Đào tạo ngành đặc thù: Sức hút lớn!

GD&TĐ - Nhằm tăng cường nguồn nhân lực cho các ngành mũi nhọn như công nghệ thông tin (CNTT) và du lịch, Chính phủ cho phép các trường đại học đủ năng lực được đào tạo hệ đại học chính quy theo cơ chế đặc thù.

Nhu cầu nhân lực CNTT đang rất khát tại Việt Nam.
Nhu cầu nhân lực CNTT đang rất khát tại Việt Nam.

Đây được xem là hướng đi đúng đắn trong việc hướng đến định hình nguồn nhân lực đáp ứng cuộc cách mạng 4.0.

Chưa đáp ứng nhu cầu

TS Đỗ Thị Thanh Hoa - Trưởng nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch, Bộ VH,TT&DL) cho biết: Mỗi năm thị trường nhân lực ngành du lịch trong nước cần thêm 40 nghìn lao động, trong khi thực tế chỉ có thêm 15 nghìn sinh viên/học viên ra trường (trong đó có hơn 12% có trình độ đại học, cao đẳng).

Ngoài thiếu hụt về số lượng, khoảng cách về kỹ năng trong lực lượng lao động du lịch hiện nay cũng rất lớn. Chỉ 42% nhân lực được đào tạo về chuyên ngành du lịch, 38% chuyển từ ngành khác sang, 20% không được đào tạo chính quy. Cơ cấu theo trình độ đào tạo nhân lực thiếu cân đối.

Theo TS Thanh Hoa, nhu cầu nhân lực chất lượng nhóm ngành du lịch trong tương lai vẫn rất “khát”. Bối cảnh ấy mang đến nhiều điều kiện và cơ hội việc làm cho sinh viên theo học nhóm ngành du lịch với cơ chế đặc thù (50% thời gian học và làm việc tại doanh nghiệp). Tuy nhiên, do ràng buộc về yêu cầu đội ngũ cùng hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất phù hợp với số lượng sinh viên khá gắt gao nên không nhiều trường xây dựng cơ chế đào tạo này.

CNTT cũng là nhóm ngành đóng vai trò “xương sống” trong phát triển kinh tế, xã hội nước ta trong tương lai. Thống kê của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) cho thấy, năm 2021, nhân lực nhóm ngành này cần 500 nghìn người và thiếu hụt 190 nghìn người.

TS Đàm Quang Minh – Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Phú Xuân (Thừa Thiên - Huế) cho biết: Nhà trường vừa ký kết chiến lược trong đào tạo nguồn nhân lực CNTT với UBND tỉnh, các doanh nghiệp CNTT địa phương. Theo tính toán của nhà trường, để đảm bảo nguồn nhân lực 10 nghìn người trong lĩnh vực CNTT như mục tiêu của tỉnh đề ra vào năm 2025, đầu vào ngành CNTT và các ngành phụ trợ phải đạt quy mô 2.000 – 3.000 sinh viên/năm, trong đó sinh viên chuyên ngành CNTT cần khoảng 1.500 sinh viên/năm.

Tuy nhiên, con số này hiện mới đạt 350 sinh viên, chưa đáp ứng được nhu cầu lớn nhân lực nhóm ngành CNTT cho tỉnh. Vì vậy, trong thời gian tới, trường sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thu hút người học, cũng như đẩy mạnh chương trình chuyển đổi đào tạo nghề lập trình viên cho sinh viên có nhu cầu. 

Học viên đang theo học ngành CNTT tại Saigon Coder.
Học viên đang theo học ngành CNTT tại Saigon Coder.

Nhu cầu nhân lực tăng khi dịch được kiểm soát

Thống kê từ 2.000 doanh nghiệp lớn trên địa bàn, cùng định hướng phát triển thị trường lao động TP theo 9 nhóm ngành kinh tế dịch vụ trọng yếu của FALMI cho thấy, nhu cầu nhân lực nhóm ngành điện tử - CNTT đứng đầu với khoảng 32 - 33 nghìn lao động/năm (10,96%). Nhóm ngành du lịch - nhà hàng - khách sạn cần 8.400 - 9.000 lao động/năm (2,86%).

