Triển lãm “Một thoáng Lưu Công Nhân” sẽ đưa công chúng du hành ngược thời gian, từ giai đoạn họa sĩ dưỡng bệnh vào cuối đời tại Đà Lạt với loạt tranh màu nước trên giấy vô cùng tối giản.
Vẽ ngay cả khi nằm trên giường bệnh
Triển lãm do Annam Gallery cùng giám tuyển Bùi Thị Phương Thảo và Hùng Nguyễn tổ chức, sẽ diễn ra vào ngày 5/7 tại TPHCM.
Đây là một triển lãm hồi cố về cuộc đời và sự nghiệp của danh họa Lưu Công Nhân và loạt tranh màu nước trên giấy vô cùng tối giản về mảng - hình, trở về thời điểm sự nghiệp vàng son lúc ông còn trẻ tuổi với loạt tranh sơn dầu trên toan, vừa hiện thực vừa trừu tượng.
Theo Ban tổ chức, triển lãm “Một thoáng Lưu Công Nhân” là một lát cắt mỏng về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác nghệ thuật đồ sộ của danh họa Lưu Công Nhân.
Vào cuối năm 2000, sức khỏe sa sút và vận động hạn chế do mắc bệnh Parkinson, Lưu Công Nhân lại chuyển về Đà Lạt dưỡng bệnh và sau đó qua đời tại đây.
Trong thời gian dưỡng bệnh, Lưu Công Nhân vẫn vẽ để vơi đi nỗi nhớ nghề. Với ông, “vẽ là sống” và vẽ cũng chính là cứu cánh tinh thần vào những ngày cuối đời trên giường bệnh hay trên xe lăn.
Vào thời điểm này, ông gặp nhiều khó khăn khi vẽ tranh có kích thước lớn, nên loạt tranh màu nước tĩnh vật - đa phần là hoa, trên nền giấy điệp và giấy canson rất đơn giản với đôi nét dựng mảng - hình. Tuy nhiên, người xem tranh cảm nhận rõ, rằng họa sĩ vẫn làm chủ chất liệu và chủ động trong nét bút của mình.
Với loạt tranh sơn dầu, các tác phẩm trải dài từ thời kỳ đầu sáng tác của Lưu Công Nhân với những hình ảnh về con người và cảnh quan thời chiến (thập niên 50 - 60). Sau đó là giai đoạn tiếp xúc và chịu ảnh hưởng bởi hội họa trừu tượng phương Tây (khoảng từ năm 1970 đến 1972); giai đoạn họa sĩ sống tại Hội An và vẽ tranh về phố thị cổ kính này (1984 - 1985); thời kỳ tập trung vẽ nhiều tranh khỏa thân nữ (thập niên 90).
Lưu Công Nhân (1929 - 2007) là cựu sinh viên khóa Kháng Chiến (1950 - 1954) tại chiến khu Việt Bắc của Trường Mỹ thuật Việt Nam, do họa sĩ Tô Ngọc Vân làm Hiệu trưởng và trực tiếp giảng dạy.
Trong những tháng năm này, Lưu Công Nhân được thầy Tô Ngọc Vân quý mến và dành nhiều tình cảm vì ông sớm bộc lộ tài hoa của mình qua những bài tập và ký họa thực tế, đặc biệt đã đạt tới đỉnh cao kỹ thuật trong việc sử dụng màu nước.
Khác với các họa sĩ cùng thời - thế hệ thiếu thốn đáng kể về vật chất, Lưu Công Nhân là một ngoại lệ. Sau kháng chiến chống Pháp, về lại Hà Nội, ông được xếp vào nhóm họa sĩ sáng tác hưởng biên chế Nhà nước. Bởi vậy ông có sự tự do và thoải mái trong việc đi trực họa ngoài trời ở nhiều địa phương.
Thêm vào đó, việc gia đình tạo điều kiện để ông có thể tiếp cận và nghiên cứu các tài liệu mỹ thuật nước ngoài nhằm tích lũy tri thức về nghệ thuật, đã giúp các tác phẩm của ông thêm phần vững vàng trong bút pháp.
