Với chủ đề Công nghiệp hóa Việt Nam trong giai đoạn mới, GS.TS Trần Văn Thọ đề cập đến các nội dung như: quá trình công nghiệp hóa nên được đánh giá thế nào? Thách thức hiện nay là gì? Cần chiến lược, chính sách gì cho giai đoạn tới?
Theo GS.TS Trần Văn Thọ, một số chỉ tiêu tổng hợp như sản xuất công nghiệp trong GDP, trong xuất khẩu… cho thấy có tiến triển; là nước đi sau nên phát triển nhanh hơn các nước khác trong khu vực. Tuy nhiên, công nghiệp hóa Việt Nam không tiến triển mạnh mẽ như các nước đi trước trong giai đoạn dân số vàng.
Công nghiệp hóa Việt Nam lại phụ thuộc quá nhiều vào FDI (50% sản lượng công nghiệp, 70% xuất khẩu). Hơn nữa, ít liên doanh và ít liên kết với doanh nghiệp trong nước. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nền kinh tế bị phân thành cơ cấu hai tầng với hai khu vực FDI và tư bản trong nước. Hơn 50% FDI xuất phát từ những nước thuộc thế hệ công nghiệp hóa thứ tư và thứ năm. Những dự án FDI chất lượng xấu như ô nhiễm môi trường, xung đột quan hệ lao động… đều thuộc những nước ấy.
GS.TS Trần Văn Thọ cũng đề xuất những chiến lược, chính sách cho giai đoạn tới. Trong đó, về phía GD&ĐT, cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trước mắt đáp ứng nhu cầu trong trào lưu công nghệ mới và về lâu dài có khả năng thích ứng với sự thay đổi của thị trường, của công nghệ.
“Ngoại lực ngày nay phong phú nhưng nội lực mới quyết định quá trình công nghiệp hóa hiệu quả”. GS Thọ cũng nhấn mạnh: Có quan điểm cho rằng tình trạng cử nhân, kỹ sư thất nghiệp là do đào tạo tràn lan. Thế nhưng, suy cho cùng, tình trạng thất nghiệp là do năng lực và sự thích ứng của nguồn nhân lực với công nghệ.