Việt Nam được chọn là điểm đến đầu tiên trong hành trình ấy.
Bộ truyện thú vị của nhiều thế hệ
Thông tin từ NXB Kim Đồng cho biết, sau sự kiện trưng bày quy mô lớn tại chính quê hương Nhật Bản, triển lãm “30 năm đi cùng ký ức - Thám tử lừng danh Conan” đã chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên toàn thế giới để tiếp tục hành trình giới thiệu về lịch sử cùng sức hấp dẫn của “Thám tử lừng danh Conan”.
“Thám tử lừng danh Conan” là một series manga trinh thám được sáng tác bởi Aoyama Gosho. Tác phẩm được đăng tải trên tạp chí Weekly Shonen Sunday của NXB Shogakukan năm 1994.
Truyện xoay quanh một cậu thám tử trung học có tên Kudo Shinichi trong lúc đang điều tra một tổ chức Áo Đen bí ẩn đã không may bị phát hiện và cậu bị ép phải uống một loại thuốc độc gây chết người.
May mắn là cậu đã sống sót nhưng cơ thể lại bị teo nhỏ như một đứa bé 6 tuổi. Để tránh lộ thân phận của mình vào tay tổ chức Áo Đen, Kudo Shinichi đã lấy tên là Edogawa Conan và chuyển đến sống ở nhà của cô bạn thời thơ ấu Ran Mori cùng với bố của cô ấy - một thám tử tư tên là Mori Kogoro, với hi vọng một ngày nào đó cậu có thể hạ gục tổ chức Áo Đen và lấy lại hình dáng ban đầu.
Kể từ dấu mốc đăng tải vào tháng 1/1994 và kéo dài trong suốt 30 năm qua, “Thám tử lừng danh Conan” đã chinh phục nhiều thế hệ độc giả Nhật Bản và toàn thế giới. Trong hành trình kỷ niệm 30 năm ấy, điểm nhấn đặc biệt là toàn bộ hình ảnh chủ đạo của trưng bày đều sử dụng tranh minh họa do chính tác giả Gosho Aoyama chắp bút.
Mở màn cho hành trình khám phá là Phòng Intro với điểm nhấn là mô hình Edogawa Conan. Tại đây khán giả Việt sẽ có dịp sống trong những khoảnh khắc quen thuộc nhất của bộ truyện. Trong khi đó, khu vực Conan’s Words sẽ điểm lại những câu nói để đời xuyên suốt tác phẩm.
Khu vực Conan’s Love giới thiệu những sắc thái, những câu chuyện tình yêu phát triển cùng hành trình 30 năm qua. Conan’s Mystery có chủ đề “Bí ẩn” được coi là một “chuyên mục đặc biệt”, tuyển tập những mật mã cùng các loại thư tuyệt mệnh từng xuất hiện trong bộ truyện. Người xem càng say mê khi gian phòng đào sâu mối quan hệ bí hiểm, phức tạp nhất giữa các nhân vật và tổ chức Áo Đen.
Khu vực tập trung vào các hung thủ là phòng triển lãm Conan’s Hannin. Để từ đó, khách tham quan bước vào Conan’s Justice, nơi kể câu chuyện về những người ở lại sau mỗi vụ án. Tại khu vực này, khán giả khám phá mối quan hệ phức tạp, nguồn động lực và niềm tin không gì lay chuyển của các nhân vật.
Tại Conan’s Magic, khách tham quan sẽ chứng kiến những màn trình diễn ảo diệu đến từ Kaito Kid - một kỳ phùng địch thủ của Conan, một nhân vật “xuất quỷ nhập thần” và giàu sức hút bậc nhất của bộ truyện. Cuối cùng, trải nghiệm sẽ được nâng tầm cực hạn qua thước phim đặc biệt tại gian phòng “Ký ức” đầy hoài niệm xúc cảm và được giới thiệu là “chỉ có tại triển lãm”.
