Liên quan đến việc chấm sáng kiến tại Ninh Thuận: Ngành Giáo dục Phan Rang – Tháp Chàm được lợi gì? Bài 2: Ai hưởng lợi?

GD&TĐ - Theo Điểm b Khoản 1, Điều 72 Luật Giáo Dục 2019, chuẩn trình độ Nhà giáo phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, THCS, THPT.

Danh sách cán bộ quản lý, giáo viên tham gia tổ xét, công nhận sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng (Kèm theo Quyết định số 60/QĐ-PGDĐT, ngày 8/4/2021 của Phòng GD&ĐT thành phố Phan Rang - Tháp Chàm).
Danh sách cán bộ quản lý, giáo viên tham gia tổ xét, công nhận sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng (Kèm theo Quyết định số 60/QĐ-PGDĐT, ngày 8/4/2021 của Phòng GD&ĐT thành phố Phan Rang - Tháp Chàm).

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Sáng kiến được chấm như thế nào?

Điều 9, Thông tư 21/2020/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ 1/10/2020) nêu: Việc tổ chức, thành lập Hội đồng sáng kiến thực hiện theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN ngày 1/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ hướng dẫn thi hành một số quy định của Điều lệ sáng kiến được ban hành theo Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 2/3/2012 của Chính phủ.

Hội đồng sáng kiến cơ sở do thủ trưởng cơ quan, đơn vị có tư cách pháp nhân quyết định thành lập, có chức năng tư vấn cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị ban hành quyết định công nhận sáng kiến cấp cơ sở, làm căn cứ đánh giá công chức, viên chức và xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng hằng năm.

Cụ thể, theo Điều 8 Thông tư 18/2013/TT-BKHCN thì việc tổ chức, thành lập Hội đồng sáng kiến được thực hiện như sau: Hội đồng sáng kiến gồm có Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng, Ủy viên thư ký, các chuyên gia hoặc những người có trình độ chuyên môn về lĩnh vực có liên quan đến nội dung sáng kiến, đại diện của tổ chức công đoàn nơi tác giả là công đoàn viên (nếu có) và các thành phần khác theo quyết định của người đứng đầu cơ sở xét công nhận sáng kiến.

Hội đồng sáng kiến có nhiệm vụ tổ chức đánh giá một cách khách quan, trung thực giải pháp được yêu cầu công nhận sáng kiến theo các điều kiện quy định tại Điều 3 và Điều 4 và lập báo cáo đánh giá, trong đó phản ánh đầy đủ ý kiến của các thành viên, kết quả biểu quyết của Hội đồng. Quyết định của Hội đồng được thông qua theo nguyên tắc biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín với ít nhất 2/3 ý kiến đồng ý của các thành viên Hội đồng.

Có thể thấy, việc thành lập Hội đồng chấm sáng kiến là chặt chẽ với tiêu chí rất rõ ràng rằng ban giám khảo là phải bảo đảm trình độ chuyên môn đúng lĩnh vực liên quan đến nội dung của sáng kiến.

Tuy vậy, theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, thành viên Hội đồng chấm sáng kiến “Một số kinh nghiệm sử dụng câu lệnh điều kiện trong lập trình Pascal lớp 8” lại có trình độ chuyên môn không phải là Tin học!? 

Cụ thể, trong Danh sách cán bộ quản lý, giáo viên tham gia tổ xét, công nhận sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng (Kèm theo Quyết định số 60/QĐ-PGDĐT, ngày 8/4/2021 của Phòng GD&ĐT thành phố Phan Rang - Tháp Chàm), phân công ông Nguyễn Quang Dũng (Chuyên viên phụ trách kế hoạch của Phòng GD&ĐT thành phố Phan Rang – Tháp Chàm) và ông Nguyễn Phi Hùng (Chuyên viên phụ trách tài chính Phòng GD&ĐT Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) chấm lĩnh vực Toán, Tin, Công nghệ thông tin.

Về trình độ chuyên môn của hai vị giám khảo này, trả lời Báo GD&TĐ, một chuyên viên của Phòng GD&ĐT thành phố Phan Rang – Tháp Chàm khẳng định 2 vị giám khảo trên mới chỉ có chứng chỉ Tin học.

Để kiểm chứng chuyên môn (Tin học) của tác giả sáng kiến “Một số kinh nghiệm sử dụng câu lệnh điều kiện trong lập trình Pascal lớp 8”, chúng tôi đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Minh Trang – Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong, TP Phan Rang – Tháp Chàm.

Khi hỏi về trình độ chuyên môn của cán bộ do mình quản lý, bà Trang đáp: “Em muốn hỏi bằng cấp thì lên trực tiếp Phòng giáo dục hỏi vì họ nắm bằng cấp của giáo viên hết, sao lại phải xuống trường hỏi”.

Đưa vấn đề này hỏi lại vị chuyên viên Phòng GD&ĐT thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, thì được giải thích rằng: Phòng chỉ phân giáo viên về trường, còn việc hiệu trưởng phân nhiệm vụ, công tác giảng dạy cho giáo viên thế nào là quyền của hiệu trưởng. Nhưng phải bảo đảm nguyên tắc đúng chuyên môn, chuyên ngành được học.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tác giả của sáng kiến “Một số kinh nghiệm sử dụng câu lệnh điều kiện trong lập trình Pascal lớp 8” có chuyên môn chính là môn Hoá học. Ông này cũng chỉ có Chứng chỉ Tin học và có qua lớp bồi dưỡng của Bộ GD&ĐT.

