Lời cảnh báo từ đèo Bảo Lộc

GD&TĐ - Đến trưa 31/7, lực lượng cứu hộ tìm được thi thể của nạn nhân cuối cùng trong số 4 người tử nạn sau vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) sáng 30/7.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Cho mãi đến trưa 31/7, lực lượng cứu hộ mới tìm được thi thể của nạn nhân cuối cùng trong số 4 người tử nạn sau vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) sáng 30/7. Họ gồm 3 cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng cảnh sát giao thông và một người dân.

Họ đang làm nhiệm vụ hướng dẫn, phân luồng các loại phương tiện qua lại đèo Bảo Lộc khi vùng núi này mưa lớn mấy ngày trước đó đã xuất hiện những điểm sạt lở gây nguy hiểm cho khách qua lại.

Thật xui rủi, một trong những điểm sạt lở ấy lại xuất hiện ngay tại điểm chốt của cảnh sát giao thông khu vực này. Để tài sản khỏi bị đất vùi lấp, cuốn trôi xuống vực, các anh cảnh sát giao thông của chốt đã khuân dọn đồ đạc đi chỗ khác nhưng hàng nghìn khối đất đá và bùn đất nhão nhoét đã đổ ập xuống, vùi luôn những ai có mặt trong trạm cảnh sát giao thông này.

Trước đó, nước lũ cũng đã làm trôi một xe ô tô 45 chỗ chở học sinh đi tham quan ngang qua đây. Rất may là nhờ hệ thống hộ lan đã giữ chiếc xe này lại, không cuốn xuống vực.

Chưa rơi vào thời điểm trung tâm của mùa mưa lũ nhưng liên tiếp những ngày qua, sạt lở xảy ra ở rất nhiều nơi. Thậm chí, điểm sạt lở xuất hiện ngay tại những chỗ tưởng chừng nền đất đã ổn định sau nhiều năm con đường đã được mở rộng, cỏ cây đã mọc um tùm ở các bờ ta luy dương - nơi đã được khoét sâu để mở rộng đường đèo.

Cảm giác an toàn khi nhìn những nơi khoét núi để mở rộng đường, nền đất đã “ổn định” đã khiến không ít người chủ quan. Sau nhiều tháng nắng hạn, đất ở những vách núi bị san ủi ấy trở nên khô khốc. Chỉ cần vài trận mưa lớn, sau khi đã hút nước no bụng rồi, đất bắt đầu nhão ra.

Đặc điểm của các vách núi vùng miền Trung - Tây Nguyên là đất đá xen lẫn chứ không phải nền đá liền mạch như vùng Tây Bắc. Vì vậy, sự gắn kết địa chất ở đây rất lỏng lẻo, chỉ cần một điểm trong kết cấu bị nước luồn vào là sẽ bị phá vỡ từng mảng ngay.

Cả một ngọn núi với hàng vạn mét khối đổ ập xuống, lấp hết nền đường, thậm chí xóa sổ luôn cả một quãng đường vài trăm mét là điều vẫn thường xảy ra ở những tuyến đường vùng cao. Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Bắc Tây Nguyên - nơi có dãy Trường Sơn chắn ngang là một ví dụ. Cứ sau mỗi mùa mưa là xuất hiện nhiều điểm nghẽn do sạt lở núi.

Điều ngạc nhiên là, không ít lán trại của công nhân, các chốt kiểm lâm, thậm chí chốt cảnh sát giao thông, người ta xây dựng ngay dưới chân các vách núi đã được đào khoét để mở đường.

Nhiều vụ sạt lở núi vùi lấp cả một lán trại, cuốn phăng hàng chục người xuống vực sâu đã từng xảy ra như vụ lở núi ở huyện vùng cao Sơn Tây - Quảng Ngãi năm 1999 làm hàng chục người chết.

Nhiều người nghĩ rằng, chỉ đến khi vào chính mùa mưa bão thì việc lở núi mới xuất hiện nên khi ấy, người ở các lán trại, các chốt kiểm lâm mới di chuyển đến nơi an toàn mà quên rằng, ngay đầu mùa mưa vẫn bị sạt lở như thường. Trạm chốt của cảnh sát giao thông ở Bảo Lộc là một ví dụ.

Để tránh các trường hợp tương tự, tốt nhất là, khi thấy mưa to, người ở các lán trại, các chốt kiểm lâm hay chốt cảnh sát giao thông ở những vị trí dễ sạt lở, thậm chí ở những nơi có vẻ chắc chắn cũng phải di dời.

Hoặc là ở các vách núi mà có công trình nhà ở bên dưới thì phải bê tông kiên cố chứ không nên tin tưởng vào nền địa chất có vẻ như đã ổn định để rồi phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.