Còn theo TopDev (nền tảng tuyển dụng CNTT), trong năm 2019, Việt Nam thiếu đến 90 nghìn nhân sự lĩnh vực CNTT. Năm 2020, con số này tăng lên hơn 400 nghìn nhân sự và ước tính đạt 500 nghìn vào năm 2021. Những con số trên cho thấy, sức hút của nhóm ngành nghề này là vô cùng lớn.

Đánh giá về nhu cầu nhân lực nhóm ngành đặc thù CNTT và du lịch mà các trường đang đào tạo, ông Đỗ Thanh Vân - Phó Giám đốc phụ trách FALMI cho rằng: Ngay cả khi dịch Covid-19 qua đi, thị trường lao động TP được dự báo rất khó để trở về như cũ, số người thất nghiệp, bị mất việc sẽ phải tìm việc làm mới. Tuy vậy, chắc chắn nhu cầu tuyển dụng nhân lực khối ngành CNTT sẽ tăng trưởng mạnh trong bối cảnh nền kinh tế số và sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử.

“Với nhân lực nhóm ngành du lịch, nhà hàng và khách sạn, tốc độ tăng trưởng sẽ không bằng. Tuy nhiên, dự báo giai đoạn tới nếu dịch Covid-19 được đẩy lùi thì nhu cầu nhân lực lĩnh vực này sẽ vô cùng lớn. Đó là chưa kể bối cảnh thế giới đã dần ổn định hơn. Thực tế, nền kinh tế TPHCM trong thời gian qua vẫn trên đà tăng trưởng, thu ngân sách 6 tháng đầu năm vẫn vượt chỉ tiêu, do đó, nếu như được tiếp sức tốt hơn, môi trường kinh tế tốt hơn, dự báo nhân lực nhóm ngành nghề như CNTT, xây dựng, công nghiệp chế biến, du lịch và khách sạn có thể tạo ra được cú hích lớn”, ông Vân nhận định.

Minh chứng cho sức hút ngành đặc thù, theo TS Nguyễn Văn Hiến - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing TPHCM (UFM), số hồ sơ xét tuyển nộp vào 4 ngành đặc thù của trường rất lớn. Thực tế, qua xét học bạ THPT và đánh giá năng lực của ĐHQG, điểm chuẩn trúng tuyển từ 22 - 25 điểm.

“Tổng chỉ tiêu cho 4 ngành đặc thù của trường trong nhiều năm qua chỉ ở con số 400 - 450 và năm nào cũng tuyển đủ với điểm chuẩn rất cao. Nhu cầu là rất lớn nhưng chúng tôi quan niệm chất lượng thật cho các chương trình này nên không mở rộng chỉ tiêu, thay vào đó dốc nguồn lực đầu tư vào hạ tầng cơ sở, các mô hình mô phỏng để sinh viên thuận lợi trong học tập”, TS Hiến nói.

Tương tự, nhóm ngành đặc thù tại Trường ĐH Thương mại (Hà Nội) 3 năm nay luôn giữ được sức hút lớn với thí sinh và phụ huynh. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Nguyên Hồng - Trưởng khoa Khách sạn - Du lịch nhà trường, chỉ tiêu hàng năm của trường chỉ từ 400 - 600 (gồm cả 2 hệ đặc thù và đại trà) và không mở rộng nhằm đảm bảo chất lượng tốt cho nguồn nhân lực khi cọ xát trong nhiều môi trường làm việc, kể cả quốc tế. Điểm chuẩn trúng tuyển của 3 ngành này năm 2020 là trên 24.

Theo thống kê về nhu cầu nhân lực nhóm ngành CNTT và du lịch của TPHCM giai đoạn 2020 - 2025 của Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường lao động TPHCM (FALMI), 1 năm TP cần khoảng 280.000 - 320.000 việc làm (trong đó, lao động có trình độ đại học chiếm 13%, cao đẳng chiếm 15%, trung cấp chiếm 35%, sơ cấp nghề 20%). 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