Lê Khánh Mai lắng về phía mạch ngầm

Lê Khánh Mai lắng về phía mạch ngầm

(GD&TĐ) - Lê Khánh Mai, tác giả của tập tiểu luận phê bình “Vọng âm của mạch ngầm” – NXB Hội Nhà văn 2009, vốn là một thạc sĩ văn học, cô giáo dạy văn có thâm niên 15 năm đứng trên bục giảng. 

Đọc tập “Vọng âm của mạch ngầm” ta thấy có mấy con người trong một Lê Khánh Mai, thân tình, nghiêm trang lại chan hòa. 

Điều khiển ngòi bút như là định mệnh

Từ lâu Lê Khánh Mai hết lòng với thơ, chị không chỉ sáng tác bằng xúc cảm dạt dào, đột khởi trực tiếp mà bằng cả một quá trình cân nhắc, lựa chọn, chỉnh sửa… Sự rèn luyện và quá trình nghiền ngẫm đã giúp chị có được cách trình bày chắc chắn mà không thắt buộc. Chị từng nói lên suy nghĩ về nghề văn trong cuốn sách “Nhà văn Việt Nam hiện đại”: “Chọn nghề văn, được đào tạo nghề văn, suốt đời chỉ làm duy nhất nghề văn, tôi thấm thía đến tận cùng nỗi khổ ải và niềm hạnh phúc của nghề này. Yêu con người, trách nhiệm cao, lao động kiệt  lực và dấn thân như bị “giời đày” là phẩm chất tự thân của nhà văn. Đôi khi tôi cảm nhận một sức mạnh quyền năng vô hình nào đó mách bảo và điều khiển ngòi bút của mình như là định mệnh”. 

Tập sách “Vọng âm của mạch ngầm” dày ngót 230 trang in, gồm 34 bài, có thể thấy trong đó có hai mảng lớn là: 1/ Văn học Khánh Hòa - những vấn đề chung và một số tác giả, tác phẩm cụ thể thời nay; Về tục ngữ, ca dao, truyện cổ Khánh Hòa xưa; 2/ Một số vấn đề thời sự và then chốt của đời sống văn chương cả nước gần đây và giá trị, đặc sắc của mấy áng thơ Việt Nam thế kỷ XX đã bắt đầu đi vào cổ điển. Diện quan tâm và nội dung trao đổi của tập sách như thế là rất rộng lớn.

Và đáng nói hơn nữa là: Tất cả các chuyện lớn nhỏ ấy, đều được tác giả nói/ viết ra trong khoảng dăm bảy năm gần đây, là khoảng thời gian Lê Khánh Mai bận rộn nhất, với cương vị của người đứng đầu Hội Văn học nghệ thuật tỉnh; lao động của một nhà thơ và đảm trách gánh nặng của một gia đình khi chồng đã đi xa. Chị có một sức làm việc đáng nể. Tôi không chỉ cho rằng như thế là chị đã vượt qua, vượt lên và biết khu xử, biết sắp xếp mọi sự thật, mà với chị,  khi đã có một tình yêu vô tư với văn chương, một trách nhiệm đến cùng trong các quan hệ riêng chung… thì đời và bạn, trời và đất sẽ giúp ta minh mẫn hơn, khoẻ khoắn hơn.

Lê Khánh Mai với tiểu luận phê bình “Vọng âm mạch nguồn” ảnh 1
Lê Khánh Mai với tiểu luận phê bình “Vọng âm mạch nguồn”

