Mang lại nhiều hậu quả
Trái ngược với tình trạng không ít thanh thiếu niên mắc chứng nghiện sử dụng điện thoại thông minh, nhiều HS tại Trường trung học San Lorenzo tại California (Mỹ) cho biết, họ không có thời gian dành cho việc sử dụng thiết bị công nghệ này. Những người học này chia sẻ, kể từ năm ngoái, điện thoại của họ đã bị khóa trong một chiếc túi suốt từ 8 giờ sáng cho đến khi tan học vào lúc 15 giờ 10 phút mỗi ngày.
Được sử dụng để ngăn chặn người hâm mộ ghi hình trong những buổi hòa nhạc hoặc hài kịch, hay cập nhật thông tin lên mạng xã hội ở những buổi biểu diễn riêng tư, túi có khóa để cất điện thoại là vật dụng được hàng nghìn trường học ở khắp các nơi như Mỹ, Canada và châu Âu yêu cầu HS sử dụng. Theo các nhà lãnh đạo trường học, để có thể giúp người học chú tâm vào những gì được viết trên bảng, thay vì mải mê sử dụng điện thoại, việc bỏ điện thoại vào túi có khóa trong giờ học được cho là một biện pháp hữu hiệu.
“Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy sự gia tăng của tình trạng lo lắng, căng thẳng và thậm chí là tự tử ở thanh thiếu niên. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những thiết bị công nghệ có thể mang lại nhiều hậu quả cho người dùng, không chỉ riêng bản thân các thiết bị đó, mà còn ở cả khía cạnh truyền thông xã hội”, bà Allison Silvesti, Hiệu trưởng tại San Lorenzo (Italy) nhận định.
Hầu hết mọi người cho rằng, việc sử dụng điện thoại thông minh ở trẻ em và người lớn đang trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Vừa qua, một nghiên cứu do Trung tâm nghiên cứu Pew thực hiện cho thấy, có tới 95% thanh thiếu niên có thể sử dụng điện thoại, trong khi 45% người cho biết, họ sử dụng thiết bị này với tần suất liên tục.
“Việc được sở hữu một chiếc điện thoại thông minh là điều gần như phổ biến ở các thanh thiếu niên, không kể tới sự khác biệt giới tính, chủng tộc, sắc tộc và nền kinh tế xã hội”, báo cáo này cho biết.
Các chuyên gia trên thế giới đều có chung quan điểm rằng, việc sử dụng điện thoại thông minh trong các lớp học có xu hướng mang lại tác động tiêu cực. Giáo sư Jean Twenge thuộc Trường Đại học bang San Diego (Mỹ) phát hiện ra rằng, sự gia tăng trong số người sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội đang tỷ lệ thuận với số thanh thiếu niên có cảm giác rằng bản thân họ vô dụng, cảm thấy mọi thứ sụp đổ và mất đi niềm tin vào cuộc sống.
…Nhưng cũng là công cụ giáo dục tuyệt vời
Bởi những ảnh hưởng nghiêm trọng mà điện thoại thông minh mang lại, tại Australia, chính quyền bang New South Wales đã khuyến nghị quốc gia này cân nhắc kỹ lưỡng về “rủi ro với lợi ích” của người dùng khi sử dụng thiết bị này trong trường, lớp. Không chỉ riêng Australia, Pháp cũng ban hành lệnh cấm sử dụng điện thoại di động trong khuôn viên trường học, trong khi không ít nhà lãnh đạo Anh kêu gọi một lệnh cấm tương tự vào tháng 6 năm ngoái.
Tuy nhiên, không ít người cho rằng, công cụ đang bị coi là một loại vũ khí dẫn đến sự xáo trộn và gây ảnh hưởng đến cách nuôi dạy con cái ở một số nơi này, thực chất lại là một phương tiện giảng dạy hiệu quả ở nhiều nơi khác.
Tại thành phố Montreal (Canada), các nhà GD đang thử nghiệm nhiều phương pháp khác nhau, nhằm kết hợp điện thoại thông minh vào học tập ở cả trong và ngoài lớp học theo những cách mới lạ và sáng tạo. Để phục vụ cho cuộc thử nghiệm, các nhà nghiên cứu, giáo viên nghệ thuật tại các trường trung học và khoảng 300 HS tại đây đã sử dụng mạng xã hội Instagram như một mạng “riêng tư, khép kín - nơi chỉ có giáo viên và người học có thể truy cập”.
Theo đó, các giáo viên sẽ đăng một số hình ảnh hay còn được gọi là gợi ý trực quan mang tên “Nhiệm vụ” và yêu cầu người học phải tự tìm hiểu, khám phá các chủ đề liên quan đến hình ảnh đó. Ví dụ, HS sẽ phải tìm hiểu về “bản thân”, “trường học” hay “môi trường xung quanh”. Sau đó, các em sẽ trả lời giáo viên thông qua một bức ảnh trên điện thoại thông minh.
“Những gì mà chúng tôi đang được trải nghiệm hoàn toàn phù hợp với nghiên cứu trước đó: Việc chia sẻ với nhau từ những quan điểm và địa điểm đã nâng cao mong muốn của người học trong việc được kết nối, gắn bó với ngôi trường, cũng như ý thức của họ về sự tham gia vào việc học”, bà Ehsan Akbari, một tiến sĩ tại Khoa Giáo dục Nghệ thuật, thuộc Trường Đại học Concordia chia sẻ.
Cũng theo nữ tiến sĩ này, thông qua việc chia sẻ hình ảnh của chính mình, người học đã tạo ra một mạng lưới học tập nơi các em có thể hỗ trợ lẫn nhau. Từ đó, người học có thể dạy và học hỏi lẫn nhau bằng cách chụp và chia sẻ hình ảnh trực tuyến.
Kết quả từ những thí nghiệm về việc sử dụng điện thoại thông minh ở Montreal được coi là một gợi ý cho những giải pháp nếu muốn đạt được sự cân bằng trong cuộc sống khi sử dụng thiết bị công nghệ này. Tuy nhiên, theo Giáo sư Jean Twenge, biết cách hạn chế sử dụng điện thoại chính là chìa khóa mang lại nhiều lợi ích. Điều này cũng có thể phần nào lý giải lý do mà bà Twenge không hoàn toàn phản đối điện thoại thông minh.