Lời khuyên giúp cha mẹ bận rộn làm bạn với con

GD&TĐ - Bài viết này giúp bạn cân bằng cuộc sống bận rộn để hiểu rõ tâm tư con cái và xích lại gần con hơn.

Cha mẹ của những gia đình có thu nhập tốt thường bận rộn với công việc và không dành nhiều thời gian cho con cái. (Ảnh: ITN).
Cha mẹ của những gia đình có thu nhập tốt thường bận rộn với công việc và không dành nhiều thời gian cho con cái. (Ảnh: ITN).

X. là nhân viên văn phòng chăm chỉ. Cô và chồng đều có thu nhập tốt và cùng nuôi một đứa con. Thông thường, vì hai vợ chồng bận rộn với công việc nên con dành phần lớn thời gian trong các lớp học năng khiếu và luyện thi, gia đình chỉ có cơ hội tiếp xúc với nhau trong những ngày nghỉ.

Tuy nhiên, khi con lớn lên, X. phát hiện ra con ngày càng đắm chìm trong thế giới của điện thoại di động hoặc máy tính. Bất cứ khi nào nhìn thấy bố mẹ, con đều đeo tai nghe, như thể con đang “tàng hình” ngay cả khi mẹ cố gắng nói chuyện với con và muốn quan tâm kết quả học tập ở trường.

Khi nói chuyện với mẹ, con trai luôn trả lời ngắn gọn - “ồ” hoặc “ừm”, điều này khiến X. cảm thấy không thể giao tiếp với con nhưng không biết phải làm gì.

Một ngày nọ, cô vô tình nhìn thấy con trai mình đang trả lời điện thoại của một người bạn, lúc này con thay đổi thái độ và liên tục nói cười.

X. đã rất sốc và buồn bã, cô nói: “Tôi làm việc chăm chỉ vì gia đình này, nhưng tôi không cảm thấy mình được tôn trọng. Những gì tôi nhận được từ con là sự thờ ơ, xa lánh. Cho dù tôi cố gắng ngồi lại để trò chuyện thì cũng sẽ dẫn đến chiến tranh lạnh bởi nhiều vấn đề vụn vặt, tôi và con không đạt được mục tiêu là hiểu rõ nhau và bày tỏ được suy nghĩ nội tâm của nhau".

Trường hợp trên là hiện tượng phổ biến ở nhiều gia đình hiện đại và cũng là khúc dạo đầu cho mối quan hệ cha mẹ - con cái dần xấu đi. Nguyên nhân là bởi cha mẹ và con cái thiếu sự đồng hành và thấu hiểu.

Họ thường chỉ quan tâm cuộc sống của riêng mình. Khi đến thời điểm quan trọng, họ nhận ra rằng họ không hiểu rõ nhau. Khi giao tiếp thất bại, chúng ta dễ cảm thấy bực bội. Đặc biệt khi con cái tỏ ra thiếu tôn trọng, không hiểu hoặc không hợp tác sẽ khiến cha mẹ cảm thấy tức giận, khó chịu.

Dưới đây là lời khuyên để cải thiện mối quan hệ cha mẹ và con cái:

Nâng cao chất lượng thời gian tương tác

2-xung-dot-thuong-nay-sinh-3067.jpg
Xung đột thường nảy sinh khi cả hai bên đều mong muốn đối phương hiểu và lắng nghe mình. (Ảnh: ITN).

Cha mẹ của những gia đình có thu nhập tốt thường bận rộn với công việc và không dành nhiều thời gian cho con cái. Trong khi đó, việc dành thời gian chất lượng cho con cái là rất quan trọng.

Khi hòa hợp với con, bạn có thể chọn những cách giao tiếp có ý nghĩa, tham gia vào các hoạt động của con và hòa mình vào các sở thích, chẳng hạn như bữa tối gia đình, xem phim cùng nhau hoặc hoạt động ngoài trời...

Những điều này giúp củng cố mối quan hệ cha mẹ và con cái đồng thời làm cho thời gian bên nhau trở nên thú vị hơn. Tạo ra nhiều hoạt động ý nghĩa cũng giúp thúc đẩy sự kết nối và giao tiếp thân mật giữa các thành viên trong gia đình.

Tập trung lắng nghe

Xung đột thường nảy sinh khi cả hai bên đều mong muốn đối phương hiểu và lắng nghe mình. Nhưng nếu muốn giao tiếp với con cái hiệu quả hơn, trước tiên cha mẹ nên ngừng thể hiện bản thân và tập trung lắng nghe con cái.

Bằng cách này, bạn không chỉ hiểu rõ hơn suy nghĩ của con mà còn khiến con cảm thấy được tôn trọng, từ đó con sẵn sàng cởi mở và chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc của mình.

Thái độ lắng nghe tích cực giúp xây dựng niềm tin và kết nối cảm xúc giữa cha mẹ và con cái, đồng thời nâng cao hiệu quả và chất lượng giao tiếp.

Tăng cường kỹ năng giao tiếp

Sự khác biệt về giá trị, quan niệm, sở thích, phong cách giao tiếp giữa cha mẹ và con cái có thể khiến việc giao tiếp trở nên khó khăn. Lúc này, điều quan trọng là bạn phải tích cực lắng nghe, bày tỏ cảm xúc và nhu cầu của mình một cách rõ ràng, tránh đổ lỗi và chỉ trích.

Kỹ năng trò chuyện và thái độ tôn trọng không gian cũng như sở thích cá nhân của nhau là điều thiết yếu.

Đưa ra lời động viên và phản hồi tích cực

Sự khuyến khích, phản hồi tích cực rất quan trọng đối với sự phát triển và lòng tự trọng của trẻ. Khi trẻ có những hành vi hoặc nỗ lực tích cực, hãy khen ngợi và khẳng định rõ ràng, kịp thời.

Khi trẻ gặp thử thách, khó khăn, hãy thể hiện sự tin tưởng và thấu hiểu một cách chắc chắn nhưng nhẹ nhàng. Khi khen ngợi trẻ, bạn cũng nên chú ý đưa ra những phản hồi cụ thể.

So với những lời khen chung chung, những lời khen cụ thể giúp trẻ dễ dàng hiểu được điểm mạnh, thành tích của bản thân và thực sự cảm nhận được sự động viên của cha mẹ.

Theo bloomingcenter.tw

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

HLV Park Hang Seo đánh giá cao Công Phượng ở giải hạng Nhất.

HLV Park Hang Seo khen Công Phượng

GD&TĐ - HLV Park Hang Seo ngạc nhiên khi thấy Công Phượng chơi bóng ở giải hạng Nhất song vẫn đánh cao chân sút gốc Nghệ.

NGƯT Vũ Thị Tố Loan (thứ 3 từ trái sang) cùng học sinh đạt giải Triển vọng Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2022 - 2023.

'Thắp sáng' câu chuyện quá khứ

GD&TĐ - Cô giáo Điện Biên hết lòng lan tỏa tình yêu lịch sử dân tộc tới các thế hệ học sinh được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba...

Học sinh Hà Nội biểu diễn nghệ thuật chào mừng ngày giải phóng Thủ đô. Ảnh minh họa ITN.

Vở kịch đặc biệt

GD&TĐ - Vào tiết sinh hoạt của tuần trước, khi cô giáo chưa bước vào, lớp trưởng Linh lên bục giảng và thông báo thông tin quan trọng.