Thời gian qua, liên kết vùng ở nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, như đánh giá của Bộ KH&ĐT là các hoạt động này đã khắc phục một phần tình trạng biệt lập trong hoạch định và thực thi chính sách của các địa phương.
Liên kết vùng cũng góp phần kết nối đồng bộ cơ sở hạ tầng vùng và liên vùng. Tạo chia sẻ, lan tỏa kinh nghiệm tốt trong quản lý Nhà nước. Giải quyết hài hòa hơn mâu thuẫn giữa các địa phương trong vùng về thu hút đầu tư, xử lý tài nguyên môi trường, các vấn đề xã hội...
Về tổng thể, liên kết vùng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Vậy nhưng thực tế, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, chủ trương, chính sách về liên kết vùng chậm được thực thi. Vai trò của chủ thể tham gia liên kết vùng còn mờ nhạt, cơ chế thực thi chính sách liên kết vùng cũng chưa phát huy hiệu lực và hiệu quả cao nhất.
Các hoạt động liên kết vùng như thỏa thuận liên kết còn mang tính hình thức, chưa có sự phối hợp thực chất. Các liên kết về kinh tế giữa các địa phương chưa dựa trên chuyên môn hóa, phân công lao động theo chuỗi giá trị hoặc phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ. Các địa phương trong vùng mới chỉ chú trọng phát triển liên kết với những thành phố lớn, đóng vai trò “đầu tàu”, chưa quan tâm đến liên kết giữa các địa phương.
Bên cạnh đó, chưa có nhiều liên kết vùng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp hình thành cụm liên kết ngành. Các nội dung quan trọng như liên kết xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực hiện quy hoạch; liên kết đầu tư phát triển, đào tạo và sử dụng lao động; xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng, liên vùng... cũng chưa được triển khai đầy đủ.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có ý kiến cho là do tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về liên kết vùng còn hạn chế. Còn tồn tại “tư duy nhiệm kỳ” và lợi ích cục bộ địa phương dẫn đến chưa thấy được lợi ích từ liên kết vùng.
Vai trò của quy hoạch vùng chưa được quan tâm đúng mức, thiếu công cụ để triển khai quy hoạch vùng, nhất là khâu xây dựng kế hoạch phát triển sau khi quy hoạch vùng được phê duyệt nên chưa trở thành công cụ nền tảng thúc đẩy liên kết bắt buộc giữa các địa phương.
Để khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của liên kết vùng, tạo không gian phát triển mới, có tính gắn kết, liền mạch hơn, góp phần tích cực vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, tại Kỳ họp bất thường thứ 2, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong đó nhấn mạnh bảo đảm liên kết vùng, liên vùng; phát triển có trọng tâm, trọng điểm.
Hình thành các vùng động lực quốc gia, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Bảo đảm an sinh xã hội và các dịch vụ công cho các khu vực khó khăn, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển...
Cùng với đó, Nghị quyết 57/NQ-CP ngày 22/4/2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội cũng nêu rõ: Hoàn thiện thể chế liên kết vùng giai đoạn 2021 - 2030 nhằm tăng cường vai trò điều phối liên kết vùng của chính quyền Trung ương, tạo kênh thông tin, thúc đẩy liên kết chính quyền địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, huy động đa dạng các nguồn lực để hỗ trợ các hoạt động, dự án liên kết vùng, tận dụng nội lực và ngoại lực của các địa phương trong vùng, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Như vậy đến thời điểm này, cơ sở pháp lý về liên kết vùng đã cơ bản hoàn thiện. Vấn đề còn lại là phải nỗ lực triển khai thực hiện liên kết thực chất, toàn diện, hiệu quả.