Để trẻ 'tỏa sáng' theo cách riêng

GD&TĐ - Chọn nghề chưa bao giờ là chuyện dễ dàng, đặc biệt khi giữa cha mẹ và con cái tồn tại những khoảng cách trong tư duy và kỳ vọng.

Nhiều bạn trẻ hiện nay được bố mẹ ủng hộ theo đuổi niềm đam mê nghệ thuật. Ảnh: NVCC
Nhiều bạn trẻ hiện nay được bố mẹ ủng hộ theo đuổi niềm đam mê nghệ thuật. Ảnh: NVCC

Nhiều bậc phụ huynh tin rằng, để có tương lai ổn định, con cần đi theo những lối mòn nghề nghiệp quen thuộc. Tuy nhiên, trong thời đại mới, ngày càng nhiều bạn trẻ muốn theo đuổi những nghề mang tính sáng tạo, khác biệt.

Khi đam mê bị “dập tắt” từ sớm

Mỗi mùa thi đến gần, câu chuyện chọn ngành, chọn nghề lại trở thành tâm điểm trong nhiều gia đình. Nhưng với nhiều bạn trẻ đam mê nghệ thuật, thiết kế, âm nhạc hay sáng tạo nội dung, mùa thi không chỉ là áp lực học hành, mà còn là giai đoạn đối mặt với sự phản đối từ chính những người thân yêu nhất.

Không ít cha mẹ vẫn cho rằng, chỉ những nghề “truyền thống” như bác sĩ, kỹ sư, công chức Nhà nước… mới là con đường dẫn đến cuộc sống ổn định. Trong khi đó, các nghề liên quan đến nghệ thuật hay sáng tạo lại bị nhiều bậc phụ huynh coi là bấp bênh, viển vông, thậm chí không được coi là một nghề thực thụ.

Ngô Bách Khoa (21 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) từng mơ ước trở thành một họa sĩ, song bạn trẻ này lại bị cha mẹ tìm đủ mọi cách để cấm cản, từ bỏ đam mê. Thay vào đó, bố mẹ của Khoa khuyên cậu nên thi khối ngành kinh tế vì “nghề vẽ không nuôi nổi bản thân”. Khoảng cách giữa đam mê cá nhân và kỳ vọng gia đình vô hình trung tạo ra rào cản lớn, khiến nhiều người trẻ rơi vào trạng thái căng thẳng, tổn thương.

Theo các chuyên gia tâm lý, giai đoạn từ 11 đến 15 tuổi là thời điểm trẻ bắt đầu khám phá, nhận diện sở thích, mơ ước và hình thành khái niệm về việc định vị bản thân. Nhiều bạn nhỏ ở lứa tuổi này đã sớm bộc lộ năng khiếu nghệ thuật như thích vẽ truyện tranh, đam mê nhảy múa, sáng tác nhạc, quay video sáng tạo… Tuy nhiên, thay vì được khuyến khích, các bạn lại không ít lần phải nghe những câu như: “Vẽ vời thì để giải trí thôi, lo học đi”; “Học cho giỏi đã, mơ mộng nghề nghệ thuật để làm gì?”; “Con còn nhỏ, biết gì mà chọn nghề”…

Những lời nói tưởng chừng bình thường ấy lại tác động rất sâu sắc đến tâm lý của trẻ. Theo các chuyên gia tâm lý học đường, khi đam mê bị bác bỏ hoặc chế giễu, trẻ dễ rơi vào trạng thái tự nghi ngờ giá trị bản thân, mất động lực học tập, trở nên thu mình, hoặc căng thẳng kéo dài. Với những trẻ có cá tính nhạy cảm, việc bị từ chối ước mơ có thể tạo ra cảm giác bị phản bội từ chính gia đình, nơi đáng ra phải là chỗ dựa an toàn nhất.

Em T.A. (13 tuổi, Hà Nội) từng chia sẻ với chuyên gia tâm lý: “Con thích vẽ truyện tranh và vẽ mỗi ngày. Con muốn lớn lên làm họa sĩ truyện tranh như người Nhật. Nhưng bố mẹ nói đó là nghề linh tinh, không đáng theo đuổi. Giờ con chẳng muốn nói chuyện với ai nữa. Con chỉ vẽ lén trong vở bài tập”. Những tâm sự như thế không hiếm gặp ở lứa tuổi cấp 2, thời điểm trẻ bắt đầu mơ mộng về tương lai nhưng lại dễ bị tổn thương vì chưa đủ khả năng bảo vệ chính kiến.

