Liên kết với doanh nghiệp để tạo nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên

Không chỉ liên kết với doanh nghiệp (DN) để các em sinh viên tìm việc làm sau khi đã tốt nghiệp mà liên kết ngay từ trong chương trình giảng dạy để trang bị kỹ năng thực hành cho sinh viên, đang là một trong những yêu cầu thực tiễn hiện nay của nền giáo dục đại học (ĐH).

Trang bị kỹ năng thực hành cho sinh viên. Ảnh: VGP/Thanh Thủy
Trang bị kỹ năng thực hành cho sinh viên. Ảnh: VGP/Thanh Thủy
Trước yêu cầu mới về nguồn nhân lực của xã hội, đó là người lao động phải đáp ứng được những kỹ năng và kiến thức cơ bản lẫn tư duy sáng tạo; khả năng thích nghi với các yêu cầu của công việc luôn thay đổi và đặc biệt là có những kiến thức tích hợp đã đặt ra những thách thức rất lớn cho các trường ĐH, CĐ (nơi trực tiếp đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chủ yếu và có trình độ cao cho xã hội).

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng ĐH Nguyễn Tất Thành, trước đây, các trường ĐH chủ yếu tập trung vào những chương trình kết nối giữa các trường với DN trong những “Ngày hội tìm việc làm” hay các sự kiện tuyển dụng của một vài DN để giới thiệu tìm việc làm cho các em sinh viên (SV) mới tốt nghiệp. Tuy nhiên, đó chỉ là một giải pháp mang tính tạm thời và không căn cơ, lâu dài.

Để giải quyết tận gốc của vấn đề, nhà trường phải tìm hiểu đúng, chính xác xu hướng và nhu cầu của thị trường để xây dựng cho mình một chiến lược đúng đắn trong quá trình đào tạo, nghiên cứu và khởi nghiệp cho SV. Có như vậy mới trang bị cho SV những kiến thức, kỹ năng sát với nhu cầu mà thị trường lao động là các DN đang cần.

Theo đó, khi các trường tự chịu trách nhiệm về đầu vào thì việc đào tạo dựa trên nhu cầu của thị trường phải được xem là yếu tố then chốt trong quá trình định hướng phương pháp giảng dạy, nghiên cứu của trường mình. Tức là, cần chú trọng đào tạo ngành nào, phương pháp đào tạo ra sao để nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động là bài toán mà các trường ĐH phải tự mình tìm ra lời giải.

Và theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng, để có lời giải chính xác, hiệu quả thì việc liên kết với các DN để nhà trường nắm được xu hướng về nguồn nhân lực của các DN (những nhà sử dụng lao động) và SV có thể được tiếp xúc trực tiếp với quy trình sản xuất, kinh doanh trong quá trình học là một trong những giải pháp căn cơ và hiệu quả.

Liên kết với DN để tạo nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc sinh viên ra trường không chỉ có việc làm ngay mà còn phải đạt yêu cầu của DN, ngay từ những ngày đầu thành lập, ĐH Nguyễn Tất Thành đã đưa triết lý đào tạo “Thực học - thực hành - thực danh - thực nghiệp” vào chương trình đào tạo. Toàn bộ quá trình đào tạo của ĐH Nguyễn Tất Thành đều vận hành theo nguyên lý “học đi đôi với hành, gắn tuyển sinh với tuyển dụng, gắn đào tạo với cung ứng nguồn nhân lực” tạo điều kiện cho SV dễ dàng tìm được việc làm sau khi ra trường cũng như giúp các em đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường lao động.

Từ mối liên kết chặt chẽ với DN, ĐH Nguyễn Tất Thành đã triển khai công tác đào tạo theo phương châm “lý luận phải gắn liền với thực tiễn”, các học phần đào tạo cũng được phân chia hợp lý. Chương trình lý thuyết sẽ được đào tạo tại trường, chương trình thực hành sẽ được đào tạo trực tiếp ở môi trường DN do những chuyên gia làm việc trực tiếp trong các lĩnh vực tại các DN giảng dạy, tạo điều kiện cho SV nắm vững kiến thức ngay trong quá trình học, giúp các em nâng cao khả năng sáng tạo, có tư duy độc lập có thể tự học, tự thực hành.

