Tập đoàn trải thảm đỏ để tuyển dụng, sẵn sàng cầm tay chỉ việc, dẫn dắt, công trường có cả phòng máy lạnh để ngủ nghỉ, được bao ăn ở… nhưng cung vẫn chưa đủ cầu. Một trong những nguyên nhân khiến nhân sự không mặn mà do đặc thù ngành phải làm việc ở các dự án vùng sâu, xa, khó khăn, điều kiện làm việc vất vả.
Chia sẻ của vị phó tổng giám đốc không phải là cá biệt. Tình trạng nhiều ngành nghề mang tính đặc thù khát lao động nhưng lại khó tuyển sinh đã và đang diễn ra nhiều năm nay. Trường ĐH Nông lâm TPHCM cho biết, nhiều năm liền sinh viên của khoa Chế biến lâm sản không đủ cung cấp, các doanh nghiệp tới tận trường để tuyển dụng, “đặt hàng” trước để mong giới thiệu sinh viên tốt nghiệp.
Còn ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), một số ngành học gặp báo động đỏ về tuyển sinh như khoa học Trái đất, môi trường, địa chất, khí tượng thủy văn... Trong đợt công bố điểm chuẩn theo kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, có 5 trong tổng số 17 ngành ở Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM chỉ tuyển được 2 - 6 thí sinh.
Có nhiều nguyên nhân khiến một số ngành nghề cầu lớn nhưng thiếu cung do người học kém mặn mà. Nhiều thí sinh chưa nhận thức đúng về triển vọng và khả năng phát triển của những ngành học đặc thù cũng như dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực nên không hình dung được thị trường lao động trong tương lai. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo của một số ngành, nhất là mảng khoa học cơ bản cũng nặng nề, mang tính đơn ngành.
Đáng chú ý là học sinh hiện có tâm lý chọn ngành sang, hot, né những ngành mà nghe tên đã… khổ. Thực tế trong các mùa tuyển sinh gần đây, thí sinh quan tâm các ngành công nghệ thông tin, marketing, quản trị kinh doanh, logicstic… và thờ ơ với ngành như nông lâm, thủy sản, thủy văn học, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, kỹ thuật tài nguyên nước, quản lý tài nguyên khoáng sản, quản lý tài nguyên và môi trường biển đảo, kinh tế biển...
Mất cân đối trong việc chọn ngành nghề của thí sinh làm gia tăng nghịch lý cung cầu và tạo khoảng cách thừa, thiếu nguồn nhân lực ở một số lĩnh vực nghề nghiệp. Thực tế này đe dọa vấn đề an toàn nguồn nhân lực cho sự phát triển đất nước. Thế nhưng giải quyết triệt để vấn đề mất cân đối trong chọn ngành nghề không hề đơn giản.
Để thu hút thí sinh vào những ngành khó tuyển, nhiều trường đại học đã chuyển từ đào tạo ngành hẹp, đơn ngành sang đào tạo theo hướng liên ngành, xuyên ngành, nâng cao chất lượng đào tạo, gia tăng học bổng, đẩy mạnh đào tạo theo đơn đặt hàng, tăng cường công tác truyền thông... Gần đây, ĐH QG TPHCM đã hỗ trợ học phí cho 9 ngành học khó tuyển của Trường ĐH Khoa học Xã hội nhân văn. Các trường như ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM… mở mới các ngành liên ngành. Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), Trường ĐH Nông Lâm TPHCM… cũng tăng cường công tác truyền thông, quảng bá ngành khó tuyển…
Như vậy, về cơ bản các ngành khó tuyển sinh đã được nhận diện và cơ sở đào tạo cũng có nhiều giải pháp đồng bộ để thu hút thí sinh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số ngành xã hội cần nhưng khó tuyển sinh được không nằm ở chỗ trường có quảng bá tốt hay không, có học bổng thu hút người học hay không mà còn phụ thuộc vào chức năng dự báo của Nhà nước cũng như chính sách đầu tư. Cung cầu lao động cơ bản do sự điều tiết của thị trường, theo nhu cầu xã hội, thế nhưng với một số ngành đặc thù rất cần những chính sách đặc thù. Song song với nỗ lực của nhà trường rất cần sự chung sức vào cuộc tầm vĩ mô của Chính phủ và các bộ ngành, để giữ những ngành học cần cho sự phát triển của đất nước.