“Khi cha mẹ không tôn trọng thế giới riêng của con, điều đánh mất không chỉ là một giấc mơ nghề nghiệp, mà còn là sự kết nối cảm xúc, thứ quan trọng nhất để xây dựng lòng tin giữa cha mẹ và con cái. Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, nếu không được hỗ trợ tinh thần đúng cách, nhiều trẻ sẽ chọn cách gác lại đam mê, sống khép kín, hoặc học hành trong tâm thế đối phó, làm vừa lòng người lớn nhưng mất dần cảm hứng với cuộc sống. Đây chính là nền tảng của những rạn nứt tâm lý kéo dài đến tận khi trưởng thành”, TS Nguyễn Thị Hạnh Liên - Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ.

de-tre-toa-sang-theo-cach-rieng-1.png
Các nghề liên quan đến nghệ thuật hay sáng tạo vẫn bị nhiều bậc phụ huynh coi là bấp bênh, viển vông. Ảnh minh họa: ITN.

Nhìn nhận thế mạnh riêng của con

Theo Giáo sư Howard Gardner - nhà tâm lý học nổi tiếng của Đại học Harvard, mỗi đứa trẻ sinh ra đều sở hữu những loại hình trí thông minh khác nhau. Trong học thuyết Đa trí thông minh, ông phân loại ít nhất 8 dạng trí thông minh, gồm: Ngôn ngữ, logic - toán học, không gian (thị giác), vận động, âm nhạc, tương tác xã hội, nội tâm và thiên nhiên. Quan điểm này đã tạo nên bước ngoặt lớn trong giáo dục hiện đại, bởi nó khẳng định rằng không có một khuôn mẫu chung nào cho sự thành công.

Việc trẻ học giỏi toán, viết văn hay vẽ đẹp, chơi nhạc cụ tốt… đều là biểu hiện của những loại trí thông minh khác nhau. Vì vậy, thay vì ép trẻ chạy theo những tiêu chuẩn học tập truyền thống, chỉ đánh giá qua điểm số hay thành tích học thuật, phụ huynh cần nhận ra rằng con mình có thể tỏa sáng theo cách rất riêng.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhiều bậc cha mẹ vẫn chưa quen với tư duy này. Họ dễ gán nhãn trẻ “học dốt” chỉ vì con không giỏi toán hoặc không đạt điểm cao trong các kỳ thi. Trong khi đó, con có thể đang sở hữu trí thông minh về âm nhạc, hội họa hoặc khả năng sáng tạo nội dung. Đây là những yếu tố đang trở thành lợi thế cạnh tranh trong thời đại mới.

“Gia Bảo từ bé đã bộc lộ rất rõ tình yêu với nghệ thuật. Bé mê ca hát, diễn xuất, làm MC từ nhỏ. Tôi nghĩ rằng, nếu con đã có năng khiếu và đam mê, thì cha mẹ nên là người đầu tiên tin tưởng và đồng hành cùng con. Vì vậy, tôi luôn tạo điều kiện cho con trên con đường phát triển nghệ thuật, đến nay cháu đã đạt được một số thành tựu nhỏ. Tôi không kỳ vọng con phải trở thành người nổi tiếng hay đạt được thành công lớn. Điều tôi mong là con được phát triển đúng khả năng và thấy cuộc sống có ý nghĩa. Cha mẹ nào cũng muốn tốt cho con, nhưng ‘tốt’ không có nghĩa là giống nhau. Mỗi đứa trẻ là một thế giới riêng”, chị Kiều Vui cho biết.

Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thị Hòa (38 tuổi, Hà Nội) cũng chia sẻ, con gái chị hiện đang học lớp 9, cô bé bộc lộ rõ rệt niềm đam mê với bộ môn khiêu vũ. Vị phụ huynh này chia sẻ, chị rất phiền lòng vì con không thích học các môn trên lớp như Toán, Văn, Tiếng Anh… Bé học một cách miễn cưỡng, thậm chí là đối phó.

