Giải pháp nào để sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp là vấn đề mà Khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông (CNTT&TT), Trường Đại học Cần Thơ đã và đang tập trung thực hiện.
Trao “cần câu” cho sinh viên
Buổi tọa đàm với chủ đề “Nâng cao kỹ năng mềm cho sinh viên” do Khoa CNTT&TT, Trường ĐH Cần Thơ vừa tổ chức mới đây là sự kiện thu hút hàng trăm sinh viên trong và ngoài trường tham dự.
Sinh viên Đàm Minh Thông, ngành Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Cần Thơ, chia sẻ: “Để thuyết phục người đối diện, em cần phải có cách giao tiếp như thế nào, ngay cả khi chê bai người khác?”. Còn Nguyễn Thị Hồng Nguyên, sinh viên Khoa Kinh tế, Trường ĐH Cần Thơ cũng có câu hỏi: “Trong quá trình phỏng vấn, ứng viên cần chuẩn bị gì?”.
Sinh viên Trần Ngọc Mơ, ngành CNTT, thắc mắc: “Sau khi ra trường, được công ty tuyển dụng, trong thời gian training (thời gian thử việc hoặc khóa đào tạo ngắn hạn của công ty), em cần trang bị kỹ năng gì và có được nhận lương hay không?”. Rất nhiều câu hỏi của sinh viên đặt ra như: Nếu lớn tuổi thì công ty có tuyển dụng không, lương thu nhập và vị trí, cơ hội thăng tiến; phương pháp học tiếng Anh tốt, cách rèn luyện kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm… khiến không khí hội trường lớn khu II, Trường ĐH Cần Thơ “nóng” hẳn lên.
Theo ông Lê Minh Thắng - Trưởng phòng thiết kế frontend 2, Công ty TNHH Thiết kế Renesas Việt Nam: Để có cơ hội làm việc tại công ty, ngoài chuyên môn, nhà tuyển dụng cần người lao động sự đam mê nghề nghiệp, có mục tiêu rõ ràng trong định hướng tương lai.
Khi tham gia phỏng vấn, cách viết hồ sơ xin việc phải bật lên thế mạnh của mình để nhà tuyển dụng “để mắt”, rồi đến ăn mặc, giao tiếp… Quan trọng là sự thành thật của người lao động thể hiện trong hồ sơ xin việc. Nếu đã từng đi làm, người lao động không nên thổi phồng mức lương đã làm ở công ty trước đó, bởi khi nhà tuyển dụng biết được sẽ dễ bị loại.
Ông Thắng nói thêm: “Quá trình training nhằm giúp người lao động tiếp cận môi trường làm việc, văn hóa công ty. Đồng thời đánh giá xem chuyên môn của người lao động có đáp ứng nhu cầu đơn vị để gắn bó lâu dài”.
Còn ông Lê Chí Hoàng - Giám đốc phát triển gia công phần mềm, Công ty TNHH IVS, chia sẻ: Cách giao tiếp thuyết phục, kể cả chê bai người đối diện thì việc khen - chê như “ăn bánh mì sandwich”. Bạn hãy bắt đầu lời khen trước và xen vào đó những câu nói góp ý nhẹ nhàng, đúng chỗ sai, khiến người được góp ý chấp nhận.
Đối với câu hỏi băn khoăn về tuổi tác, đại diện các doanh cho rằng: “Gừng càng già, càng cay”. Tuổi cao, người lao động vẫn có lợi thế kinh nghiệm, cẩn trọng hơn trong công việc, cộng với sự đam mê nghề nghiệp sẽ giúp người lao động thành công”.
Quy định thời gian buổi tọa đàm khoảng 1 giờ nhưng với nhiều ý kiến sôi nổi của sinh viên làm chương trình kéo dài đến gần 2 giờ.
Nguyễn Anh Vũ, sinh viên ngành CNTT khóa 40, Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: “Buổi tọa đàm rất hữu ích, giúp tôi và các bạn biết được nhu cầu tuyển dụng của người lao động, từ đó cố gắng nỗ lực học tập, rèn luyện kỹ năng “mềm” tốt hơn. Chúng tôi hiểu hơn về hoạt động của từng công ty, nhu cầu tuyển dụng nhân sự (đơn vị thì cần nhân sự chịu được áp lực cao trong công việc hay giỏi về ngoại ngữ; hoặc làm việc nhóm tốt)”.
Còn sinh viên Nguyễn Việt Thảo Nguyên, ngành Hệ thống thông tin khóa 40, nói: “Qua 4 lần tham gia, mỗi đợt giúp tôi học hỏi, có thêm kinh nghiệm, bổ sung thêm kiến thức mới, kỹ năng mềm… vào hành trang của mình trên bước đường lập thân, lập nghiệp sau này”.
Giữ vững liên kết nhà trường - doanh nghiệp
Khoa CNTT&TT, Trường ĐH Cần Thơ là một trong 7 khoa CNTT trọng điểm của Việt Nam. Hiện nay, khoa có 77 giảng viên (trong đó có 4 PGS, 23 Tiến sĩ), với quy mô khoảng 2.500 sinh viên đại học và 125 học viên cao học. Hằng năm, khoa có khoảng 400 sinh viên đại học tốt nghiệp ra trường.
Qua thống kê của khoa, số sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp chiếm trên 90%. Để có được kết quả này, thời gian qua, Khoa CNTT&TT luôn chú trọng hợp tác với các đối tác công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT&TT.
Từ năm 2013 đến nay, hằng năm, khoa tổ chức thường niên 2 sự kiện: Khám phá tri thức CNTT vào tháng 12 và Ngày hội việc làm CNTT vào tháng 4. Năm nay, khoa có 5 công ty đến tham dự sự kiện, qua đó tạo cơ hội để doanh nghiệp chia sẻ thông tin, kiến thức về lĩnh vực CNTT&TT cho sinh viên, giảng viên, góp phần tạo động lực nâng cao chất lượng dạy và học.
Theo PGS.TS Trần Cao Đệ - Trưởng khoa Khoa CNTT&TT: Trường ĐH Cần Thơ có vai trò nòng cốt trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho ĐBSCL và khu vực phía Nam. Khoa đang nỗ lực xây dựng chất lượng đào tạo theo các chuẩn mực của các trường đại học tiên tiến và tuân thủ các tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục trong khu vực và thế giới.
Các năm qua, khoa đã thực hiện tự kiểm định các chương trình đào tạo theo chuẩn AUN. Khoa đã thực hiện tự kiểm định một chương trình theo chuẩn ABET và đang tiếp tục quy trình thực hiện kiểm định ngoài chương trình này.