Loài sinh vật nào bị súng bắn không chết?

GD&TĐ - Tardigrades, những con gấu nước mũm mĩm, nổi tiếng là cứng rắn tới mức có thể sống sót sau khi bị bắn.

Loài sinh vật nào bị súng bắn không chết?

Nhưng liệu những sinh vật bất tử này có thể sống sau khi bị súng bắn? Nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng câu trả lời là có.

Những sinh vật tí hon, dài khoảng 0,04 inch (1 milimet) này nổi tiếng với bản chất không thể bị phá hủy của chúng. Những con quái vật cứng rắn này có thể chịu được áp suất gấp 6 lần áp suất ở phần sâu nhất của đại dương, lượng bức xạ cực lớn và thậm chí cả môi trường chân không của không gian vũ trụ.

Trong nghiên cứu mới, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Kent, Vương quốc Anh đã quyết định kiểm tra xem gấu nước có thể sống sót sau các tác động tốc độ cao hay không.

Để làm được điều này, họ cho gấu nước ăn và sau đó đóng băng các sinh vật vào chế độ ngủ đông, trong đó sự trao đổi chất của chúng giảm xuống 0,1% so với bình thường.

Sau đó, các nhà nghiên cứu bắn chúng, ở các tốc độ khác nhau, từ “súng hơi hạng nhẹ hai giai đoạn” có chức năng bắn các vật thể ở tốc độ cao hơn một khẩu súng thông thường. Họ phát hiện ra rằng gấu nước có thể sống sót sau tác động gần 900 mét/giây, dẫn đến áp suất khoảng 1,14 gigapascal khi va chạm. Tuy nhiên, chúng sẽ chết ở áp suất và tốc độ va chạm cao hơn.

Từ đó, nhóm nghiên cứu suy đoán gấu nước chắc chắn không thể sống sót sau va chạm với một hành tinh nếu bám vào thiên thạch, bởi va chạm thường xảy ra ở tốc độ cao hơn sức chịu đựng của chúng.

Thậm chí, các mẫu gấu nước sống sót sau các tác động ở tốc độ thấp và trung bình cũng mất nhiều thời gian hơn để hồi phục so với các mẫu đối chứng (chỉ được cho ngủ đông và hồi sinh). “Điều này cho thấy rằng, chúng cần phải vượt qua một mức độ thiệt hại bên trong tối thiểu”, các tác giả đã viết.

Không rõ liệu những con gấu nước còn sống sau thí nghiệm có thể sinh sản hay không và các tác giả cũng lưu ý rằng, việc thử nghiệm xem liệu những quả trứng gấu nước có thể sống sót sau khi bắn ra khỏi súng để phát triển sau này hay không cũng là một “lĩnh vực nghiên cứu đáng quan tâm”.

Nghiên cứu có ý nghĩa đối với một lý thuyết được gọi là panspermia, cho rằng sự sống có thể đã di chuyển giữa các thế giới trên các thiên thạch sau khi được phóng ra từ các tiểu hành tinh đâm vào các hành tinh hoặc Mặt trăng.

Nghiên cứu này cho thấy rằng, lý thuyết panspermia rất khó để trở nên khả thi nhưng cũng không hoàn toàn bất khả thi, các tác giả nói với Science.

Các nhà nghiên cứu cho biết, khoảng 40% đá và mảnh vỡ rơi ra từ các vụ va chạm của tiểu hành tinh trên hành tinh của chúng ta sẽ va vào Mặt trăng ở tốc độ đủ thấp để gấu nước có thể sống sót.

Một tỷ lệ tương tự có thể sống sót sau cuộc hành trình từ sao Hỏa đến Mặt trăng Phobos của nó. Tất nhiên, những phát hiện này chỉ áp dụng cho gấu nước; Các dạng sống khác, chẳng hạn như vi khuẩn, có thể tồn tại ở tốc độ va chạm cao hơn, theo Science.

Nghiên cứu cũng có thể có ý nghĩa trong việc phát hiện sự sống trên các hành tinh khác. Các tàu vũ trụ đi qua gần vùng băng giá phun hơi như Mặt trăng Europa của sao Mộc và Mặt trăng Enceladus của sao Thổ có thể thu thập các dạng sống tiềm năng - với độ cứng tương tự như gấu nước từ các chùm phun ra, mà không giết chúng.

Theo Livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