“Một lần, con tâm sự với tôi, con rất đam mê khiêu vũ và mong muốn sẽ được theo đuổi con đường này một cách chuyên nghiệp. Lắng nghe con tâm sự, tôi thống nhất rằng, nếu con thật sự nghiêm túc, tôi sẽ đầu tư cho con đi học khiêu vũ 2 buổi/tuần, với điều kiện con vẫn phải đảm bảo việc học trên lớp. Khác với việc học vì bị ép buộc, tôi quan sát thấy, niềm đam mê thật sự sẽ khiến trẻ kiên trì hơn cả người lớn, đôi khi sẵn sàng hy sinh thời gian chơi hay ngủ để làm xong bài tập trên lớp, để được đi học khiêu vũ. Hay nhiều lần tôi bắt gặp con đang kiên trì ôn lại bài khiêu vũ một mình trong phòng ngủ”, chị Hòa cho biết.

de-tre-toa-sang-theo-cach-rieng-2.jpg
Ảnh minh họa.

Đổi mới tư duy hướng nghiệp

Trong một xã hội đang vận hành với tốc độ chóng mặt như hiện nay, định nghĩa về “nghề nghiệp ổn định” đã không còn giữ nguyên như trước. Những công việc từng được xem là “bền vững” cả đời như kế toán, thẩm định bảo hiểm, nhân viên hành chính… đang dần bị thay thế bởi các phần mềm và trí tuệ nhân tạo. Trong khi đó, những nghề sáng tạo - vốn từng bị coi là “bấp bênh” - lại đang phát triển mạnh mẽ và có sức ảnh hưởng sâu rộng.

Theo PGS.TS Lâm Minh Châu, giảng viên Khoa Nhân học và Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), đã đến lúc các bậc phụ huynh cần thay đổi tư duy về hướng nghiệp cho con em mình trong bối cảnh xã hội và công nghệ không ngừng phát triển. Thay vì chạy theo những “thương hiệu nghề” vốn được xem là truyền thống, cha mẹ nên dành thời gian tìm hiểu kỹ hơn về bản chất thực sự của các ngành nghề trong thời đại số. Nhiều công việc mới ra đời, đặc biệt là trong lĩnh vực sáng tạo và công nghệ, đang mở ra vô vàn cơ hội mà trước đây chưa từng có. Cha mẹ cần nhìn nhận nghề nghiệp không chỉ qua vẻ bề ngoài hay những định kiến cũ kỹ, mà là qua khả năng phát triển bền vững, giá trị mà nghề đó đem lại cho xã hội và bản thân người làm nghề.

“Thay vì áp đặt sự ổn định một cách cứng nhắc, phụ huynh nên học cách tin tưởng vào khả năng thích nghi và sáng tạo của con mình. Trong một thế giới thay đổi nhanh chóng, những kỹ năng như tư duy linh hoạt, đổi mới và phát triển bản thân là yếu tố then chốt giúp con trẻ vượt qua thử thách và thành công. Việc đồng hành, tôn trọng và khích lệ đam mê sẽ tạo nền tảng vững chắc để trẻ phát huy hết tiềm năng, từ đó lựa chọn con đường nghề nghiệp phù hợp và đầy ý nghĩa”, chuyên gia cho biết.

Một bạn trẻ đam mê nhiếp ảnh, sản xuất video hay thiết kế thời trang, nếu được hỗ trợ đúng cách từ sớm, có thể trở thành một freelancer thành công, nhà sáng lập thương hiệu cá nhân, hay thậm chí là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đó. Điều quan trọng không phải nghề nào con chọn, mà là con có đủ đam mê, kỹ năng và sự chuẩn bị để theo đuổi con đường ấy đến cùng hay không. Cha mẹ hôm nay không thể chọn nghề thay con như ngày xưa. Nhưng cha mẹ có thể chọn cách tin tưởng, tạo cơ hội, và đồng hành cùng con, đó mới là nền tảng cho một tương lai bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Liên kết ngoài liên minh

GD&TĐ - Anh và Đức sẽ ký kết một hiệp ước hữu nghị với mục đích, ý nghĩa, nội dung, tác động giống như hiệp ước hợp tác mà Anh và Pháp vừa mới ký kết.