơn, sẽ có một tiệm làm bánh do mình làm chủ để có thể mày mò tìm ra những công thức làm bánh mới lạ, thơm ngon. Quyết định đăng ký học nghề làm bánh của Bình vấp phải sự phản ứng quyết liệt của gia đình trong một thời gian dài. Bạn bè cũng không khỏi ngạc nhiên bởi với sức học của mình, Bình thừa khả năng để đỗ ĐH.
Tốt nghiệp Trường Dạy ẩm thực Netspace (TPHCM), Nam Bình được nhận vào làm ở tổ bánh Tây của khách sạn Sheraton Sài Gòn với mức lương khởi điểm 8 triệu đồng/tháng. Chỉ một năm sau, mức lương hàng tháng của Bình là 12 triệu đồng. Về lại Đà Nẵng, Bình cũng làm tại khách sạn lớn khác với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Cuối năm 2019, tự thấy thời cơ chín muồi để mở một tiệm bánh của riêng mình, Trần Nam Bình quyết định nghỉ việc và tất bật chuẩn bị cho việc “ra riêng”.
Với những bước vững chắc chuẩn bị cho hành trang lập nghiệp, bạn bè đều thừa nhận Bình đã đúng khi không nhất thiết phải chọn cánh cửa vào ĐH. Kế hoạch mở tiệm bánh của Bình cũng nhận được sự hỗ trợ về vốn đầu tư của gia đình thay vì một mực phản đối việc chọn theo học nghề của con như trước đây.
Cũng nói không với trường ĐH, CĐ nhưng cách làm nửa vời của N.L.Q.K lại đẩy em vào tình huống trớ trêu. Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đợt 2 năm 2014 vào ĐH Đà Nẵng, các giám thị tại điểm thi Trường ĐH Bách khoa dở khóc dở cười vì trường hợp của một HS có hộ khẩu Đà Nẵng.
Nghĩ rằng với lực học của mình, có đi thi ĐH, CĐ cũng không đỗ nên N.L.Q.K quyết định không nộp hồ sơ dự thi. Thế nhưng, ba mẹ em liên tục hỏi về tình hình thi cử, đăng ký thi trường nào… Không đủ “can đảm” để trình bày nguyện vọng, suy nghĩ của mình, cuối cùng N.L.Q.K quyết định vào website của ĐH Đà Nẵng, in giấy báo dự thi rồi sửa tên, dán ảnh của mình để “trình” cho phụ huynh biết. Đợt 1 của Kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH, vì hội đồng thi ở gần nhà nên K. tự đi xe đạp, ngồi ở quán nước cho hết giờ rồi về. Nhưng sang đến đợt 2, vì đã “nhỡ” in giấy báo dự thi ở hội đồng thi Trường ĐH Bách khoa nên khi được anh trai đưa đến điểm thi. Không còn cách nào khác, K. đành phải trốn trong nhà vệ sinh và bị giám thị phát hiện, giữ tại phòng hội đồng và bàn giao cho công an xử lý.
Quyết tâm “nói không với thi ĐH” một cách nửa vời đã đẩy cậu HS cũ của Trường THPT Trần Phú vào tình huống trớ trêu. Thời điểm đó, có nhiều ý kiến trách phụ huynh của N.L.Q.K không sao sát khả năng, học lực cũng như nguyện vọng của con, tạo ra áp lực không đáng có để cuối cùng đẩy con vào tình cảnh dở khóc dở cười.
Nhiều lối để vào đời
Tốt nghiệp THPT năm 2018, Võ Văn Tài (quê ở Tuy An – Phú Yên) quyết định vào TPHCM làm phụ hồ một năm để kiếm tiền trang trải chi phí học tập cho những năm học sắp tới. “Mỗi ngày tiền công phụ hồ của em được 300.000 đồng, sau 1 năm em để dành được hơn 20 triệu, đủ đóng tiền học phí trong năm học đầu tiên và sinh hoạt phí cho khoảng 3 - 4 tháng đầu khi là SV, phòng trường hợp không xin được việc làm thêm”, Tài kể.
Chọn theo học ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật – ĐH Đà Nẵng), Tài cho biết: Em được các anh SV cùng quê tư vấn theo học ngành này vừa bảo đảm đầu ra, vừa có thể đi làm sớm để kiếm thêm thu nhập. “Mẹ mất sớm, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên em xác định phải tự lập trong suốt quá trình học, kẹt lắm mới nghĩ đến giải pháp vay vốn SV. Do đó, trường nào có học phí ổn định, đầu ra tốt em sẽ ưu tiên lựa chọn” – Võ Văn Tài chia sẻ.
Thầy Nguyễn Đình Hòa – GV Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) cho rằng: Quan trọng nhất trong công tác hướng nghiệp ở phổ thông không phải là tư vấn cho HS nộp đơn xét tuyển trường này cho dễ đỗ, chọn ngành kia cho “hot”, mà phải trang bị cho các em một thái độ nghiêm túc đối với nghề nghiệp.
“Tôi hay chia sẻ với HS rằng, không nhất thiết phải vào đại học nếu ngành nghề mình yêu thích không yêu cầu; nhưng làm việc mà có học thì hơn làm việc theo kinh nghiệm. Do đó, nếu đi làm cũng phải học hỏi; nỗ lực học tập bởi khả năng đáp ứng công việc và thích ứng với môi trường lao động đó như thế nào rất quan trọng. Chúng ta có thể đi nhiều con đường để thực hiện ước mơ, hoài bão chứ không nhất thiết phải vào đại học”, thầy Hòa tâm sự.