Ngôn ngữ lập trình Pascal: Bài 4: Ninh Thuận: Không dạy Pascal cho học sinh lớp 8

GD&TĐ - Sở GD&ĐT Ninh Thuận đã ban hành công văn gửi phòng GD&ĐT các huyện, thành phố; các đơn vị thuộc sở, các cơ sở giáo dục về việc chuyển đổi ngôn ngữ lập trình môn Tin học cấp THCS, THPT năm học 2021 - 2022

Triển khai trên toàn tỉnh

Công văn 223l/SGDĐT-NVDH - ban hành ngày 17/9/2021, do Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Thuận Nguyễn Anh Linh ký - nêu rõ, theo sách giáo khoa hiện hành, môn Tin học lớp 8 và lớp 11 sử dụng ngôn ngữ lập trình Pascal để minh họa. Tuy nhiên, Pascal là ngôn ngữ lập trình sơ khai, nay đã khá lạc hậu vì nặng về lý thuyết, thiếu tính ứng dụng, gây quá tải cho việc dạy và học.

Hiện, có một số ngôn ngữ lập trình như: Scratch, Python, C, C++… dễ học, trực quan, thông dụng, thu hút học sinh mà vẫn đảm bảo được mục đích và yêu cầu cần đạt của chương trình. Sở GD&ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục chỉ đạo tổ chuyên môn, giáo viên chuyển đổi ngôn ngữ lập trình để dạy học môn Tin học lớp 8 và lớp 11.

Theo đó, với môn Tin học lớp 8: Sử dụng ngôn ngữ lập trình Scratch hoặc Python. Khuyến khích sử dụng ngôn ngữ lập trình Scratch để tăng đảm bảo tính trực quan, phù hợp lứa tuổi học sinh THCS. Tin học lớp 11: Sử dụng ngôn ngữ lập trình Python hoặc C, C++.

Khuyến khích sử dụng ngôn ngữ lập trình Python. Đây là ngôn ngữ lập trình dễ học, có tính ứng dụng cao, có tính kế thừa khi học sinh vào đại học thuộc các trường đại học khối kỹ thuật và kinh tế. Sở GD&ĐT Ninh Thuận đề nghị thủ trưởng các đơn vị thuộc sở, trưởng phòng GD&ĐT chỉ đạo triển khai thực hiện nội dung công văn trên.

Ngay sau khi Sở GD&ĐT Ninh Thuận phát hành công văn trên, các phòng GD&ĐT đã triển khai, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện, trong đó có Phòng GD&ĐT TP Phan Rang - Tháp Chàm.

Cụ thể, ngày 18/9, phòng đã gửi Công văn số 486/PGDĐT-GDTrH đến hiệu trưởng các trường THCS, TH&THCS về việc thực hiện chuyển đổi ngôn ngữ lập trình môn Tin học lớp 8 kể từ năm học 2021 - 2022. Theo đó, Phòng GD&ĐT TP Phan Rang - Tháp Chàm đề nghị các trường trực thuộc chỉ đạo tổ chuyên môn, giáo viên thực hiện chuyển đổi ngôn ngữ lập trình để dạy học môn Tin học lớp 8 kể từ năm học 2021 - 2022.

Cụ thể: Sử dụng ngôn ngữ lập trình Scratch hoặc Python thay cho ngôn ngữ lập trình Pascal; trong đó khuyến khích sử dụng ngôn ngữ lập trình Scratch để đảm bảo tính trực quan, phù hợp lứa tuổi học sinh THCS.

Trước thông tin trên, nhiều cơ sở giáo dục và giáo viên bộ môn Tin học đồng tình hưởng ứng và hoan nghênh sự chỉ đạo kịp thời của Sở GD&ĐT và Phòng GD&ĐT TP Phan Rang – Tháp Chàm.

Việc Sở GD&ĐT và phòng GD&ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục chỉ đạo tổ chuyên môn, giáo viên chuyển đổi ngôn ngữ lập trình Pascal thành ngôn ngữ lập trình khác để dạy học môn Tin học lớp 8 và lớp 11 là phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ thông tin; đặc biệt là phù hợp với hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chờ hồi âm

Loạt bài do Báo GD&TĐ đăng tải trong thời gian gần đây về “ngôn ngữ lập trình Pascal”.
Loạt bài do Báo GD&TĐ đăng tải trong thời gian gần đây về “ngôn ngữ lập trình Pascal”.

Trước sự phản hồi tích cực, phù hợp với chỉ đạo, chương trình và xu hướng chung của Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận, dư luận đặt vấn đề: Trong năm học 2020 - 2021, sáng kiến “Một số kinh nghiệm sử dụng câu lệnh điều kiện trong lập trình Pascal lớp 8”, đã được Hội đồng xét duyệt sáng kiến của thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, công nhận chấm ĐẠT liệu có lãng phí và có phát huy hiệu quả để ứng dụng vào thực tiễn? Sáng kiến này được xét, công nhận tại Quyết định số 1970/QĐ-HĐSK ngày 7/6/2021 – thời điểm đã kết thúc năm học ở tất cả các cấp học.

