Lễ tế Hợp hưởng cuối năm

GD&TĐ - Thời xưa, triều đình phong kiến có lễ Hợp hưởng để báo cáo tổ tiên những việc đã làm trong năm vừa qua.

Những ngày cuối năm, trước lễ Trừ tịch, trong khi ngày nay các gia đình cúng Táo quân thì thời xưa, triều đình phong kiến có lễ Hợp hưởng.

Theo thông lệ, các triều vua Việt cũng như các triều vua Trung Quốc, hàng năm, ngoài lễ cúng giỗ Tổ tiên, tế đàn Nam Giao, Xã Tắc, tế Khổng Tử ở Văn Miếu, sẽ cúng 4 lễ tế hưởng vào các mùa trong năm và lễ tế Chạp vào cuối năm.

Nghi lễ này, ở các thời đại trước hiện không khảo hết được. Duy triều đại phong kiến gần đây nhất là triều Nguyễn, sử liệu để lại cho biết quy định tế hưởng vào 4 mùa được đặt ngay trong mùa xuân năm Gia Long thứ 2 (1803).

Theo đó, bộ Lễ tâu rằng: “Lễ tế hưởng bốn mùa, từ Đường Tống trở lên đều chọn ngày, từ Minh Thanh trở xuống thì tế hưởng mùa Xuân vào thượng tuần thì chọn ngày, còn các mùa Hạ, Thu, Đông thì dùng ngày mồng 1 tháng mạnh (tháng đầu mùa), vì cho rằng tế không định ngày sợ không được thành thực vậy.

Lại tế Chạp, nhà Minh thì dùng ngày cuối năm, nhà Thanh thì dùng ngày trước ngày cuối năm đều cấp bách quá! Xin từ nay Xuân tế thì dùng ngày mồng 8 tháng Giêng, Hạ, Thu, Đông tế thì đều dùng ngày mồng 1 tháng mạnh, còn tế Chạp thì dùng tháng Chạp mà phải chọn ngày cho hợp với ý nghĩa việc lễ”.

Vua Gia Long theo lời. Từ đấy, các lễ tế Hạ, Thu, Đông hưởng đều cố định vào ngày mồng 1 các tháng 4, 7 và 10 (nếu ngày đó có nhật thực thì lùi sang ngày tốt gần nhất). Lễ tế hưởng ở Thái miếu vua thân hành đến làm lễ. Tế ở liệt miếu thì cho hoàng tử, hoàng thân đến tế thay.

Tranh vẽ đoàn đại giá trong lễ tế thời Nguyễn. Ảnh minh họa.

Tranh vẽ đoàn đại giá trong lễ tế thời Nguyễn. Ảnh minh họa.

Khi vua Minh Mạng định lại lệ cúng ở các miếu vào năm 1822, tiết Nguyên đán và hai kỳ tế Xuân, Thu hưởng thì vua đến tế ở Thái miếu (thờ các chúa Nguyễn); tiết Đoan dương (mùng 5 tháng 5) và hai kỳ tế Hạ, Đông hưởng, thì vua đến tế ở Thế miếu (thờ các vua nhà Nguyễn, bắt đầu từ vua Gia Long).

Lễ hợp hưởng thì năm nay vua đến Thái miếu, sang năm đến Thế miếu làm lễ. Còn Triệu miếu (thờ chúa khai sáng của nhà Nguyễn là Nguyễn Kim) và Hưng miếu (thờ chúa Nguyễn Phúc Luân, cha của vua Gia Long) thì sai hoàng tử, hoàng thân tế thay.

Cuối năm Minh Mạng thứ 4 (1823), trước lễ tế Hợp hưởng, vua nói với bộ Lễ rằng: “Hằng năm tế hưởng ở miếu, trẫm đến làm lễ đã có định kỳ. Nay theo lời bàn của bộ, đã cho đặt thêm lễ Hợp hưởng, cùng với bốn lễ hưởng ở bốn tháng mạnh thành năm lễ hưởng. Điển lễ rất quan hệ, sáng lập từ nay. Năm nay trẫm đến làm lễ ở Thái miếu, sang năm đến làm lễ ở Thế miếu, còn các miếu khác đều sai tế thay như trước”.

