Từ cổ chí kim, người có địa vị càng cao sẽ càng chú ý tới an toàn của bản thân. Đó cũng là lý do vì sao những Hoàng đế cổ đại đều có thị vệ thiếp thân và nhiều võ sĩ ẩn thân luôn túc trực bên mình.
Trong Tam Quốc diễn nghĩa, các bậc quân chủ như Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền đều có hộ vệ.
Bên cạnh Tào Tháo có Điển Vi và Hứa Chử luôn túc trực. Lưu Bị có Bạch Nhĩ Binh bảo vệ.
Về phần Tôn Quyền, chứng kiến anh trai Tôn Sách từng bỏ mạng vì bị ám sát, vị quân chủ này càng cất công tự chuẩn bị cho bản thân một đội hộ vệ hùng hậu.
Bên cạnh ba vị quân chủ kể trên, nhiều tướng quân nổi danh thời bấy giờ đều bố trí thân binh bảo vệ an toàn cho mình. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến đội hộ vệ nổi danh dưới quyền Trương Phi -Yến Vân Thập Bát Kỵ.
Nhưng điều đáng nói nằm ở chỗ, ngay cả khi sở hữu cho mình đội ngũ hộ vệ đông đảo và tinh nhuệ như vậy, Trương Phi vẫn không tránh khỏi kết cục bị thủ hạ ám sát.
Vào đêm định mệnh mà vị tướng họ Trương ấy bị thuộc hạ giết hại, đội hộ vệ Yến Vân Thập Bát Kỵ của ông vì sao lại không thể cứu giá kịp thời?
Đội hộ vệ tinh nhuệ nổi danh của Trương Phi
Yến Vân Thập Bát Kỵ là đội ngũ tập hợp 18 hào kiệt nổi tiếng kiêu dũng, thiện chiến. Đội quân này từng được "Tấn Thư" ghi chép lại và xuất hiện trong Tam Quốc Diễn Nghĩa
Trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa, Yến Vân Thập Bát Kỵ xuất hiện khi Trương Phi trấn thủ Từ Châu. Bấy giờ, Lữ Bố thừa dịp đêm khuya đánh lén, mà Trương Phi đã uống say, không thể kháng địch.
Ngay lúc nguy cấp, Yến Vân Thập Bát Kỵ đã bảo vệ chủ tướng, liều chết mở đường máu, cuối cùng cứu Trương Phi trốn ra khỏi thành.
Nhờ có đội hộ vệ này, vị tướng họ Trương mới thoát được một kiếp nạn. Điều này cũng cho thấy năng lực của Yến Vân Thập Bát Kỵ là không thể coi thường.
Yến Vân Thập Bát Kỵ là đội hộ vệ sở hữu sức chiến đấu nổi danh thời bấy giờ. (Tranh minh họa).
Trong lịch sử Trung Hoa, Yến Vân Thập Bát Kỵ cũng từng trở thành tên gọi của một số đội quân. Số người trong đội quân này có lúc lên tới 70, 80 người chứ không phải cố định ở con số 18.
Dù ở triệu nào, người được tuyển chọn vào hàng ngũ củaYến Vân Thập Bát Kỵ đều phải là những binh sĩ tinh nhuệ, giỏi giang.
Đội ngũ tập hợp toàn những tinh anh này đã trở thành cảm hứng của nhiều tác phẩm nghệ thuật và thậm chí còn được thần thánh hóa trong các giai thoại dân gian.
Sở hữu hộ vệ tinh nhuệ, vì sao Trương Phi vẫn chết thảm trong tay thuộc hạ?
Nhắc tới Trương Phi, hậu thế đều biết đến tính cách nóng nảy và hà khắc của vị tướng nổi danh này. Trương Phi đối xử với cấp dưới vô cùng nghiêm khắc, đặc biệt là từ sau khi Quan Vũ qua đời.
Kể từ khi Nhị ca mất, Trương Phi thường xuyên uống rượu, mỗi khi tâm tình không tốt sẽ dùng roi đánh đập thuộc hạ.
Năm xưa, khi Lưu Bị chuẩn bị phạt Đông Ngô, Trương Phi từng lệnh cho Phạm Cương, Trương Đạt chuẩn bị đủ áo giáp trắng để tang Quan Vũ cho cả đại quân trong thời gian ngắn.
Khi hai vị tướng ấy xin gia hạn thêm mấy hôm, Trương Phi đã thẳng tay đánh đập họ, thậm chí còn bắt buộc nội trong hôm sau phải hoàn thành tất cả.
Vì lo sợ bị giết và bất mãn, hai kẻ này đã nhân cơ hội chủ tướng say rượu, thừa lúc đêm khuya lẻn vào doanh trướng chém đầu Trương Phi mang nộp cho Tôn Quyền.
Cứ như vậy, một danh tướng kiêu hùng cứ như vậy dễ dàng bỏ mạng trong tay kẻ phản phúc.
Tính tình nóng nảy và cách đối xử hà khắc với thuộc hạ đã trở thành nguyên nhân dẫn đến cái chết của Trương Phi. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Nhìn lại hoàn cảnh lúc bấy giờ, có nhiều người không khỏi thắc mắc: Khi đó Yến Vân Thập Bát Kỵ vì sao không kịp thời bảo vệ Trương Phi?
Nếu năm xưa đội hộ vệ này cũng đã từng cứu mạng Trương Phi khỏi kẻ thù đánh lén, vậy vì sao giờ đây lại không thể cứu sống ông khỏi âm mưu của hai kẻ phản bội kia?
Nguyên nhân của việc này thật ra rất dễ hiểu.
Thứ nhất, Yến Vân Thập Bát Kỵ mặc dù là hộ vệ của Trương Phi, nhưng cũng không thể túc trực bên chủ nhân từng giây từng phút.
Trương Phi say rượu, bị hạ sát trong doanh trướng riêng, hơn nữa kẻ ra tay còn là thuộc hạ của ông.
Trước tình huống đặc biệt ấy, bất luận là Yến Vân Thập Bát Kỵ hay những hộ vệ nào khác đều không tránh khỏi lơ là.
Thứ hai, Trương Phi đã nam chinh bắc chiến nhiều năm. Yến Vân Thập Bát Kỵ đi theo chủ tướng, ít nhiều cũng có người đã hy sinh hoặc bị thương, sức chiến đấu đương nhiên không bằng lúc trước.
Đây chính là hai lý do giải thích cho sự vắng mặt bất thường của đội hộ vệ Yến Vân Thập Bát Kỵ vào đêm định mệnh mà Trương Phi bị hạ sát
Cái chết của Trương Phi đã khiến Lưu Bị mất đi một trợ thủ đắc lực trong công cuộc chinh phạt Đông Ngô.
Kết quả là trong cuộc chiến ấy, Thục Hán đại bại. Sự thất bại ê chề này cùng với nỗi đau mất đi huynh đệ đã khiến Lưu Bị không gượng dậy nổi, sau đó qua đời trong u uất, tức tưởi khi nghiệp lớn còn chưa thành.