Không né tránh

Lê Khánh Mai là một nhà thơ trưởng thành từ một vùng quê giàu truyền thống văn hoá, văn chương. Từ cái nền chung của quê hương và học vấn cơ bản của riêng mình, chị đã tự nhiên và vững vàng khi tiếp cận với văn học cả nước. Kiến giải của chị nhờ thế, đã có tính khái quát. Chẳng hạn, khi bàn về Nhà văn với đời sống hôm nay, chị viết: “Đời sống mãi là một kho tàng vô giá, là chất liệu văn chương không bao giờ vơi cạn. Nhà văn dù thuộc tầng lớp nào, trong họ cũng có hai con người: Con người  sáng tạo và con người xã hội. Hai con người này khi phân thân, khi hòa nhập luôn bổ sung làm phong phú cho nhau. Năng lực quan sát, tư duy, chiêm nghiệm,  phản biện đời sống và tư tưởng nghệ thuật là những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của tác phẩm và là căn cứ quan trọng để nhìn nhận chân tài nhà văn…

… Nhà văn có thể bị ám ảnh bởi những dư chấn của quá khứ, nhưng khi sáng tạo, quá khứ ấy phải được soi rọi bằng cái nhìn mới, bằng tấm lòng của con người hôm nay và cả dự cảm tương lai”. 

Một lần khác, khi bàn về giọng điệu trong văn chương, cũng là một vấn đề có ý nghĩa muôn đời của lao động nhà văn, tác giả của tập tiểu luận phê bình này cho rằng: “Hiện ra như một yếu tố phong cách, nơi in đậm dấu ấn sáng tạo, bằng chứng tài năng của người nghệ sĩ, giọng điệu giữ vai trò chủ yếu trong nghệ thuật ngôn từ… Phấn đấu trên lĩnh vực ngôn từ là một cuộc vật lộn âm thầm gian khổ, đổ mồ hôi sôi nước mắt, bền bỉ, kiên nhẫn, hạnh phúc nhất mà cũng cô độc nhất”.

Người có kiến thức mà ít trải nghiệm trong nghề viết, đọc qua mấy dòng này dễ cho là không có gì mới lắm. Tôi làm trắc nghiệm nhỏ với một số nhà thơ, họ bảo: Viết như Lê Khánh Mai là quá đúng và họ chịu, vì cho rằng "Lê Khánh Mai là người của thơ ca…".

Có nhiều bài tiểu luận trong tập “Vọng âm của mạch ngầm” này được viết theo đặt hàng, nên tác giả chưa nói hết, chưa luận giải biện thuyết cho ngọn ngành được. Những ý kiến này trước khi đến với chúng ta, nó đã được bạn đọc và bạn nghe đài ở Khánh Hòa, Phú Yên và cả một dải miền Trung chú ý tìm đọc, lắng nghe và bàn thêm. Từ đòi hỏi của đời sống văn học, từ thực tiễn viết và kiểm nghiệm của riêng mình, Lê Khánh Mai tham gia luận bàn văn chương. Chu trình sinh thành, ra đi và trở về của các ý kiến của Lê Khánh Mai như thế là khép kín trong thực tiễn một vùng, có ích lợi cho một vùng, khi in ra cho nhiều người cùng tham khảo, thì nó đã có ý nghĩa rộng lớn hơn, bạn bè văn chương văn nghệ cả nước đều có thể tìm thấy ở đấy một số điều tâm đắc, một vài khuyến nghị hay.

Bên cạnh những luận bàn chung về văn học, về con đường sáng tạo của một nhà thơ, tập “Vọng âm của mạch ngầm” còn có nhiều bài phân tích, bình giá các tác giả, tác phẩm cụ thể. Quan sát diễn đàn văn nghệ lâu nay chúng ta thấy có hiện tượng: Đụng đến cụ thể, cũng gặp cái thú vị và khó khăn riêng, có hăm hở nhiệt thành, cũng có ngại ngùng né tránh. Lê Khánh Mai có nhiệt tình mà vẫn chừng mực, kiệm lời và quả thực, chị không né tránh. Các thi phẩm đã được nhiều người bình giá như “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử, “Tràng giang” của Huy Cận, “Lá đỏ” của Nguyễn Đình Thi, 

“Tre Việt Nam” của Nguyễn Duy, “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải… đã được chị, bằng cái cách của riêng mình, thích ứng với mình mà bình giải một lần nữa. Ở các bài viết có dáng dấp tiểu giảng văn này, chị chú trọng phân tích, so sánh cách dùng từ, ngắt nhịp, chuyển đoạn chuyển ý thơ để chỉ ra tâm trạng cảm xúc và tài nghệ của nhà thơ. Phải nhận rằng nếu không phải là người sáng tác sành sỏi, thì khó mà đồng cảm xúc, đồng sáng tạo một lần nữa khi đến với những bài thơ hay như thế được.