Lễ Hợp hưởng không có ngày cố định, như cuối năm Minh Mạng thứ 3, tổ chức vào ngày 15 tháng Chạp. Sang năm Minh Mạng thứ 8 (1827), vào tháng 11, bộ Lễ tâu rằng: “Lệ trước một năm 5 lễ hưởng cùng ở tiết Nguyên đán, Đoan dương, Thượng tiêu (dựng nêu) đều do Hoàng thượng chính mình đến Thái miếu, Thế miếu làm lễ.

Trộm nghĩ Tôn miếu là chỗ tôn nghiêm lễ văn nghi tắc, phải cho tình lý thoả đáng mới là phải. Bốn mùa đắp đổi, nên có bốn lễ hưởng để tỏ rõ tình văn. Khi năm sắp hết thì mùa Đông có lễ Hợp hưởng để báo thành tích cả năm, cùng là ngày đầu năm đón phúc (Nguyên đán) và lúc giữa trời tươi sáng (Đoan dương) đều là lễ long trọng quan hệ cả.

Còn như lễ cuối năm dựng cây nêu, sách vở không thấy nói đến. Nhưng tục nước ta theo làm đã lâu, chưa nên vội bỏ. Từ nay xin sai Hoàng tử hay các tước công tế thay, mới là thoả đáng”. Vua cho là phải.

Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), nhà vua lại sai quần thần tra sách “Ngũ lễ thông khảo”, thấy theo chế độ dưới thời Khai Nguyên đời Đường (thời vua Đường Minh Hoàng) thì 5 lần tế hưởng ở Thái miếu, nên chọn trong các tông tử và các tự quận vương, người nào có đức vọng thì cho tạm quyền chức tam công (Thái sư, Thái phó, Thái bảo) để làm việc, những quan họ khác thì không được thay.

Theo điển lệ nhà Thanh thì lễ Hợp hưởng, ở trước thần vị tổ tông, có sai quan làm lễ thay, những việc dâng hương, chỉ phái hoàng tử thân vương mà thôi. Do đó, bộ Lễ xin từ nay, phàm 5 lễ hưởng cùng các tiết mồng 1 Tết, mồng 5 tháng 5, ở 8 ban thờ tả hữu Thái miếu chỉ chuyên phái hoàng tử và các tước công đến thừa tế.

Nhà vua dụ rằng: “Dù tôi hay con thì lòng tôn thân cũng là một cả, có gì khác đâu. Chuẩn định từ nay, gặp mọi lễ tiết, quan thừa tế đều do bộ Lễ đề cử trước, trẫm sẽ tự chọn, phái các hoàng tử, các tước công, hoặc các quan văn, võ đại thần cũng được. Còn các điều khác đều chuẩn y lời nghị, và cho bắt đầu cử hành từ lễ Xuân hưởng năm tới”.

Đến cuối năm Minh Mạng thứ 13 (1832), vua Minh Mạng chuẩn định từ nay, hằng năm, 2 lễ tế hưởng Xuân và Thu, và lễ tế Hợp hưởng vào những năm Sửu, Mão, Tỵ, Mùi, Dậu, Hợi, nhà vua sẽ thân đến Thái miếu làm lễ, thì chỗ bái vị của quan thừa tế vẫn đặt ở dưới thềm như trước. Còn hai lễ tế hưởng Hạ và Đông và lễ tế Hợp hưởng vào những năm Tý, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất cùng những ngày tế Nguyên đán, Đoan dương hằng năm, theo lệ, sai quan tế thay, thì các quan thừa tế đều đứng trên thềm làm lễ.

Về nghi lễ của các đại lễ thời Nguyễn, thì lễ lớn nhất là tế đàn Nam giao, cùng 3 tiết lớn là Chính đán (Tết Nguyên đán), Đoan Dương, Vạn Thọ (sinh nhật vua) khi vua ra đi và khi về đều bắn 9 tiếng ống lệnh; còn các lễ tế hưởng ở miếu, tế đàn Xã Tắc, tế Văn miếu, khi vua ra đi và khi về đều bắn 5 tiếng.

Để nhắc nhở vua trai giới giữ mình trước các lễ tế hưởng, năm Minh Mạng thứ 5 (1824), triều Nguyễn bắt đầu đúc tượng người đồng, tay cầm cái bài viết chữ “Trai giới”. Mỗi khi đến lễ tế hưởng, vua trai giới thì quan Lễ bộ do Nội giám tiến người đồng, tế Nam giao thì tiến trước 3 ngày, tế hưởng ở Tôn Miếu thì tiến trước 2 ngày, tế Xã Tắc cùng miếu lễ thì tiến trước 1 ngày.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