Trong quá trình chỉ đạo triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2006 và Chương trình GDPT 2018, Bộ GD&ĐT đã ban hành hệ thống văn bản pháp lý để hướng dẫn về kiểm tra, đánh giá học sinh.
Việc này được triển khai ở các cấp học phổ thông, điều chỉnh theo từng giai đoạn, trên cơ sở tiếp thu thành tựu khoa học về đo lường, đánh giá; học tập kinh nghiệm triển khai kiểm tra, đánh giá của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới; có tính đến yếu tố phù hợp với thực tiễn giáo dục Việt Nam, theo đúng quy định của Luật Giáo dục.
Các văn bản hiện hành quy định về đánh giá học sinh, Bộ GD&ĐT đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của đánh giá thường xuyên. Đây là hoạt động đánh giá kết quả rèn luyện, học tập của học sinh diễn ra trong quá trình dạy học. Từ đó, cung cấp thông tin phản hồi để cả thầy và trò kịp thời điều chỉnh việc giảng dạy, học tập; hỗ trợ, thúc đẩy sự tiến bộ của học sinh; xác nhận kết quả đạt được của người học trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ rèn luyện, học tập.
Điểm mới đáng chú ý trong hoạt động này là chuyển kiểm tra, đánh giá theo hướng “đóng” (đòi hỏi học sinh nắm vững kiến thức sách vở, chỉ quan tâm đến kiến thức sách giáo khoa…), sang hướng “mở” (quan tâm đánh giá năng lực). Điều này tạo cơ hội cho người học được bày tỏ chính kiến, quan điểm, tình cảm và thái độ của mình trước những vấn đề trong học tập, cuộc sống.
Ở trung học, Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT, sau đó là Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT giống như “đòn bẩy” để giáo viên mạnh dạn thực hiện đa dạng các hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên: Hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập.
Cách kiểm tra, đánh giá truyền thống, gọi học sinh lên bảng trả bài trước mỗi tiết học để lấy điểm dần được thay thế bằng hình thức khác hiệu quả hơn. Thầy cô chịu khó đầu tư, sáng tạo để tổ chức được các hình thức đánh giá mới này hiểu rằng, cách làm truyền thống chỉ đơn thuần kiểm tra kiến thức, học sinh có thể học vẹt; không giúp nhiều cho phát triển năng lực, nhưng lại khiến mỗi giờ học trở nên căng thẳng, áp lực.
Tất nhiên, chưa phải tất cả giáo viên đã triển khai, hoặc áp dụng hiệu quả đánh giá thường xuyên theo yêu cầu đổi mới. Thực tế cho thấy còn nhiều sức ì trong đổi mới kiểm tra, đánh giá; mà nguyên nhân chính là tâm lý ngại thay đổi, không chịu khó đầu tư cho bài giảng.
Cùng đó, các hình thức kiểm tra, đánh giá bằng bài thực hành, thí nghiệm, dự án học tập còn hạn chế; kiểm tra đánh giá thường xuyên bằng nhận xét còn qua loa, chưa thực hiện đúng tinh thần đánh giá ngay trong quá trình dạy học, vì sự tiến bộ của học sinh.
Triển khai Chương trình GDPT 2018, Bộ GD&ĐT đã xây dựng và tổ chức tập huấn giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục với 54 mô-đun; trong đó mô-đun 3 về bồi dưỡng về kiểm tra, đánh giá được triển khai tập huấn đại trà trên toàn quốc từ năm 2020.
Bộ GD&ĐT cũng có văn bản hướng dẫn thực hiện việc kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học theo Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là thực thi ở mỗi nhà trường, từng giáo viên. Chỉ khi nào thầy cô nhận thức đúng đắn về đổi mới kiểm tra, đánh giá; đầu tư nghiêm túc, hoạt động này mới trở thành lực đẩy nâng cao chất lượng dạy học.