Liên quan đến việc chấm sáng kiến tại Ninh Thuận: Ngành Giáo dục Phan Rang – Tháp Chàm được lợi gì?

GD&TĐ - “Sáng kiến” và “kinh nghiệm” là hai từ khác biệt trong Từ điển tiếng Việt. Quy định của ngành Giáo dục Ninh Thuận về chấm sáng kiến cũng nêu rõ những tiêu chí để “sáng kiến” được xét, công nhận.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

LTS: Báo GD&TĐ (số 144, ra ngày 17/6/2021) có bài: “Ninh Thuận: Sáng kiến kinh nghiệm viết về nội dung được tinh giản…!?” trong đó có đề cập đến sáng kiến “Một số kinh nghiệm sử dụng câu lệnh điều kiện trong lập trình Pascal lớp 8” không phù hợp với xu hướng và chương trình của Bộ GD&ĐT.

Sau đó, Báo nhận được kiến nghị của ông Lê Văn Huyên – giáo viên Trường THCS Lê Hồng Phong, TP Phan Rang – Tháp Chàm. Ông Huyên nhận mình là tác giả của sáng kiến trên và cho rằng nội dung bài báo nói trên là “bịa đặt, vu khống, phỉ báng, xúc phạm danh dự tập thể, cá nhân, vì người viết bài này không hiểu gì về chuyên môn nghiệp vụ”; đồng thời kiến nghị: Báo GD&TĐ cần thẩm định, kiểm tra tính xác thực nội dung bài báo; xác minh, xử lý phóng viên theo quy định của pháp luật; đính chính nội dung bài viết.

Tiếp nhận đơn của ông Huyên, Báo GD&TĐ đã tiến hành xác minh và đề nghị Phòng GD&ĐT thành phố Phan Rang - Tháp Chàm – đơn vị chấm “đạt” sáng kiến “Một số kinh nghiệm sử dụng câu lệnh điều kiện trong lập trình Pascal lớp 8” - cung cấp thông tin liên quan đến việc chấm sáng kiến trên. Nhận thấy nội dung mà Phòng GD&ĐT TP Phan Rang – Tháp Chàm hồi đáp không đúng với đề nghị, Báo GD&TĐ - qua các kênh thông tin (trên mặt báo, công văn, liên lạc điện thoại…) và gần nhất là Công văn số 1011/GDTĐ (ngày 27/12/2021) – nhiều lần đề đạt mong muốn được tiếp cận thông tin và làm việc trực tiếp với Phòng GD&ĐT TP Phan Rang – Tháp Chàm. Tuy nhiên đến nay, chúng tôi vẫn không nhận được sự phản hồi. 

Với mong muốn làm sáng tỏ những câu hỏi liên quan đến sáng kiến “Một số kinh nghiệm sử dụng câu lệnh điều kiện trong lập trình Pascal lớp 8”, Báo GD&TĐ đăng tải loạt bài viết xung quanh việc chấm và công nhận sáng kiến trên để có cái nhìn khách quan, đa chiều cũng như góp thêm một tiếng nói cho việc nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.

Bài 1: Nhầm lẫn khái niệm?

Quy định của ngành Giáo dục Ninh Thuận về chấm sáng kiến cũng nêu rõ những tiêu chí để “sáng kiến” được xét, công nhận. Tuy vậy, đề tài “Một số kinh nghiệm sử dụng câu lệnh điều kiện trong lập trình Pascal lớp 8” vẫn được công nhận là “sáng kiến”. Phải chăng ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Phan Rang - Tháp Chàm có tiêu chí riêng?

“Sáng kiến” không phải là “kinh nghiệm”

Theo Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - Giáo sư Hoàng Phê chủ biên - tái bản năm 2019), “kinh nghiệm” là sự hiểu biết do đã từng trải công việc, đã thấy được kết quả khiến cho có thể phát huy được mặt tốt và khắc phục được mặt chưa tốt. Có thực hành mới có kinh nghiệm.