Tính đến thời điểm này, ĐH Nguyễn Tất Thành đã hợp tác với hơn 1.000 DN thành viên hoạt động đa lĩnh vực (công nghệ thông tin, nhà hàng, khách sạn, truyền thông quảng cáo), các tập đoàn danh tiếng (Samsung, Intel…), các bệnh viện lớn (BV Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi đồng, BV Bình Dân, BV 115…) tạo điều kiện tốt nhất cho SV được đi thực tập, thực tế tại cộng đồng để nâng cao trình độ tay nghề cũng như mở rộng cơ hội việc làm cho các em.

Bên cạnh đó, các câu lạc bộ DN của trường cũng thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, hội chợ việc làm giúp SV đang theo học tại trường có cơ hội tiếp xúc với DN ngay trong quá trình học tập, tạo cơ hội cho các em sớm tiếp cận với thực tế cũng như hỗ trợ giới thiệu việc làm bán thời gian phù hợp với ngành nghề theo học, giúp các em bổ sung kinh nghiệm và kiếm thêm thu nhập.

Chính nhờ chương trình đào tạo gắn liền với thực tế mà hằng năm 95% SV tốt nghiệp từ ĐH Nguyễn Tất Thành đều có việc làm, được các tổ chức, công ty trong và ngoài nước săn đón, tin tưởng, giữ lại làm việc sau thời gian thực tập. Thậm chí nhiều đơn vị còn đến tận trường “đặt hàng” ngay khi các em còn đang là SV năm 3, năm 4.

Cũng nhận thức được vai trò phải liên kết với DN để tạo nhiều cơ hội việc làm cho SV, PGS.TS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng ĐH HIU cho biết, bên cạnh đầu tư về cơ sở vật chất, ĐH HIU luôn đặt lên hàng đầu việc xây dựng chương trình đào tạo mang tính thực tiễn, thực tập và làm việc tại DN ngay từ những năm đầu tiên với sự tham gia dạy và hướng dẫn của DN liên kết.

Đặc biệt, trong những chuyên ngành có tính thực tế, kỹ thuật chuyên sâu, cùng với giảng viên của trường, các doanh nhân, kỹ sư đang làm việc tại các DN liên kết sẽ tham gia giảng dạy và tư vấn thực hành cho SV. Chính vì vậy, sau gần 20 năm, nhà trường đã đào tạo cho hơn 66.000 SV tốt nghiệp, trong đó do liên kết với DN nên đã tạo được 30.000 việc làm đa ngành nghề cho SV thực tập và làm việc sau khi tốt nghiệp, bảo đảm cơ hội 100% việc làm cho SV.

Nhận định về vai trò của sự liên kết giữa các trường ĐH, CĐ và DN, ông Nguyễn Văn Trắng, Giám đốc Công ty Kiểm toán KSI cho rằng, “liên minh” chiến lược giữa nhà trường và DN không chỉ mang lại lợi ích cho trường mà bản thân các DN cũng có lợi. Bởi vì, trước đây, câu chuyện sau khi tuyển dụng lao động các DN phải đào tạo lại hay đào tạo thêm là chuyện thường xuyên vì các em SV đa phần chưa có kiến thức thực tế. Do vậy, khi có sự liên kết chặt chẽ ngay từ trong quá trình đào tạo với các trường ĐH (nơi cung ứng nguồn lao động chủ yếu cho DN) sẽ giúp các DN có thể sử dụng ngay các lao động này mà không cần bỏ thêm chi phi đào tạo.

Nói về vai trò của việc liên kết với các DN trong quá trình đào tạo, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Nevon nhận xét, các em không chỉ được trang bị đầy đủ các kiến thức về lý thuyết cũng như kỹ năng thực hành mà với hình thức đào tạo này, các em SV khi bắt đầu vào môi trường làm việc tại DN rất tự tin vì đã được tiếp xúc trong quá trình học tập và thực hành. Điều này sẽ rút ngắn thời gian làm quen và bỡ ngỡ của các em và góp phần nâng cao năng suất lao động ngay từ những ngày đầu làm việc.

Theo Báo Chính Phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.