Lo ngại tái diễn mua bán giấy khám sức khỏe tràn lan với lái xe

GD&TĐ - Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có quy định tài xế phải có sức khoẻ phù hợp với từng phương tiện họ cầm lái.

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đề xuất quy định người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải có sức khỏe phù hợp với từng loại phương tiện. (Ảnh minh họa)
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đề xuất quy định người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải có sức khỏe phù hợp với từng loại phương tiện. (Ảnh minh họa)

Sức khoẻ phù hợp với từng loại phương tiện

Tại Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất quy định người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải có sức khỏe phù hợp với từng loại phương tiện được phép điều khiển.

Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe, xây dựng cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe của người lái xe.

Trong thời gian tới, nếu quy định này được thông qua, không chỉ riêng lái xe ô tô kinh doanh vận tải phải khám sức khoẻ định kỳ mà còn áp dụng với cả người lái xe mô tô, xe gắn máy, xe ô tô cá nhân.

Hiện nay, yêu cầu về giấy khám sức khoẻ của người lái xe mô tô, xe gắn máy được sử dụng trong việc thi giấy phép lái xe (GPLX) hoặc khi đổi lên hạng GPLX.

Đồng ý rằng việc quy định khám sức khoẻ định kỳ cho tất cả người lái xe giúp đảm bảo người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đủ sức khoẻ, góp phần bảo đảm TTATGT là cần thiết. Nhưng để đưa vào triển khai trong thực tế là không hề đơn giản.

Theo các chuyên gia về giao thông thì hiện tại chỉ quy định GPLX ô tô có thời hạn.

Nếu hết thời hạn, người dân có nhu cầu lái xe tiếp phải thi lại (với trường hợp hết hạn từ 3 tháng trở lên) và kiểm tra lại sức khoẻ để nộp giấy khám sức khoẻ làm điều kiện để được thi sát hạch cấp lại GPLX.

Lái xe ô tô kinh doanh vận tải sẽ phải thực hiện kiểm tra sức khoẻ định kỳ theo quy định tại Nghị định 10/2020 và Thông tư liên tịch số 24 giữa Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải.

Cụ thể, người sử dụng lái xe ô tô có trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe định kỳ và thực hiện đầy đủ các quyền lợi của người lao động (gồm cả lái xe, nhân viên phục vụ trên xe), do đó, có cơ sở để giám sát việc thực thi.

Điều khó khả thi là đối với xe gắn máy, xe mô tô giống như các nước trên thế giới, hiện nay tại Việt Nam cũng không quy định thời hạn GPLX. Do đó, nếu quy định kiểm tra sức khoẻ định kỳ với người lái xe gắn máy, xe mô tô sẽ tạo ra độ vênh giữa các quy định.

“Trường hợp bắt buộc phải thực hiện, cần tính toán cách triển khai thế nào, bao lâu thì khám một lần, khám xong đưa kết quả về đâu, sử dụng kết quả đó nhằm mục đích gì”, luật sư Bùi Quang Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích.

Có nên áp dụng với người lái xe gắn máy, mô tô?

Theo ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, hiện nay, GPLX đối với người lái xe mô tô không quy định thời hạn nên cũng không cần thiết phải đưa quy định kiểm tra sức khoẻ định kỳ với đối tượng này vào luật.

Ông Tạo cho rằng, điều này có thể gây phiền hà cho người dân, thay vì đề xuất trên, có thể tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu được nếu sức khoẻ không đảm bảo để lái xe thì không nên điều khiển phương tiện.

Báo chí từng phản ánh rất nhiều về tình trạng mua bán giấy khám sức khoẻ. Chỉ với 200 nghìn đồng dễ dàng có được loại giấy này mà không phải đến cơ sở y tế thăm khám.

“Nếu quy định ban hành không giải được bài toán kiểm soát, giám sát thế nào về việc khám sức khoẻ của người lái xe mô tô, xe gắn máy, không thuyết phục được người dân về ý nghĩa, hiệu quả mang lại thì có thể sẽ nảy, sinh tái diễn tình trạng mua bán giấy khám sức khoẻ tràn lan khiến việc thu thập dữ liệu sức khoẻ người lái xe không chính xác lại tốn kém thêm chi phí cho người dân”, chuyên gia này nhìn nhận.

Theo thống kê có khoảng 45,5 triệu xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành, nếu mỗi xe do một người lái xe điều khiển, số tiền chi phí giấy khám sức khoẻ mỗi lần cho tất cả đối tượng này thấp nhất có thể lên đến 9,1 nghìn tỉ đồng.

Quản lý chặt chẽ việc khám sức khoẻ

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của sức khỏe trong đảm bảo an toàn khi lái xe, luật sư Trần Hậu, Công ty luật FDVN cho hay, theo thông tư liên tịch của Bộ Y tế và Bộ GTVT thì tiêu chuẩn sức khỏe lái xe gồm: Người mắc bệnh thần kinh, bệnh về mắt, tai mũi họng, hô hấp, xương khớp, có tiền sử hôn mê đái tháo đường trong vòng 1 tháng, người mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp không được phép lái ô tô. Hay người sử dụng thuốc, chất có cồn, ma túy và các chất thần kinh khác cũng không đủ điều kiện lái ô tô.

Quy định đã có, thế nhưng thực tế, từ khâu kiểm tra ban đầu để làm hồ sơ thi giấy phép lái xe đến việc kiểm tra sức khỏe định kỳ còn xảy ra tình trạng mua bán, làm giả giấy khám sức khỏe. Chủ xe còn lơ là trong việc quản lý sức khỏe của lái xe.

Luật sư Trần Hậu cho rằng, để công tác khám sức khỏe lái xe đạt kết quả tích cực, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành liên quan và địa phương. Các bộ, ngành, sở y tế cũng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở khám sức khỏe, thiết lập đoàn kiểm định đối với những cơ sở đủ điều kiện và không đủ điều kiện khám sức khỏe cho lái xe.

Với doanh nghiệp sử dụng người lao động là tài xế lái xe, các cơ quan cũng nên tăng cường kiểm tra đột xuất trong vấn đề tổ chức khám sức khỏe định kỳ, đảm bảo tiêu chuẩn cho tài xế lái xe.

“Chúng ta cần xử lý nghiêm các trường hợp làm giả giấy khám sức khỏe, cố tình làm trái quy định trong việc khám và cấp giấy khám sức khỏe cho lái xe.

Đặc biệt, người lái xe trước hết phải ý thức rõ ràng những mối nguy hiểm tiềm tàng này, từ đó chú ý chăm lo, thăm khám sức khỏe bản thân. Làm nghề tài xế là phải chấp nhận đầu tư, trong đó đầu tư về sức khỏe là mối quan tâm cần được đặt lên hàng đầu”, luật sư Trần Hậu nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tập luyện để Duy trì phong độ tốtmẫu chai lọ mỹ phẩm đẹp IFREEĐịa chỉ thi bằng lái xe máy giá rẻ