Còn “sáng kiến” là ý kiến mới, có tác dụng làm cho công việc tiến hành tốt hơn (Sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Phát huy sáng kiến…). Hiểu rộng ra, “sáng kiến” là thay đổi một cái gì đó đã cũ, lỗi thời và không còn phù hợp với thực tế và đưa ra một ý tưởng mới tốt hơn, phù hợp hơn với hiện tại.

Theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi năm 2013: Sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận…

Đặc biệt, quy định tại Nghị định 13/2012/NĐ-CP cũng nêu rõ: Sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp, hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (gọi chung là giải pháp), được cơ sở công nhận nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: Có tính mới trong phạm vi cơ sở đó; Đã được áp dụng hoặc áp dụng thử tại cơ sở đó và có khả năng mang lại lợi ích thiết thực;

Và để việc thực hiện và viết sáng kiến trong ngành được đảm bảo tính đúng đắn, hiệu quả, Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận cũng đã ban hành Quy định xét, công nhận sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng cấp cơ sở trong ngành GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận thông qua Quyết định 117/QĐ-SGDĐT ngày 2/3/2016.

Tại Quyết định 117, Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận hướng dẫn và định nghĩa rõ khái niệm của sáng kiến. Theo đó, sáng kiến phải là những sản phẩm trí tuệ mang tính sáng tạo và có tính mới của cá nhân hoặc tập thể (đồng tác giả), có giải pháp hữu ích, mang lại hiệu quả thiết thực trong quá trình áp dụng góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả trong công tác quản lý và dạy học (Điều 2).

Đặc biệt, tại Điều 3, Chương II của Quyết định 117, Quy định cụ thể về công nhận sáng kiến: Sáng kiến được công nhận phải có tính mới trong phạm vi cơ quan, ngành GD-ĐT trên toàn tỉnh hoặc toàn quốc.

Lần đầu được áp dụng, không trùng về nội dung với các sáng kiến, đề tài đã được công nhận trước đó. Sáng kiến phải mang lại lợi ích nhiều hơn so với khi chưa áp dụng sáng kiến, đề tài. Biện pháp cải tiến phải cụ thể và đã tác động đến đối tượng mang lại làm tăng hiệu quả, chất lượng và năng suất công tác.

Tiêu chí 1, Khoản 1, Điều 5 của Quyết định 117 cũng nêu: Về tên đề tài của Sáng kiến: Đề tài được xác định rõ ràng, tính mới, sáng tạo, đáp ứng kịp thời những vấn đề có tính chất thời sự và lâu dài của ngành.

Xét trên quy định này thì chỉ cần đề cập đến tên gọi “Một số kinh nghiệm sử dụng câu lệnh điều kiện trong lập trình Pascal lớp 8” đã có thể thấy đề tài này không đáp ứng được tất cả các tiêu chí. Cụ thể, với tiêu chí “rõ ràng” thì từ “một số” là không xác định số lượng cụ thể, tức là không rõ ràng.

Từ “kinh nghiệm” không thể hiện “tính mới, sáng tạo” (“kinh nghiệm” hình thành trong quá trình tác nghiệp, lặp đi lặp lại và được đúc kết). Riêng tiêu chí “đáp ứng kịp thời những vấn đề có tính chất thời sự và lâu dài của ngành”, là hoàn toàn không có. (Xem ở phần sau).

Rõ ràng về mặt ngữ nghĩa, “sáng kiến” không phải là “kinh nghiệm”. Trong chỉ đạo, điều hành, Sở GD&ĐT Ninh Thuận cũng đưa ra những quy định và hướng dẫn rất rõ ràng, minh bạch liên quan đến việc viết, xét và chấm sáng kiến.

Vậy nhưng không hiểu vì lí do gì, Hội đồng sáng kiến cấp cơ sở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm vẫn xét, công nhận “đạt” với đề tài “Một số kinh nghiệm sử dụng câu lệnh điều kiện trong lập trình Pascal lớp 8”?

Có phù hợp?

Vì sao dư luận đặt câu hỏi về tính đúng đắn của sáng kiến “Một số kinh nghiệm sử dụng câu lệnh điều kiện trong lập trình Pascal lớp 8” mà không phải là những sáng kiến khác trong số 95 sáng kiến cấp cơ sở thành phố Phan Rang – Tháp Chàm của ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố năm học 2020 - 2021?

