Thái giám thời xưa được phân cấp thế nào?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cũng giống các triều đình phong kiến phương Đông khác, ở nước ta thái giám là đẳng cấp chuyên phục vụ trong cung đình.

Các thái giám trong cung đình nhà Nguyễn. Ảnh tư liệu của Pierre Dieulefils.
Các thái giám trong cung đình nhà Nguyễn. Ảnh tư liệu của Pierre Dieulefils.

Thái giám là những người bẩm sinh đã không có, hoặc đã cắt bộ phận sinh dục. Lịch sử nước ta từng ghi nhận thời nhà Trần, chức hành khiển (tể tướng thứ hai, trực tiếp điều hành các công việc triều chính) lúc đầu chỉ giao cho thái giám, những người thân cận ở gần vua nhất.

“Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng, năm 1254 vua Trần Thái Tông nằm mơ được thần nhân chỉ cho một người, bảo người này có thể làm chức hành khiển. Đến khi vua đi chơi ra ngoại thành, gặp người học sinh đang ngồi học ở cửa nam thành, hình dáng giống hệt người trong mộng. Vua gọi đến hỏi, người đó ứng đối cũng chẳng khác gì những lời trong mộng. Vua muốn trao cho chức hành khiển nhưng thấy khó, mới cho 400 quan tiền bảo tự hoạn, ban tên là Phạm Ứng Mộng, rồi cho thăng dần đến chức hành khiển.

Các sử quan soạn “Toàn thư” còn bổ sung sau câu chuyện này câu: “Đó là bắt chước lệ cũ của triều Lý, dùng Lý Thường Kiệt và Lý Thường Hiến vậy”. Hoạn quan thường giữ các chức “chi hậu hoàng môn”, coi việc canh giữ và hầu hạ ở cung cấm. Về sau nhà Trần mới trao chức hành khiển cho những người có khoa bảng.

Thái giám cũng được gọi là trung quan, chuyên chuyển mệnh lệnh của vua đi các nơi.

Thời Lý, Trần, Lê, nhiều thái giám được trao quan chức, cũng chỉ được gọi là hoạn quan chứ chưa phân định cấp bậc cụ thể, dù thời Lê mạt, rất nhiều viên thái giám được phong tước hầu, tước công, được cử giữ những chức vụ quan trọng, trong đó có những viên tướng nổi tiếng như Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc.

Thời vua Lê chúa Trịnh, chúa Trịnh Giang tin dùng hoạn quan Hoàng Công Phụ, nghe lời Phụ đặt ra Giám ban ngang hàng với văn, võ ban đương thời, khiến triều đình nghiêng ngả, đời sau chê cười.

Sang thời Nguyễn, Lê Văn Duyệt là một vị tướng nổi danh, được bộ sử “Đại Nam thực lục” ghi xuất xứ rằng: “Lê Văn Duyệt là người Chương Nghĩa phủ Quảng Ngãi, sinh ra thiếu bộ phận sinh dục, ban đầu sung làm chức Thái giám, từng đem quân sở thuộc theo ra trận, trầm mặc đánh giỏi”.

Phải đến tháng 2 năm Minh Mạng thứ 17 (1836), triều đình nhà Nguyễn mới bắt đầu định cấp bậc cho các thái giám.

Khi đó, vua Minh Mạng ban dụ, chỉ rõ xuất xứ của giai cấp hoạn quan rằng: “Theo sách Chu lễ, có tự nhân (tức hoạn quan hoặc nội giám) giữ việc cung cấm; thiên “Nguyệt lệnh” nói quan yêm doãn (chức đứng đầu hoạn quan) coi xét cửa ngõ. Thiên “Tiểu nhĩ” trong Kinh Thi cũng có thơ “Hạng bá” (thơ do những người bị gièm, phải tội thiến dùng làm hoạn quan sáng tác để khuyên người ta phải đề phòng kẻ gièm pha). Thế là người có nhà nước, có thiên hạ thì phải có hoạn quan, kể đã lâu rồi.