Đến ngày 17/6/2021, Báo GD&TĐ (số 144) có đăng bài: “Ninh Thuận: Sáng kiến kinh nghiệm viết về nội dung được tinh giản…!” trong đó có đề cập đến sáng kiến “Một số kinh nghiệm sử dụng câu lệnh điều kiện trong lập trình Pascal” (sau đây gọi là sáng kiến).

Sau đó, Báo GD&TĐ nhận được kiến nghị của ông Lê Văn Huyên, giáo viên Trường THCS Lê Hồng Phong (TP Phan Ranh – Tháp Chàm) nhận mình là tác giả của sáng kiến trên và cho rằng bài viết chưa đúng sự thật; đồng thời yêu cầu Báo xin lỗi cá nhân ông và đơn vị liên quan.

Với tinh thần cầu thị, Báo GD&TĐ đã 2 lần gửi công văn đề nghị Phòng GD&ĐT TP Phan Rang - Tháp Chàm (sau đây gọi là Phòng) cung cấp một số nội dung để phối hợp làm rõ kiến nghị của ông Huyên.

Trong Công văn số 483/GDTĐ, Báo GD&TĐ có đề nghị Phòng cung cấp 5 nội dung, trong đó có việc xác nhận tác giả của sáng kiến; Nội dung của sáng kiến; Quy định xét duyệt, căn cứ pháp lý công nhận sáng kiến đối với giáo viên THCS, trong đó có bộ môn Tin học và sáng kiến của ông Lê Văn Huyên; Quy định, văn bản hướng dẫn về việc thành lập Hội đồng xét duyệt sáng kiến, bao gồm: Tiêu chí, tiêu chuẩn về trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của các thành viên trong Hội đồng xét duyệt sáng kiến; Hướng dẫn của Sở GD&ĐT về việc điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS môn Tin học – lớp 8.

Tuy nhiên, Công văn số 359/PGDĐT-CV ngày 18/8/2021 do bà Trần Thị Hường – Trưởng phòng GD&ĐT TP Phan Rang - Tháp Chàm ký, ngoài việc khẳng định ông Lê Văn Huyên là tác giả và sáng kiến trên không nằm trong phần tinh giản và phù hợp với phân phối chương trình tại Công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH ngày 27/8/2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đã không cung cấp thông tin đúng như nội dung mà Báo GD&TĐ  nêu trong Công văn 483/GDTĐ.

Sau khi đăng tải nội dung hồi đáp của Phòng GD&ĐT TP Phan Rang – Tháp Chàm, ngày 10/9, Báo GD&TĐ tiếp tục gửi công văn đến Phòng đề nghị cung cấp những nội dung còn thiếu. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Báo vẫn chưa nhận được phản hồi của Phòng.

Liên quan đến vấn đề này, Báo GD&TĐ trong các số báo ra ngày 17 và 21/9 cũng đã đăng tải ý kiến của nhiều chuyên gia, giáo viên dạy Tin học. Các ý kiến cho rằng, Pascal là ngôn ngữ lập trình bậc thấp, đã “đóng băng” 10 năm nay.

Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ không còn dạy ngôn ngữ lập trình này. Vì thế, không đáng để giáo viên phải làm sáng kiến kinh nghiệm về ngôn ngữ lập trình Pascal.

Còn nếu giáo viên vẫn làm sáng kiến liên quan đến ngôn ngữ lập trình này, và vẫn được Hội đồng giám khảo chấm ĐẠT thì cũng cần xem lại, có thể người chấm cũng thiếu cập nhật thông tin.

Báo GD&TĐ, mong tiếp tục nhận được sự hợp tác của Phòng GD&ĐT TP Phan Rang - Tháp Chàm và làm rõ những vấn đề mà Báo đã kiến nghị để có cơ sở phúc đáp bạn đọc.

Với 4 năm tham gia vào Hội đồng khoa học của Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội - nhìn nhận: Sáng kiến kinh nghiệm trong dạy và học phải đáp ứng các yếu tố: Đúc kết kinh nghiệm hay trong quá trình dạy học. Nội dung sáng kiến cần mới mẻ, sáng tạo và trở thành bài học kinh nghiệm để đồng nghiệp có thể học tập, vận dụng vào thực tiễn giảng dạy của mình.
Trong năm học 2020 - 2021, nếu giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm liên quan đến ngôn ngữ lập trình Pascal lớp 8, nhưng năm học 2021 - 2022 ngành Giáo dục địa phương đó không triển khai dạy ngôn ngữ lập trình này cho học sinh, thì rất khó để được công nhận là sáng kiến kinh nghiệm, vì không bảo đảm yếu tố thời sự và giá trị thực tiễn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.
Joshua Zirkzee đang nằm trong kế hoạch mua sắm của Arsenal.

Arsenal nhắm tiền đạo của Bayern Munich

GD&TĐ - Theo Mirror, Arsenal muốn mời tiền đạo ngôi sao của Bologna - Joshua Zirkzee một bản hợp đồng đến năm 2029, với mức lương hàng năm là 5 triệu Bảng.