Ngoài ra, Lưu Công Nhân cũng dành nhiều thời gian để viết thư gửi bạn bè và gia đình để chia sẻ suy nghĩ bản thân về nghệ thuật, việc vẽ và nhân cách họa sĩ. Điều này đã giúp cho đời sống tinh thần của ông trở nên phong phú, hồn nhiên, thơ trẻ hơn trong sự sâu sắc của một người mẫn cảm với tất thảy mọi thứ quanh mình. Từ đó, tranh ông cũng đậm đà, sâu sắc hơn về mặt ý nghĩa, nội dung.
Một người duy mỹ điển hình
Nhắc đến tranh Lưu Công Nhân, đó luôn là hình ảnh một nông thôn Việt Nam - con trâu no đủ gắn bó với người nông dân đầy chất tình, chất phác, thuần hậu và bình yên dù trải qua những sự khốc liệt của chiến tranh; hay đó là hình ảnh người phụ nữ đẹp dung dị mà gợi cảm, dưới vành khăn mỏ quạ, với đôi mắt đen ướt, hiền lành và thiết tha tình cảm.
Nhà phê bình Nguyễn Quân trong “Những nẻo đường Lưu Công Nhân” có nhận xét rằng, tính chuyên nghiệp cao khiến ông tự có những đòi hỏi khắt khe. Trước hết là phải vẽ. Vẽ liên tục, không làm gì khác. Trong khó khăn chung, ông luôn thu vén cho mình những điều kiện sáng tác tối ưu. Sau cái vẻ hào hoa, cười cợt, phớt đời là cả một nguồn nghị lực hiếm có.
Là người hướng thượng, ông tự học bền bỉ, tìm hiểu sâu sắc nghệ thuật Á Đông và phương Tây. Ông có mấy năm miệt mài với tranh trừu tượng để rồi tuyên bố: Nó không phải của ta. Và ông thành thật khuyên can các họa sĩ trẻ về điều mà họ không thích nghe theo ấy.
Ông lại dùng mấy năm ngao du sơn thủy để vung bút thiền họa phong cảnh và khỏa thân mực Tàu cực phóng khoáng. Nhưng rồi nơi cư ngụ của ông vẫn là những xưởng họa ở Vĩnh Phú, Đà Lạt hay Sài Gòn.
Ông vẽ vợ, con, cháu, các cô người mẫu mà ông đắm đuối, đắm đuối với hình và màu, với “ma-tre” - biểu chất - của sơn và vệt bút hơn là với nhân vật. Ông trở nên một người duy mỹ điển hình.
Ở các tranh tĩnh vật, hình như họa sĩ tìm một sự tích hợp Đông - Tây, hay chí ít cũng là một nẻo trung dung riêng biệt. Ông muốn có cái “khí vận sinh động”, không dính vào ngoại vật (Đông) cộng sinh với trực cảm vật chất đầm đìa (Tây).
Những cái bình, cái lọ của ông thô mộc, chỏng trơ, những cánh hoa phất phơ, cô độc… như chỉ là cái ý. Còn màu, nét bút lực vẫn thiết tha, yểu điệu như những cô thanh nữ.
“Một loạt tranh nổi tiếng của ông vẽ cái lô-cốt Pháp trên đường quốc lộ. Có cột cây số ngây ngô, có cành xoan non phe phớt, lại có cả hàng quán tiêu sơ mà xanh đỏ. Con đường là huyết mạch của kháng chiến, của cuộc sống, của tình tự và gặp gỡ, của đến hẹn và chia ly.
Cái lô-cốt xi măng ngạo nghễ hay nhẫn nhục quỳ gối thì nó vẫn ở đó như một quá khứ và lịch sử. Nó không mất đi dù ta bảo nó thắng hay bại… Ông cấp tiến trong ý thức nên rất “dân chủ” với đám hậu sinh”, nhà phê bình Nguyễn Quân nhận định.
Trong khuôn khổ triển lãm “Một thoáng Lưu Công Nhân”, chương trình trò chuyện nghệ thuật “Lưu Công Nhân và hội họa” với sự chia sẻ từ nhà báo Đào Mai Trang - tác giả cuốn sách “Song hành với nghệ thuật”, sẽ bật mí cho công chúng những thông tin thú vị về con người, cuộc đời và sự nghiệp sáng tác nghệ thuật về một bậc tài hoa của mỹ thuật Việt Nam - cố họa sĩ Lưu Công Nhân.