Lý do duy nhất là sáng kiến trên không mang tính mới, hữu ích và nội dung không còn phù hợp trong bối cảnh toàn ngành đang thực hiện đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy.

Theo PGS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), để thực hiện lộ trình đổi mới toàn diện chương trình giáo dục phổ thông, năm 2011, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 5842/BGDĐT-VP về hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông.

Theo công văn này, căn cứ kết quả các đợt rà soát, đánh giá định kỳ về chương trình, sách giáo khoa của các môn học, hoạt động giáo dục phổ thông và đề xuất của các sở GD&ĐT, sau khi chỉnh sửa qua tiếp thu ý kiến góp ý của các tập thể, cá nhân, Bộ GD&ĐT ban hành tài liệu “Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học” các môn học để dạy và học phù hợp với chuẩn kiến thức, kĩ năng, phù hợp với thời lượng dạy học và điều kiện thực tế các nhà trường.

“Việc điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng cắt giảm các nội dung quá khó, trùng lặp, chưa thật sự cần thiết với học sinh; các câu hỏi, bài tập đòi hỏi phải khai thác quá sâu kiến thức lí thuyết, để giáo viên, học sinh dành thời gian cho các nội dung khác, tạo thêm điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông. Theo đó, nội dung liên quan đến kỹ thuật chuyên sâu về ngôn ngữ Pascal đã được giảm tải” - PGS.TS Nguyễn Xuân Thành khẳng định.

Và để cho chương trình học ngày một tinh gọn và tiếp cận với các khung chương trình chuẩn, giúp học sinh sớm tiếp cận với những đổi mới của Chương trình GDPT mới 2018 thì ngôn ngữ lập trình Pascal đã không còn giảng dạy mà thay vào đó là ngôn ngữ lập trình Scratch hoặc Python.

PGS.TS Hồ Sĩ Đàm – Chủ biên Chương trình môn Tin học năm 2018 - cho biết, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Tin học là một trong những môn học có rất nhiều đổi mới và được trải rộng từ cấp tiểu học đến THPT.

Môn này được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Với những đổi mới triệt để, Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Tin học sẽ không còn dạy ngôn ngữ lập trình Pascal.

“Khi xây dựng chương trình môn Tin học, nhóm biên soạn đã đọc nhiều tài liệu và nghiên cứu kỹ chương trình của Anh và Mỹ. Đây là hai nước có nhiều đổi mới trong chương trình giáo dục phổ thông, trong đó có môn Tin học.

Chương trình môn Tin học, các tiêu chí lựa chọn ngôn ngữ lập trình rất mở, giáo viên và tác giả viết sách giáo khoa có thể lựa chọn ngôn ngữ lập trình phù hợp, nhưng phải đáp ứng một số tiêu chí cơ bản: Đang phát triển, được cộng đồng lớn người lập trình trong và ngoài nước ưa thích; Được lựa chọn để phát triển phần mềm; Dễ hiểu, dễ học, thích hợp với việc dạy và học lập trình ở trường phổ thông và cả ở bậc đại học…

Tuy nhiên, ngôn ngữ lập trình Pascal đã “đóng băng” 10 năm nay, không còn phát triển. Vì thế, môn Tin học trong Chương trình giáo dục phổ thông mới đã không còn sử dụng ngôn ngữ này, vì nó không đáp ứng được các tiêu chí nêu trên” - PGS.TS Hồ Sĩ Đàm nhấn mạnh.

Trở lại với Tiêu chí 1, Khoản 1, Điều 5 của Quyết định 117 của Sở GD&ĐT Ninh Thuận theo đó, sáng kiến phải: “Đáp ứng kịp thời những vấn đề có tính chất thời sự và lâu dài của ngành”, thì thử hỏi một đề tài đề cập tới nội dung “đã đóng băng 10 năm nay” có đáp ứng những vấn đề có tính chất thời sự và lâu dài của ngành Giáo dục?

Câu hỏi này xin gửi những người có trách nhiệm ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