Trả lời về chuẩn trình độ của thành viên Hội đồng chấm sáng kiến, một cán bộ của Phòng nghiệp vụ dạy - học,  Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận cho biết: Về nguyên tắc và quy định, một giáo viên muốn dạy môn Tin học cấp THCS phải có bằng cao đẳng hoặc đại học chuyên ngành. Còn với thành viên Hội đồng chấm sáng kiến thì phải có bằng cấp chuyên ngành mới đủ điều kiện ngồi chấm.

Soi chiếu theo những quy định của pháp luật và thực tế đã diễn ra tại địa phương, liệu việc xét và công nhận “đạt” đối với sáng kiến “Một số kinh nghiệm sử dụng câu lệnh điều kiện trong lập trình             Pascal lớp 8” có thỏa đáng?

Vì lợi ích chung?

Để trở thành thành viên của Hội đồng chấm sáng kiến thì cần phải “có trình độ chuyên môn về lĩnh vực có liên quan đến nội dung sáng kiến”. Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, người chấm và người viết sáng kiến đều chỉ có chứng chỉ tin học. Trình độ chuyên môn như vậy liệu có bảo đảm tính khoa học, khách quan và chất lượng của sáng kiến? Trong trường hợp này, ngành Giáo dục - Đào tạo của địa phương hưởng lợi hay chỉ cá nhân ai đó?

Ngay sau khi đề tài “Một số kinh nghiệm sử dụng câu lệnh điều kiện trong lập trình Pascal lớp 8” với nhiều “điểm mờ” (từ tiêu chí, tính ứng dụng vào thực tế của sáng kiến, đến hội đồng chấm, trình độ người viết sáng kiến) được công nhận “đạt”, Báo GD&TĐ đã lên tiếng.

Điều đáng nói, ngay sau khi Báo có bài phản ánh về việc sáng kiến trên  không mang tính thực tiễn và phù hợp với tinh thần đổi mới của ngành Giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Công văn số 2231/SGDĐT (ngày 17/9/2021) về việc chuyển đổi ngôn ngữ lập trình môn tin học cấp THCS, THPT năm học 2021 - 2022 và các năm tiếp theo.

Công văn 2231 (do Phó Giám đốc Sở Nguyễn Anh Linh ký) khẳng định: Ngôn ngữ Pascal là ngôn ngữ lập trình sơ khai, nay đã khá lạc hậu vì nặng về lý thuyết, thiếu tính ứng dụng, gây quá tải cho việc dạy và học.

Sở GD&ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục chỉ đạo tổ chuyên môn, giáo viên chuyển đổi ngôn ngữ lập trình để dạy học môn Tin học lớp 8 và Tin học lớp 11 như sau:

“Tin học 8: Sử dụng ngôn ngữ lập trình Scratch hoặc Python. Khuyến khích sử dụng ngôn ngữ lập trình Scratch để tăng bảo đảm tính trực quan, phù hợp lứa tuổi học sinh THCS. Tin học 11: Sử dụng ngôn ngữ lập trình Python hoặc C, C++. Khuyến khích sử dụng ngôn ngữ lập trình Python (đây là ngôn ngữ lập trình dễ học, có tính ứng dụng cao, có tính kế thừa khi học sinh vào đại học thuộc các trường đại học khối kỹ thuật và kinh tế)” - Công văn 2231 hướng dẫn nói rõ.

Có thể hiểu, công văn này đặt dấu chấm hết cho việc giảng dạy ngôn ngữ lập trình Pascal ở Ninh Thuận và thể hiện tầm nhìn của những người lãnh đạo ngành Giáo dục địa phương trong tổng thể mục tiêu, định hướng phát triển chung của giáo dục nước nhà. Không còn “đất” để áp dụng, triển khai để từ đó đúc kết ra những điểm hay điểm mạnh và hữu ích của sáng kiến, thì thử hỏi “Một số kinh nghiệm sử dụng câu lệnh điều kiện trong lập trình Pascal lớp 8” có được áp dụng vào thực tiễn hay không?

Có xứng đáng là sáng kiến “đạt” không? Bởi tiêu chí để được công nhận theo quy định trong Quyết định số 117/QĐ-SGDĐT ngày 2/3/2016 của Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận, ở Điểm b, mục 2, của Điều 3 (Chương II) có quy định: b) Sáng kiến, đề tài NCKH SPƯD phải có tính khả thi, tiêu biểu, phạm vi ảnh hưởng rộng với những giải pháp hữu ích có giá trị thực tiễn trong cơ quan, ngành GD-ĐT của tỉnh hoặc toàn quốc.

Câu hỏi đặt ra là liệu người viết và xét công nhận “Một số kinh nghiệm sử dụng câu lệnh điều kiện trong lập trình Pascal lớp 8” là sáng kiến “đạt” có nghĩ đến tương lai, lợi ích mà ngành giáo dục địa phương được hưởng từ sáng kiến trên hay bỏ qua cho nhau, công nhận bất chấp các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy định, tầm nhìn?

Liệu trong việc xét công nhận “đạt” đối với sáng kiến nói trên có gì khuất tất khiến Phòng GD&ĐT thành phố Phan Rang – Tháp Chàm im lặng trước tất cả những lời đề nghị cung cấp thông tin và làm việc trực tiếp của Báo GD&TĐ?

Sáng kiến thui chột không lâu sau khi được công nhận thì ai được hưởng lợi?

Chắc hẳn, chỉ có những ai có trách nhiệm, tâm huyết và tận tâm với sự nghiệp giáo dục của thành phố Phan Rang - Tháp Chàm mới có thể đưa ra đầy đủ câu trả lời cho những câu hỏi trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