Nhưng đời xưa, chức trung quan (hoạn quan) chỉ dùng để sai khiến và làm việc quét tước, chứ chưa bao giờ ủy cho chức gì, hay trao cho quyền gì, cho nên họ chăm hầu hạ chạy vạy, mà không có cái tệ rông rỡ chuyên quyền”.

Tuy nhiên nhà vua cũng nhắc nhở cái họa hoạn quan chuyên quyền: “Đời sau dần dần không theo cổ, hoạn quan chuyên quyền làm việc, để cho nhà vua cầm gươm đằng lưỡi, thí dụ như mười thường thị nhà Hán, các trung quan nhà Đường, bọn tứ hung nhà Minh, và bọn Hoàng Công Phụ triều Lê nước An Nam: Thế mạnh như lửa bốc cháy, gây ra tai hoạ liên miên. Đó đều do vua chúa đương thời ban đầu yêu vì họ dễ sai khiến, tin dùng quá đáng, đến sau quyền thế của họ đã vững rồi, cuối cùng không chế trị được nữa. Trước còn sương lạnh, dần dần đi đến băng giá. Gương cũ còn trờ trờ đó. Các thánh (chỉ các chúa Nguyễn) triều ta rất răn kỵ các tệ ấy. Hơn 200 năm, không có một hoạn quan nào được tham dự chính quyền, tuyệt hẳn được mối hoạ, lập thành pháp độ rất trong sáng”.

Vua Minh Mạng cũng xác nhận thời Nguyễn, chỉ duy nhất Lê Văn Duyệt là thái giám được giữ binh quyền, vì: “Đến đời Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta (tức vua Gia Long), khi mới trung hưng, chỉ có Lê Văn Duyệt khởi thân làm hoạn quan, hầu hạ trong nội, vì dự có quân công được cầm tiết việt trọng trấn”.

Tuy nhiên nhà vua vẫn răn rằng: “Chẳng ngờ lũ này vốn không phải là thiện loại, cuối cùng vì cậy có công, kiêu căng rông rỡ, gây nên tai hoạ. Nay đã nêu rõ tội danh, đủ làm sáng tỏ sự răn dạy. Lại nghĩ: Bọn hoạn quan đã đành không nên trao cho chức vị, nhưng công việc trông nom ở nơi vĩnh hạng (ngõ dài trong cung cấm) và hoàng môn (cửa màu vàng trong cung cấm) không thể thiếu được, nên buộc phải lập rõ thành pháp, đặt ra tầng bậc, nhưng không cho dự vào phẩm cấp trong quan chế để tỏ rằng hoạn quan không được kể vào hạng tiến thân”.

Do đó, vua Minh Mạng chuẩn định chia các thái giám làm 5 đẳng, bao gồm: Quản vụ thái giám, điển sự thái giám đều là thủ đẳng; kiểm sự thái giám, phụng nghi thái giám đều là thứ đẳng, thừa phụng thái giám, điển thảng thái giám đều là trung đẳng, cung sự thái giám, hộ thảng thái giám đều là á đẳng, cung phụng thái giám, thừa biện thái giám đều là hạ đẳng. Tất cả đều để vua sai khiến hầu hạ, nhưng mãi mãi không cho dự vào giai (ban văn hoặc võ) và phẩm quan chức triều đình. Chức vụ của họ chỉ để nội đình sai khiến và truyền đạt mệnh lệnh mà thôi. Tất cả triều chính và việc ngoài đều không được can thiệp tham dự chút nào, nếu kẻ nào vi phạm quyết phải trừng trị nặng, không chút khoan tha.

Lời dụ này, vua Minh Mạng còn sai Quốc tử giám khắc vào đá, và sao lục giao Sử quán lưu trữ, truyền lại cho đời sau.

Theo quy định này thì thái giám hàng tháng được cấp tiền, lương gồm: Thủ đẳng mỗi tháng được cấp 6 quan tiền, 4 phương gạo. Thứ đẳng được cấp 5 quan tiền, 3 phương gạo. Trung đẳng được 4 quan tiền, 3 phương gạo. Thái giám á đẳng mỗi tháng được cấp 3 quan tiền, 2 phương gạo và hạ đẳng được 2 quan tiền, 2 phương gạo mỗi tháng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.