Ngôn ngữ lập trình Pascal: Bài 2: Không đáng để làm sáng kiến kinh nghiệm

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, Pascal là ngôn ngữ lập trình bậc thấp và đã “đóng băng” 10 năm nay. Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ không còn dạy ngôn ngữ lập trình này.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vì thế, ngôn ngữ lập trình Pascal không đáng để giáo viên phải làm sáng kiến kinh nghiệm.

Không dạy Pascal trong Chương trình GDPT mới

PGS.TS Hồ  Sĩ  Đàm – Chủ biên Chương trình môn Tin học năm 2018 cho biết, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Tin học là một trong những môn học có rất nhiều đổi mới và được trải rộng từ cấp tiểu học đến THPT. Môn này được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).

PGS.TS Hồ Sĩ Đàm cho hay, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Tin học sẽ không còn dạy ngôn ngữ lập trình Pascal. Khi xây chương trình môn Tin học, nhóm biên soạn đã đọc nhiều tài liệu và nghiên cứu kỹ chương trình của Anh và Mỹ. Đây là hai nước có nhiều đổi mới trong chương trình giáo dục phổ thông, trong đó có môn Tin học.

Cũng theo PGS.TS Hồ Sĩ Đàm, khi xây dựng chương trình môn Tin học, các tiêu chí lựa chọn ngôn ngữ lập trình rất mở.

Theo đó, giáo viên và tác giả viết sách giáo khoa có thể lựa chọn ngôn ngữ lập trình phù hợp, nhưng phải đáp ứng một số tiêu chí cơ bản: Đang phát triển, được cộng đồng lớn người lập trình trong và ngoài nước ưa thích; Được lựa chọn để phát triển phần mềm; Dễ hiểu, dễ học, thích hợp với việc dạy và học lập trình ở trường phổ thông và cả ở bậc đại học..

“Tuy nhiên, ngôn ngữ lập trình Pascal đã “đóng băng” 10 năm nay, không còn phát triển. Vì thế, môn Tin học trong Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ không còn sử dụng ngôn ngữ này, vì nó không đáp ứng được các tiêu chí nêu trên”,  PGS.TS Hồ Sĩ Đàm nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Hà Nam – Viện Toán cao cấp (Bộ GD&ĐT), hiện vẫn còn nhiều giáo viên, trường THCS dạy học sinh về ngôn ngữ lập trình Pascal. Tuy nhiên, xu thế hiện nay sẽ không sử dụng ngôn ngữ lập trình này nữa, vì nó đã quá cũ. Ngay như trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, ngôn ngữ lập trình Pascal sẽ không được khuyến khích dạy cho học sinh THCS.

PGS.TS Nguyễn Hà Nam viện dẫn: Gần đây, có nhiều ngôn ngữ lập trình mới, dễ sử dụng hơn. Thực tế, đã có nhiều trường, nhiều giáo viên thay ngôn ngữ Pascal bằng DevC++.

Ngay tại công văn hướng dẫn, Bộ GD&ĐT cũng lưu ý: Để minh họa cho phần Lập trình cơ bản (lớp 8), trong sách giáo khoa đã sử dụng ngôn ngữ lập trình Pascal là ngôn ngữ lập trình có cấu trúc, các câu lệnh có ngữ nghĩa gần với tiếng Anh thông thường.

Tùy điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, giáo viên có thể lựa chọn bất kỳ ngôn ngữ bậc cao nào khác để minh họa cho các cấu trúc lập trình cơ bản.

Không đáng để làm sáng kiến

Trong quá trình tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên, PGS.TS Hồ Sĩ Đàm đã nhiều lần giải thích cho giáo viên về việc vì sao không sử dụng ngôn ngữ lập trình Pascal trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. 

“Với tốc độ phát triển như hiện nay, sử dụng ngôn ngữ lập trình Pascal sẽ khó cài đặt, vì bây giờ hệ điều hành mới, trong khi đó Pascal đã quá cũ” - PGS.TS Nguyễn Hà Nam nói, đồng thời cho rằng, nếu giáo viên làm sáng kiến kinh nghiệm về nội dung này là lãng phí và không thuyết phục, vì không còn tính thời sự.

Chủ đề này chỉ thích hợp để làm sáng kiến kinh nghiệm cách đây 20 năm. Ở thời điểm đó, ngôn ngữ lập trình Pascal được thịnh hành.

Nhấn mạnh, ngôn ngữ lập trình Pascal là ngôn ngữ bậc thấp, ThS Trương Vĩnh Bình – Phó Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Quản lý Giáo dục cho rằng, nếu giáo viên làm sáng kiến ở cấp tiểu học thì phù hợp hơn, vì học sinh tiểu học chủ yếu rèn kỹ năng tư duy, logic.

Còn ở bậc THCS, cụ thể là lớp 8: Nếu giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm về chủ đề này thì không có yếu tố mới và sáng tạo, nên rất khó “ăn điểm”. Còn nếu làm cho có thì có thể miễn cưỡng thông qua.

Đặt vấn đề, trong năm học 2020 - 2021 có giáo viên vẫn viết sáng kiến kinh nghiệm về sử dụng câu lệnh điều kiện trong lập trình Pascal, PGS.TS Hồ Sĩ Đàm nêu quan điểm: Cái đó là quá cũ và không đáng phải làm. Còn nếu sáng kiến này mà chấm đạt giải thì cũng cần xem lại, có thể người chấm cũng thiếu cập nhật thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