Sau khi nghiên cứu sâu về những bí ẩn của đợt tuyệt chủng quy mô lớn này, các nhà khoa học Nhật Bản cho biết cú va chạm khi thiên thạch đâm vào Trái Đất ngay lập tức làm những mảnh thiên thạch chứa sulphur (lưu huỳnh) bốc hơi, tạo ra một đám mây khí sulphur trioxide (SO3) khổng lồ.
Đám mây SO3 kết hợp với hơi nước tạo thành mưa axít rơi xuống bề mặt Trái Đất trong nhiều ngày, gây axít hóa các tầng bề mặt đại dương và tàn phá hệ sinh thái trên Trái Đất.
Đây có thể là nguyên nhân dẫn tới sự tuyệt chủng của nhiều loài sinh vật khi đó.
Sự biến mất của loài khủng long, được gọi là đợt tuyệt chủng Kỷ Phấn trắng thứ ba, xảy ra cuối Kỷ Phấn trắng.
Sự việc này xảy ra khi một vật thể được xem như một tiểu hành tinh có kích thước 10 km, đâm xuống Trái Đất ở khu vực hiện là bán đảo Yucatan của Mexico.
Nó đã tạo ra một hố sâu rộng 180 km, làm bùng phát một đám cháy lớn và gây một "cơn bão khói bụi."
Ước tính có khoảng 60 - 80% loài sinh vật trên Trái Đất đã tuyệt chủng sau vụ va chạm này, đặc biệt là những loài to lớn như khủng long, xuất hiện từ cách đây 165 triệu năm.
Theo các nhà khoa học Nhật Bản, mưa axít và tình trạng axít hóa đại dương sau vụ va chạm trên đã giải thích việc nhiều loài phù du, như loài trùng có lỗ, tuyệt chủng.
Trùng có lỗ là sinh vật đơn bào được bảo vệ bằng lớp vỏ calcium carbonate, và lớp vỏ này bị phá hủy trong nước chứa axít.
Giả thiết về mưa axít còn làm sáng tỏ thêm nhiều bí ẩn khác, chẳng hạn như giải thích nguyên nhân các loài dương xỉ mọc lên ngày càng nhiều sau vụ va chạm, đó là do loài cây này "ưa" axít, ngoài các điều kiện cần thiết khác cho quá trình sinh trưởng và phát triển.