Hiện đã và đang có một số nhà sáng tác tham gia viết tiểu luận phê bình văn chương, họ đã góp phần làm cho diễn đàn văn học Việt Nam thêm sôi động. Đọc Lê Khánh Mai với tập “Vọng âm của mạch ngầm” chúng ta có lí do để tin cậy lực lượng phê bình tiểu luận này hơn nữa.

Nguyên An

Người đi vắng của văn chương

Người đi vắng của văn chương

Trong làng văn Việt, Nguyễn Bình Phương là một cây bút tiểu thuyết âm thầm, lặng lẽ, thuộc tuýp tác giả một mình một ngựa một con đường.
Họa sĩ Thân Văn Huy (người đeo kính) chụp hình lưu niệm tại phòng triển lãm của mình

“Lập Xuân” của đôi bạn đồng môn

GD&TĐ - Lập Xuân là triển lãm chung của hai họa sĩ Thân Văn Huy và Đặng Mậu Tựu đang diễn ra tại 26 Lê Lợi- TP Huế. Triển lãm  kéo dài từ chiều ngày 24/12 đến 3/1/2016
“Em như vạt cháy rừng quanh năm đòi cứu hỏa/ Như ngọn lũ sông Hồng chỉ chực vỡ đê” -Đoàn Thị Lam Luyến. Tranh: Nguyễn Văn Hổ.

Đoàn Thị Lam Luyến: Suốt cuộc đời tôi tìm kiếm tình yêu...

Khi bắt đầu viết bài này, tôi đã băn khoăn không biết nên chọn câu thơ nào trong những câu thơ xót xa của nhà thơ nữ tài sắc mà đa đoan - người bạn mà tôi rất quý mến và thương cảm - người đã dám bộc bạch đến tận cùng những đam mê và đau khổ của mình trong tình yêu, tình đời - để làm tiêu đề cho bài viết về chị:
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bên các đĩa sứ in thơ.

"Tướng về hưu" chuyển sang làm thơ gốm

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết tản văn, bình văn khá sâu sắc và độc đáo. Gần đây ông còn làm thơ, bình thơ và hai nhà thơ dân gian Đồng Đức Bốn và Nguyễn Bảo Sinh được ông đánh giá cao.
Trịnh Vĩnh Trinh - Hồng nhan gọi nắng

Trịnh Vĩnh Trinh - Hồng nhan gọi nắng

Có giọng hát đơm hoa kết trái trong lòng ta những thứ xúc cảm đẹp. Có giọng hát làm ta đau và kiếm tìm. Có giọng hát làm sống dậy dòng sông đã từng mê mải một thời say đắm. Lại có giọng hát gọi về hồi ức đã qua, tưởng chừng quên lãng. Chẳng hiểu vì lí do gì mà khi nghe Trinh hát, tôi thấy nhớ một con nắng đầu mùa đến vậy.
Vợ chồng nhạc sĩ An Thuyên cùng con cháu.

Cuộc trò chuyện cuối cùng giữa nhạc sĩ An Thuyên và con gái

Nhạc sĩ An Thuyên ra đi nhẹ nhàng, không làm phiền đến ai, kể cả vợ con. Trong buổi chiều định mệnh ấy, con gái ông, ca sĩ Bông Mai, chở ba mình từ Hiệp hội Phát triển văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam theo con đường ven Hồ Tây thơ mộng, đến bệnh viện. Ông thư thái trên ghế ngồi, vừa chỉ đường cho con gái, vừa trò chuyện...