Chưa hết, triển lãm còn thiết kế một khu vực trưng bày đặc biệt của tác giả Aoyama Gosho - trưng bày những tài liệu thiết kế quý giá thời kỳ đầu của tác phẩm và một món quà đặc biệt chính là bức tranh do chính tác giả chắp bút như lời chào và lời cảm ơn dành cho cộng đồng fan Conan tại Việt Nam.
Theo ban tổ chức, triển lãm “30 năm đi cùng ký ức - Thám tử lừng danh Conan” sẽ chính thức mở cửa đón khách từ ngày 29/6 và diễn ra đến ngày 31/8/2024, trong khung thời gian từ 9 giờ 30 phút đến 22 giờ hằng ngày tại Trung tâm thương mại Gigamall, (TPHCM).
Triển lãm sẽ chia ra các phòng, các khu vực để khán giả Việt trải nghiệm sâu hơn về bộ truyện Conan. |
Xem người lại ngẫm tranh Việt
Ngay khi sự kiện triển lãm “Thám tử lừng danh Conan” được thông báo tới Việt Nam, giới truyện tranh và nhiều độc giả bàn luận sôi nổi trên các hội nhóm mạng xã hội. Đáng chú ý, những bình luận đều thông qua sự thành công của truyện tranh Conan để “chỉ trích” truyện tranh Việt vì sự thiếu vắng các tác phẩm chất lượng.
“Xem người lại ngẫm đến ta” là việc cần thiết, song cũng không thể phủ nhận hoàn toàn những gì mà truyện tranh Việt đã làm được. Khoảng những năm 2002, khoảng trống thiếu vắng truyện tranh nội địa đã được bù đắp bởi “Thần đồng đất Việt”. Đến năm 2012, bộ truyện tranh “Đất rồng” từng nhận “mưa” lời khen khi đoạt giải trong một cuộc thi truyện tranh do Nhật Bản tổ chức.
Thời kỳ này xuất hiện một số tác giả trẻ nổi bật, như Chi Còi với “Ma nữ nhà tôi” và “Các vị thần Hy Lạp”, Lâm Hoàng Trúc với “Đường hoa”, Phan Kim Thanh với “Cuộc sống của Vàng Vàng” và After Life (Sau cái chết), “Bad luck” của Nguyễn Huỳnh Bảo Châu, “Địa ngục môn” của Can Tiểu Hy và “Long Thần Tướng” được trao giải Bạc ở cuộc thi International Manga Award lần thứ 9 tại Nhật Bản.
Đặc biệt, năm 2021 “Chang hoang dã - Gấu” (cuốn đầu tiên trong series artbook - truyện tranh Chang hoang dã) của tác giả Trang Nguyễn - Jeet Zdung được NXB Pan Macmillan của Anh mua bản quyền toàn cầu từ NXB Kim Đồng. “Chang hoang dã – Gấu” không đơn thuần là câu chuyện của một cô gái theo đuổi ước mơ. Trang Nguyễn và câu chuyện của cô có sức ảnh hưởng lớn lao trong cộng đồng.
Tuy nhiên cũng phải thấy rằng, dù đạt được những thành công nhưng truyện tranh Việt vẫn lép vế trước truyện nhập ngoại. Trong khi giá trị ngành công nghiệp truyện tranh toàn cầu năm 2023 đạt tới 27 tỷ USD, thì Việt Nam không hề có phần trong miếng bánh ấy.
Truyện tranh Việt Nam có phát triển được hay không là câu chuyện của tương lai xa, bởi tương lai gần khó có những tác phẩm xuất sắc như bộ truyện Conan. Nói như đạo diễn Charlie Nguyễn - trong cuộc thi sáng tác truyện tranh Comink tại Việt Nam thì: “Người Việt có thể đầu tư hàng tỷ đồng cho một bộ phim nhưng không ai đầu tư cho truyện tranh vì chưa nhận ra tiềm năng. Nếu có đơn vị đầu tư số tiền lớn như làm phim để làm truyện tranh thì truyện tranh Việt Nam sẽ khởi sắc”.